Các yếu tố ảnh hưởng đến pháp luật về hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính: Yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan.
Mục lục bài viết
1. Chính sách của Đảng và Nhà nước về dịch vụ bưu chính:
Bưu chính là một ngành kinh tế truyền thống, thuộc kết cấu hạ tầng quốc gia và có vị trí, vai trò thiết yếu trong nền kinh tế quốc dân và luôn gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ. Chiến lược phát triển của ngành Bưu điện cũng như hệ thống pháp luật bưu chính thường xuyên được quán triệt và thể hiện đúng đắn đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước. Để thực hiện có hiệu quả những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trên, việc hoàn thiện môi trường pháp lý, kịp thời rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để khuyến khích đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực bưu chính, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số là cần thiết.
Trong những năm gần đây, Nhà nước có nhiều chính sách mở rộng phạm vi dịch vụ bưu chính, phát triển các dịch vụ hoàn tất đơn hàng thương mại điện tử, giao hàng chặng cuối logistic, chuỗi cung ứng, nâng cao hợp tác quốc tế đã góp phần thúc đẩy điều tiết và có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh dịch vụ bưu chính của doanh nghiệp. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính là một trong những mục tiêu trong việc phát triển bưu chính hiện nay. Đường lối, chủ trương hội nhập kinh tế của Đảng trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước với phương châm đẩy mạnh đầu tư, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ ngoại giao đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chuyển phát phát triển mạnh mẽ, kết nối với thế giới với mạng lưới rộng khắp trên hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa ngành bưu chính nói chung và dịch vụ chuyển phát nói riêng có những bước tiến đáng kể trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, chính sách mở rộng đầu tư nước ngoài cũng gây ảnh hưởng lớn đối với việc điều chỉnh, thay đổi quy định luật đầu tư, tạo điều kiện cho đầu tư quốc tế vào lĩnh vực chuyển phát bưu chính, gây áp lực cạnh tranh đối với bưu chính trong nước.
2. Điều kiện kinh tế, xã hội:
Kinh tế quốc gia đang từng bước hoàn thiện, đồng bộ thể chế, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để đẩy đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính. Ngành bưu chính đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là các doanh nghiệp truyền thống và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều kiện kinh tế trên là môi trường lý tưởng để thu hút các thương nhân tham gia vào quan hệ pháp luật bưu chính. Việc thúc đẩy sự thay đổi, hoàn thiện về các quy định pháp lý về hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính, nâng cao hiệu quả thực hiện hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính hiệu quả là cần thiết.
Trong các vấn đề xã hội nổi cộm, việc bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ đang được xã hội quan tâm và đề cao với xu thế sản xuất và tiêu dùng bền vững, luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2024 đã có nhiều điểm mới nâng cao vai trò của người tiêu dùng và có những biện pháp bảo vệ bên yếu thế trong quan hệ thương mại.
Trong lĩnh vực bưu chính, người sử dụng dịch vụ bưu chính phải được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, đặc biệt trong việc được đảm bảo công khai minh bạch thông tin dịch vụ, giá cước trên các trang thông tin điện tử doanh nghiệp, niêm yết tại bưu cục giao dịch… Ngoài ra, Việt Nam đang thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0), thúc đẩy mạnh mẽ chính phủ số, thúc đẩy sự thay đổi của cả nền kinh tế xã hội. Đặc biệt ảnh hưởng của đại dịch covid đã như một bước đầy mạnh mẽ để thúc đẩy sự chuyển mình của cả ngành bưu chính và hợp đồng dữ liệu điện tử được sử dụng rộng rãi. Quy định về hợp đồng bưu chính điện tử đã được ra đời như bước tiến lớn trong hoàn thiện chế định pháp luật về hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.
