Việc bồi thường của Nhà nước được quy định rất cụ thể trong Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ các căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước:
Mục lục bài viết
1. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước:
Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được đặt ra khi có cá nhân, tổ chức bị thiệt hại xảy ra do người thi hành công vụ gây thiệt hại trong quá trình hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Theo đó, thiệt hại được hiểu là những thiệt hại về tinh thần, thiệt hại về vật chất do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định. Yếu tố công vụ chính là yếu tố đặc thù trong quan hệ pháp luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Hoạt động công vụ hay còn gọi là hoạt động thực hiện nhiệm vụ nhân danh quyền lực công nhằm duy trì trật tự chung của toàn xã hội, qua đó trực tiếp hoặc gián tiếp bảo đảm lợi ích chung của cả cộng đồng.
Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chỉ phát sinh từ hành vi thi hành công vụ. Do đó, các hành vi không gắn với việc thi hành công vụ thì cán bộ, công chức phải chịu trách nhiệm cá nhân về hành vi của mình.
Theo quy định tại Điều 7 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường khi có các căn cứ sau:
(i) Xác định được hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại dựa trên các yếu tố sau đây:
– Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.
– Có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường.
– Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính xác định có hành vi trái pháp luật của người bị kiện là người thi hành công vụ gây thiệt hại và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Đồng thời có yêu cầu bồi thường trước hoặc yêu cầu tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại.
– Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự xác định có hành vi trái pháp luật của bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; đồng thời có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
(ii) Xảy ra thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
(ii) Giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại thực tế có mối quan hệ nhân quả với nhau.
2. Đối tượng nào có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại?
Căn cứ Điều 2 và Điều 5 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định các đối tượng sau có quyền yêu cầu bồi thường:
– Các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Cụ thể gồm:
+ Đối tượng bị thiệt hại.
+ Trường hợp người bị thiệt hại chết thì người thừa kế của người bị thiệt hại.
+ Tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại.
+ Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại nếu như thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật.
+ Các nhân được ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định.
3. Thời hiệu yêu cầu bồi thường của Nhà nước:
Thời hiệu khởi kiện được hiểu là thời hạn chủ thể được quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự để bảo vệ quyền cũng như lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm. Khi khoảng thời gian đó kết thúc thì coi như đương sự mất quyền khởi kiện.
Căn cứ khoản 1 Điều 6 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định thời hiệu để yêu cầu bồi thường sẽ là 03 năm tính từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường theo quy định nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.
Lưu ý: thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính sẽ căn cứ theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính.
Theo khoản 3 Điều 6 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 cũng quy định khoảng thời gian sau sẽ không được tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường, cụ thể gồm:
– Trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc các trở ngại khách quan. Theo đó, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép như mưa bão, lũ lụt, hỏa hoạn,…
Còn trở ngại khách quan xuất phát từ hoàn cảnh khách quan tác động đến khiến cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không biết được quyền lợi của mình xâm phạm hoặc không thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình.
– Trường hợp người có quyền khởi kiện là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện.
– Trường hợp Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế khi:
+ Vì lý do chính đáng người đại diện không thể tiếp tục đại diện được.
+ Người đại diện là cá nhân chết hoặc người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại.
4. Người yêu cầu bồi thường có quyền và nghĩa vụ gì?
Căn cứ Điều 13 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định người yêu cầu bồi thường là người bị thiệt hại sẽ có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
Thứ nhất, về quyền:
– Được quyền yêu cầu cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường và được thông báo kết quả giải quyết yêu cầu bồi thường.
– Được quyền thực hiện khiếu nại, tố cáo, khởi kiện quyết định, hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định.
– Được quyền khiếu nại, kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng.
– Được quyền nhờ người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình.
– Được quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình theo quy định của pháp luật.
– Được ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.
– Được cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hướng dẫn thủ tục yêu cầu bồi thường.
– Thực hiện các quyền khác trên cơ sở quy định của pháp luật.
Thứ hai, về nghĩa vụ:
– Chịu trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu bồi thường một cách kịp thời, trung thực và chính xác.
– Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của mình.
– Có trách nhiệm tham gia vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường một cách đầy đủ.
– Có trách nhiệm chứng minh thiệt hại thực tế được bồi thường theo quy định và mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.
– Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 số
Thông tư số 09/2019/TT-BTP quy định biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước.
Thông tư số 02/2023/TT-TANDTC hướng dẫn thi hành điều 55 của luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước về giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại tòa án.