Luật điện lực đề ra các quy định nhằm đảm bảo an toàn, công bằng, hiệu quả và bền vững từ quá trình sản xuất, phân phối đến sử dụng điện năng. Vậy hoạt động điện lực không có giấy phép bị phạt thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Hoạt động điện lực không có giấy phép bị phạt thế nào?
- 2 2. Các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực:
- 3 3. Các trường hợp được miễn cấp giấy phép hoạt động điện lực:
- 4 4. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép hoạt động điện lực trong trường hợp nào?
- 5 5. Vai trò quản lý hoạt động điện lực của Nhà nước:
1. Hoạt động điện lực không có giấy phép bị phạt thế nào?
Hoạt động điện lực là hoạt động đầu tư phát triển điện lực của tổ chức, cá nhân như: phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực, bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực và những hoạt động khác có liên quan. Hoạt động điện lực có thể gây nguy hiểm nếu không được quản lý chặt chẽ, từ quá trình sản xuất đến truyền tải và sử dụng điện. Việc đặt ra các quy định pháp luật về điện lực giúp đảm bảo cho hoạt động điện lực được thực hiện một cách an toàn và hiệu quả.
Hoạt động điện lực không có giấy phép là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 7 Văn bản hợp nhất Luật điện lực số 06/VBHN-VPQH. Do đó, hành vi vi phạm điều cấm của luật sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật. Căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 6, Điều 5 Nghị định 134/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP, hành vi hoạt động điện lực mà không có Giấy phép hoạt động điện lực sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính: phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
Như vậy, trường hợp hoạt động điện lực mà không có giấy phép sẽ bị phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
2. Các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực:
Quy định pháp luật về hoạt động điện lực đặt ra các tiêu chuẩn và quy tắc để đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng điện: đảm bảo an toàn cho nhân viên, cũng như bảo vệ cộng đồng và môi trường xung quanh khỏi các rủi ro có thể phát sinh từ hoạt động điện lực. Ngoài ra, việc quản lý chặt chẽ hoạt động điện lực góp phần phục vụ cho hoạt động quản lý của Nhà nước về việc sử dụng tài nguyên, năng lượng một cách tối đa và hiệu quả.
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Văn bản hợp nhất Luật điện lực số 06/VBHN-VPQH, theo đó các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện lực bao gồm:
– Hành vi phá hoại trang thiết bị điện, thiết bị đo đếm điện và công trình điện lực;
– Không có giấy phép hoạt động điện lực theo quy định;
– Đóng hoặc cắt điện không theo quy định;
– Vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện;
– Làm cản trở trong kiểm tra, giám sát hoạt động điện lực và sử dụng điện;
– Hành vi trộm cắp điện, gian lận sửa dụng điện trái phép không qua công tơ, tác động nhằm làm sai lệch chỉ số của thiết bị đo đếm;
– Dùng điện để bẫy, đánh bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ, trừ những trường hợp được pháp luật cho phép;
– Vi phạm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, khoảng cách an toàn của đường dây và trạm điện;
– Cung cấp thông tin không trung thực làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn đề ra các chính sách gây nhiễu, phiền hà và thu lợi bất chính trong hoạt động điện lực và sử dụng điện.
– Các hành vi khác vi phạm quy định pháp luật về điện lực.
3. Các trường hợp được miễn cấp giấy phép hoạt động điện lực:
Việc xin cấp giấy phép hoạt động điện lực là điều kiện để các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động sản xuất, truyền tải, phân phối điện,… Tuy nhiên, trong một số trường hợp pháp luật cho phép tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực mà không bắt buộc có giấy phép hoạt động điện lực. Theo quy định tại Điều 34 Văn bản hợp nhất Luật điện lực số 06/VBHN-VPQH, các trường hợp được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực bao gồm:
– Trường hợp tổ chức, cá nhân tự đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở phát điện để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác;
– Các tổ chức, cá nhân hoạt động phát điện có công suất lắp đặt dưới mức công suất được Bộ Công Thương quy định.
– Hoạt động, kinh doanh điện lực tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo mua điện với công suất nhỏ hơn 50 kVA từ lưới điện phân phối để bán điện trực tiếp tới khách hàng sử dụng điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo;
– Các đơn vị có chức năng điều độ hệ thống điện quốc gia và đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực.
Lưu ý:
+ Các tổ chức, cá nhân được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực theo quy định phải tuân thủ các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quản lý vận hành, các quy định về giá điện, điều kiện về kỹ thuật, an toàn theo quy định.
+ Các tổ chức, cá nhân hoạt động, kinh doanh điện lực chịu sự quản lý, kiểm tra của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định.
4. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép hoạt động điện lực trong trường hợp nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 37 Văn bản hợp nhất Luật điện lực số 06/VBHN-VPQH, tổ chức, cá nhân hoạt động, kinh doanh điện lực bị thu hồi giấy phép hoạt động điện lực trong các trường hợp sau:
– Không triển khai hoạt động điện lực trong vòng sáu tháng kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động điện lực;
– Hoạt động điện lực không bảo đảm các điều kiện theo quy định pháp luật;
– Không thực hiện đúng nội dung ghi trong giấy phép hoạt động điện lực được cơ quan có thẩm quyền cấp phép;
– Có hành vi cho thuê, cho mượn, tự ý sửa chữa giấy phép hoạt động điện lực.
5. Vai trò quản lý hoạt động điện lực của Nhà nước:
Nhà nước đặt ra các quy định pháp luật để quản lý hoạt động điện lực nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả và bền vững của ngành điện lực, đồng thời đảm bảo an toàn và bảo vệ quyền lợi cho người dân khi sử dụng điện năng. Vai trò quản lý hoạt động điện lực của Nhà nước có thể kể đến như:
– Bảo đảm an toàn và an ninh xã hội: Quy định pháp luật về hoạt động điện lực đặt ra các tiêu chuẩn và quy tắc để đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Điều này bao gồm cả việc đảm bảo an toàn cho nhân viên, cũng như bảo vệ cộng đồng và môi trường khỏi các rủi ro có thể phát sinh từ hoạt động điện lực.
– Quản lý và phân phối tài nguyên một cách hiệu quả: Quy định pháp luật giúp quản lý việc sử dụng tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu lãng phí và đảm bảo rằng ngành điện lực hoạt động một cách hiệu quả.
– Quy định về giá cả và quyền lợi của người tiêu dùng: Pháp luật quy định về cơ cấu giá cả, quyền lợi của người tiêu dùng và cơ hội tiếp cận dịch vụ điện, nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời tạo điều kiện cho sự cạnh tranh lành mạnh trong ngành điện lực.
– Khuyến khích năng lượng tái tạo: Quy định về năng lượng tái tạo và sử dụng nguồn năng lượng sạch có thể được thúc đẩy thông qua các biện pháp khuyến khích trong các quy định; nhằm mục đích giảm phát thải khí nhà kính và giúp bảo vệ môi trường.
– Quản lý mạng lưới điện: Pháp luật quy định về quy hoạch, xây dựng và quản lý mạng lưới điện, đảm bảo sự ổn định của hệ thống điện. Điều này có vai trò quan trọng để đối mặt với những thách thức như tăng cường sức mạnh, tích hợp nguồn năng lượng đa dạng, đảm bảo cung cấp điện liên tục.
– Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển: Quy định pháp luật có thể chứa các chính sách khuyến khích nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghệ điện lực, nhằm nâng cao hiệu quả, giảm giá thành, và thúc đẩy sự đổi mới trong ngành.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-VPQH Luật điện lực ban hành ngày 25 tháng 01 năm 2022;
– Nghị định 134/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực ban hành ngày 17 tháng 10 năm 2013;
– Nghị định 17/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các nghị định xử phạt VPHC lĩnh vực hóa chất; điện lực; hoạt động thương mại ban hành ngày 31 tháng 01 năm 2022.