3. Yếu tố văn hóa xã hội, phong tục, tập quán:
Yếu tố văn hoá thường chi phối và ảnh hưởng đến pháp luật, có sự tác động đến việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật nói chung và pháp luật về hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính nói riêng, trong đó, nhiều quy phạm pháp luật được xác lập dựa trên cơ sở nền tảng của văn hoá. Môi trường văn hóa, xã hội và doanh nghiệp đều có sự tác động qua lại lẫn nhau. Ngày nay, bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số, đặc biệt là của thương mại điện tử; mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới; phát huy tối đa nguồn lực xã hội nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số.
Cơ cấu, số lượng dân số, thu nhập người dân, xu hướng văn hóa, tập tục truyền thống, lối sống người dân số và các giá trị chung khác của xã hội đều có tác động nhiều mặt đến hoạt động của doanh nghiệp bưu chính. Xu hướng mua sắm qua sàn thương mại điện tử đã tạo điều kiện mạnh mẽ cho sự phát triển của hoạt động cung ứng trong và ngoài nước. Sự thay đổi về thói quen của người tiêu dùng về việc mua bán hàng hóa qua thương mại điện tử đã và đang chi phối hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bưu chính và ảnh hưởng lớn đến hình thức, nội dung của Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính. Ngoài ra, với số lượng các doanh nghiệp chuyển phát ngày càng tăng, người dân có thể tự chọn đơn vị cung ứng giá cước rẻ, chất lượng tốt, mức bồi thường hợp lý, các dịch vụ hợp lý nên các doanh nghiệp bưu chính cần thay đổi không ngừng để thu hút và đảm bảo khách hàng tiếp tục sử dụng dịch vụ lâu dài.
4. Yếu tố hội nhập kinh tế quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia:
Đất nước ta đang trong giai đoạn hội nhập mở cửa nền kinh tế, phát triển dịch vụ bưu chính theo hướng mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới; khai thác tốt thị trường trong nước từ đó vươn ra thị trường quốc tế và từng bước chủ động hợp tác quốc tế trong phát triển lĩnh vực bưu chính với các tổ chức quốc tế như Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) và hoạt động của các tổ chức quốc tế và khu vực về bưu chính khác mà Việt Nam là thành viên, tham gia nhiều công ước, điều ước quốc tế. Việc nội luật hóa pháp luật quốc tế đã chứng tỏ sự ảnh hưởng của yếu tố hội nhập quốc tế với pháp luật bưu chính nói chung và hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính nói riêng. Pháp luật về bưu chính nói chung và hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính nói riêng luôn được điều chỉnh phù hợp với các Điều ước quốc tế. Về hợp đồng bưu chính chuyển phát phải có sự đa dạng hóa về ngôn ngữ áp dụng, pháp luật áp dụng, quy định giải quyết tranh chấp phù hợp với pháp luật Việt Nam và quốc tế, đặc biệt khi cung ứng dịch vụ xuyên quốc gia, có yếu tố quốc tế.
Kết luận:
1. Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính là một loại hợp đồng dịch vụ đặc thù hình thành từ thỏa thuận giữa bên cung ứng dịch vụ bưu chính và bên sử dụng dịch vụ bưu chính. Quy định pháp luật về hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính tồn tại độc lập với tư cách là một lĩnh vực trong hệ thống pháp luật về hợp đồng ở Việt Nam, điều chỉnh hiệu quả các quan hệ cung ứng dịch vụ bưu chính. Việc xây dựng các khái niệm về hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính cũng như nhận định được chính xác các đặc điểm của hợp đồng này có vai trò quan trọng trong việc xác định cấu trúc nội dung pháp luật về hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.
2. Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính đa phần được thực hiện dưới hình thức hợp đồng theo mẫu hoặc theo điều kiện giao dịch chung. Tuy nhiên, tùy điều kiện, hoàn cảnh, giá trị, sự phức tạp của hợp đồng mà các bên có thể thỏa thuận các điều khoản cơ bản trong nội dung của hợp đồng, nhưng phải nằm trong khuôn khổ quy định của pháp luật, và phải được thể hiện dưới hình thức văn bản.