Để đảm bảo quyền và lợi ích của các đương sự trong vụ án được bình đẳng, vì vậy pháp luật đã quy định về việc trong trường hợp một người bị khởi kiện có quyền được kiện ngược lại người đã kiện mình. Quy định về việc khởi kiện ngược lại người đã kiện mình như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Có được khởi kiện ngược lại người đã kiện mình không?
Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự các đương sự với tư cách là các chủ thể của quan hệ pháp luật tố tụng nên để đảm bảo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách công bằng mà không có sự phân biệt nào. Do đó, để đảm bảo cho bị đơn có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và bình đẳng với quyền khởi kiện của nguyên đơn theo quy định tại Điều 73 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định bị đơn có quyền được chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khỏi kiện của nguyên đơn; phản đối yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; đưa ra yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ.
Như vậy, có thể thấy trong trường hợp không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bị đơn có quyền phản đối yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đồng thời có quyền đưa ra yêu cầu phản tố để bù trừ các nghĩa vụ mà nguyên đơn yêu cầu trong đơn khởi kiện.
Căn cứ theo quy định tại Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Bên cạnh đó theo quy định tại Điều 72 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 phản tố được hiểu là việc bị đơn đưa ra các yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị bù trừ nghĩa vụ của nguyên đơn.
Như vậy, trong trường hợp này có thể yêu cầu phản tố là việc mà bị đơn kiện ngược lại nguyên đơn.
2. Điều kiện về yêu cầu phản tố của bị đơn:
Thứ nhất, yêu cầu phản tố nhằm mục đích bù trừ, loại trừ hoặc có liên quan trực tiếp đến yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định về yêu cầu phản tố của bị đơn phải có liên quan trực tiếp đến yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Cần lưu ý trong quá trình giải quyết vụ án bị đơn có thể đưa ra nhiều cầu khác nhau tuy nhiên không phải yêu cầu nào cũng được coi là yêu cầu phản tố và chỉ được xem là yêu cầu phản tố nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Thông thường, yêu cầu phản tố của bị đơn để nhằm bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Như vậy, đây là trường hợp bị đơn có nghĩa vụ đối với nguyên đơn hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có nghĩa vụ đối với bị đơn. Vì vậy, bị đơn đã yêu cầu tòa án giải quyết để bù trừ nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
+ Trường hợp yêu cầu phản tố được chấp nhận sẽ có thể dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Đây chính là trường hợp trong cùng một đối tượng tranh chấp nhưng nguyên đơn và bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đưa ra hai yêu cầu đối lập nhau và nếu yêu cầu kiện ngược lại của bị đơn được chấp nhận thì sẽ dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
+ Trường hợp yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan mật thiết với nhau và nếu được giải quyết cùng một vụ án thì sẽ làm cho việc giải quyết vụ án đó một cách chính xác và nhanh hơn. Có sự liên quan giữa các yêu cầu của bị đơn nguyên đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được hiểu là các yêu cầu này có mối quan hệ với nhau và giải quyết trong cùng một vụ án sẽ làm cho kết quả giải quyết được chính xác và nhanh chóng hơn.
Như vậy, có thể hiểu phản tố chính là việc bị đơn kiện lại nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nhằm mục đích bù trừ đi nghĩa vụ hoặc loại trừ một phần hay toàn bộ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Ngược lại nếu các yêu cầu này không có mối quan hệ liên quan trực tiếp đến nhau thì tòa án sẽ phải giải quyết thành hai vụ án khác nhau.
Thứ hai, chỉ được coi là yêu cầu phản tố nếu yêu cầu kiện ngược lại của bị đơn khác với quan hệ pháp luật mà nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu bị đơn hoặc thuộc cùng quan hệ pháp luật mà nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã kiện bị đơn nhưng khác với yêu cầu cụ thể mà nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã kiện bị đơn.
3. Thời điểm khởi kiện ngược lại người đã kiện mình được Tòa án chấp nhận?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 200 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015 quy định rõ về việc bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố của mình trước thời gian mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải.
Điều này đã giúp cho việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn của Tòa án được chủ động và hợp lý hơn, rút ngắn thời gian giải quyết vụ án. Quy định như vậy là cũng để nhằm tránh tình trạng bị đơn vì muốn kéo dài thời gian giải quyết vụ án mà cố tình không đưa ra yêu cầu phản tố của mình trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Tuy nhiên, trong trường hợp thẩm phán thụ lý vụ việc tiến hành mở phiên họp này quá sớm cũng sẽ dẫn đến những bất lợi cho bị đơn.
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng không có quy định về việc số lần tòa án sẽ mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC thì đối với vụ việc phải tiến hành hòa giải nhiều lần thì chỉ trong lần hòa giải đầu tiên tòa án sẽ phải thực hiện đầy đủ theo các trình tự thủ tục của phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải được quy định tại Điều 210 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Sau đó những lần hòa giải tiếp theo thì tòa án sẽ chỉ tiến hành việc kiểm tra giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và việc này được thực hiện chỉ khi có các tài liệu hoặc chứng cứ mới và phải ghi vào biên bản hòa giải.
Như vậy, có thể thấy trong trường hợp nếu phải mở nhiều phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ thì đương sự chỉ có quyền được đưa ra yêu cầu phản tố của mình trong phiên họp đầu tiên hay tại phiên họp cuối cùng vẫn chưa được giải đáp cụ thể. Điều này dẫn đến thực trạng các tòa án thụ lý đơn yêu cầu phản tố của bị đơn không thống nhất và không đảm bảo được quyền và lợi ích của đương sự.
Tuy nhiên, theo ý kiến của tác giả việc tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải chỉ được thực hiện nhiều lần khi có các tài liệu hoặc chứng cứ mới, như vậy trong trường hợp bị đơn có các tài liệu và chứng cứ mới để chứng minh cho yêu cầu phản tố của mình sau khi phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải lần đầu thì tòa án cần phải thụ lý đơn yêu cầu phản tố của bị đơn. Bởi điều này sẽ giúp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trong việc cung cấp các tài liệu chứng cứ cũng như yêu cầu của mình.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015;
Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ.