Những vấn đề lý luận về hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính. Khái niệm, đặc điểm hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về dịch vụ bưu chính:
Bưu chính đã hình thành từ rất lâu trong lịch sử nhân loại và là thuật ngữ rất phổ biến có khởi nguồn từ thời kỳ cổ đại. Hệ thống bưu chính được biết đến đầu tiên là ở Ai Cập vào khoảng năm 2000 trước Công nguyên (TCN) dành riêng cho các các vị vua cổ đại cập nhật tình hình chính trị nhưng đến năm 305 TCN, hệ thống bưu chính đã mở rộng phạm vi cung cấp chuyển phát “thư thường” cho người dân. Vào thời nhà Hán (202 TCN – 220 CN), Đế chế La Mã (27 TCN – 476 CN), Đế chế Byzantine (330 -1453 CN) và triều đại Mughal (1526 -1858 CN) đã có cơ sở hạ tầng này để truyền thông tin liên lạc của Chính phủ, mà còn để thực hiện các thông điệp giữa các thương nhân dọc theo các tuyến đường thương mại như “Con đường tơ lụa”… Trong cách mạng công nghiệp, việc phát minh ra động cơ hơi nước và sự ra đời của đường sắt đã sớm thay thế ngựa và xe ngựa. Bưu điện Anh bắt đầu chuyển thư bằng đường sắt từ năm 1830 và đến năm 1864, Bưu cục trên tàu đầu tiên mở cửa cung cấp dịch vụ tại Hoa Kỳ.
Trong sự phát triển của lịch sử, phương tiện sử dụng vận chuyển hàng hóa ngày càng phát triển, bưu chính cũng đã trở thành cầu nối quan trọng để kết nối người dân với các dịch vụ thiết yếu. Năm 1874, Liên minh Bưu chính Thế giới (Universal Post Union) – viết tắt là UPU (hiện nay có 192 thành viên, bao gồm Việt Nam) thành lập, bắt đầu hình thành khái niệm bưu chính trên thế giới. Bưu chính góp vai trò kết nối xã hội và văn hóa của các quốc gia, thúc đẩy sự đoàn kết và hòa nhập, đồng thời, cung cấp cơ sở hạ tầng vô giá cho các nền kinh tế đang phát triển phục vụ cộng đồng.
Ở Việt Nam, việc vận chuyển thư từ, hàng hóa được xuất hiện từ thời kỳ vua Hùng dựng nước và ngày càng đa dạng phương thức qua các triều đại. Tuy nhiên, đến năm 1802, bưu chính Việt Nam lần đầu tiên được thành lập tại Bộ Lại nhà Nguyễn là Thống Chánh sứ ty có hàm Tam phẩm với công việc chủ yếu là tổ chức phục vụ để vận chuyển thư từ với mạng lưới trên toàn quốc và được hoàn thiện trong thời kỳ Pháp thuộc. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ, bưu chính đảm nhiệm công tác truyền nhận thông tin phục vụ kháng chiến. Cho đến hiện nay, sau hơn 30 năm đổi mới, bưu chính là ngành kinh tế thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế và là công cụ, phương tiện thông tin liên lạc của Nhà nước, phương tiện thông tin liên lạc của quốc gia và trở thành ngành dịch vụ phổ biến, có vai trò quan trọng trong việc phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của xã hội. Nhiệm vụ chủ yếu của ngành Bưu chính bao gồm các hoạt động sau đây: (i) Thực hiện việc nhận, phân loại, đóng gói và chuyển thư, bưu thiếp, báo, tạp chí, ấn phẩm quảng cáo, bưu phẩm, bưu kiện, hàng hóa hoặc tài liệu theo các tuyến và khu vực; (ii) Nhận, phân loại, vận chuyển và phân phối (trong nước hoặc quốc tế) thư, bưu phẩm, bưu kiện bằng dịch vụ bưu chính qua mạng lưới bưu điện được quy định bằng các giao ước dịch vụ thống nhất …
Về khái niệm dịch vụ, theo C.Mác, dịch vụ là con đẻ của nền kinh tế sản xuất hàng hóa. Khi nền kinh tế hàng hóa phát triển mạnh, đòi hỏi sự lưu thông thông suốt, trôi chảy, liên tục để thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của con người thì dịch vụ ngày càng phát triển. Bản chất của dịch vụ là việc đáp ứng nhu cầu của con người, được thực hiện có tính chuyên môn hóa, có tổ chức, gắn liền với thị trường, chịu sự chi phối của quy luật thị trường và luôn có tính chất đền bù. Như vậy, có thể hiểu, dịch vụ bưu chính là một tập hợp các hoạt động cung ứng dịch vụ chuyển phát tài liệu, hàng hóa, hỗ trợ kết nối cộng đồng và thế giới.
Ở Việt Nam, khái niệm dịch vụ bưu chính được quy định lần đầu tiên trong Nghị định số 109/1997/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 12/11/1997 về Bưu Chính Viễn Thông và được xác định là dịch vụ nhận gửi, chuyển, phát thư, báo chí, ấn phẩm, tiền, vật phẩm, hàng hoá và các sản phẩm vật chất khác thông qua mạng lưới bưu chính công cộng do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính cung cấp”. Định nghĩa trên liệt kê các dịch vụ bưu điện cung cấp, chưa chuyên biệt hóa dịch vụ bưu chính chuyển phát (bao gồm cả dịch vụ chuyển tiền). Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông năm 2002 ra đời đã điều chỉnh định nghĩa trên nhằm phù hợp với bản chất của nền kinh tế thị trường, dịch vụ bưu chính “là dịch vụ nhận gửi, chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện thông qua mạng bưu chính công cộng”. Phạm vi dịch vụ bưu chính tại Việt Nam vẫn bị bó hẹp so với nhiều nước trên thế giới, ảnh hưởng đến quyền lợi của Việt Nam trong quá trình hội nhập, thanh toán quốc tế trong cung ứng dịch vụ, dẫn đến sự rắc rối trong thực tiễn thực hiện và áp dụng văn bản pháp luật của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ. Khái niệm dịch vụ bưu chính đã có sự hoàn thiện cơ bản trong quy định của Luật Bưu chính năm 2010 và được coi là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi bằng các phương thức từ địa điểm của người gửi đến địa điểm của người nhận qua mạng bưu chính, trừ phương thức điện tử, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn nhà nước khác cùng được phép cung ứng dịch vụ bưu chính chuyển phát (trừ dịch vụ bưu chính công ích). Tuy nhiên, theo Công ước Bưu chính Thế giới năm 2019, thì dịch vụ bưu chính bao gồm dịch vụ chuyển phát tài liệu, hàng hóa bằng phương tiện vật lý hoặc truyền đưa thông điệp hoặc thông tin bằng phương tiện điện tử (bưu kiện ECOMPRO). Như vậy, là có sự khác biệt giữa nội hàm dịch vụ bưu chính của Việt Nam và thế giới, sự khác biệt này là do quan niệm nhận thức về bưu gửi tài liệu vật chất và bưu gửi điện tử, cũng như việc áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bưu chính.
Các dịch vụ bưu chính cơ bản hiện nay mà doanh nghiệp bưu chính cung cấp có hệ thống trong nước và nước ngoài tuân thủ các quy định của pháp luật quốc gia và được Tổ chức liên minh bưu chính thế giới UPU chấp nhận, bao gồm dịch vụ chuyển phát bưu gửi có chứa tài liệu (thư, bưu thiếp, ấn phẩm, sách, báo…), hàng hóa (bưu kiện, bưu phẩm, gói nhỏ…), Những năm qua, người dân có thể lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát khác nhau với mức cước, phương thức chuyển phát đa dạng, tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh và phát triển của ngành chuyển phát bưu chính trong nước và quốc tế.
2. Khái niệm, đặc điểm hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính:
2.1. Khái niệm hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính:
Trong các giao dịch dân sự, với nghĩa chung nhất, hợp đồng là sự thống nhất ý chỉ giữa hai hoặc nhiều bên tạo lập hậu quả pháp lý, là sự thỏa thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Hợp đồng dịch vụ có thể hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên: bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ phải trả tiền công khi sử dụng dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. Tương tự như trong quan hệ dân sự, hợp đồng dịch vụ trong quan hệ thương mại cũng là hình thức pháp lý gắn liền với hoạt động cung ứng dịch vụ. Hoạt động cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, bên cung ứng dịch vụ có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận được khoản thanh toán; bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ thanh toán chi phí cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận.
Như vậy, dù trong quan hệ dân sự hay quan hệ thương mại, hợp đồng dịch vụ có đối tượng là một công việc cụ thể, có thể thực hiện được, không bị pháp luật cấm và không trái với đạo đức xã hội. Theo cách hiểu này, hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính là sự thỏa thuận của các bên, theo đó, một bên (bên cung cấp dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện cung cấp dịch vụ cho một bên (có nhu cầu sử dụng dịch vụ) và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (được gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung cấp dịch vụ theo thỏa thuận.
Từ những đặc thù riêng của lĩnh vực bưu chính, Điều 8 Luật Bưu chính 2010 đã đưa ra quy định định nghĩa:
Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính là thỏa thuận giữa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và người gửi, theo đó doanh nghiệp chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi đến địa điểm theo yêu cầu của người gửi và người gửi phải thanh toán giá cước dịch vụ bưu chính. Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính được giao kết bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi. Dấu ngày hoặc các thông tin xác định thời gian và địa điểm chấp nhận bưu gửi là căn cứ xác định trách nhiệm của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính có thể bao gồm các loại sau đây:
(i) Theo hình thức giao kết hợp đồng có thể phân loại thành Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính truyền thống và Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính điện tử.
– Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính truyền thống được giao kết với nhau qua các phương thức giao dịch truyền thống như văn bản giấy, bằng các hành động nhận gửi cụ thể. Đối với loại hợp đồng này, các bên tham gia cùng ký vào văn bản là điều kiện để hợp đồng có hiệu lực. Chữ ký là bất kỳ biểu tượng nào như chữ viết bằng tay, đóng dấu, điểm chỉ…được chấp nhận bởi các bên với mục đích là xác thực nội dung hợp đồng.
– Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính điện tử là những hợp đồng được ký kết giữa bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ bưu chính thông qua phương thức trao đổi các thông điệp dữ liệu thông qua các phương tiện điện tử (thường là chữ ký số) có kết nối mạng toàn cầu thông qua việc sử dụng phương tiện truyền dữ liệu điện tử và có giá trị pháp lý như
(ii) Theo người sử dụng dịch vụ bưu chính có thể phân loại thành Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính với khách hàng lẻ và Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính cho khách hàng có nhu cầu chuyển phát thường xuyên.
– Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính với khách hàng lẻ (khách hàng sử dụng tiền mặt thanh toán tại quầy) là hợp đồng với khách hàng cá nhân, tổ chức, pháp nhân nhưng được giao kết thông qua hành vi nhận gửi thực tế tại bưu cục, điểm giao dịch của công ty kinh doanh dịch vụ bưu chính và được cung cấp chứng từ nhận gửi, chứng từ nhận gửi có giá trị như Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính, thường có phương thức thanh toán ngay khi thực hiện nhận gửi.
– Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính cho khách hàng có nhu cầu chuyển phát thường xuyên (khách hàng nợ cước) là hợp đồng được kết thường bằng văn bản giấy hoặc điện tử, thường có phương thức thanh toán theo thời gian thỏa thuận.
(iii) Theo người thanh toán cước có thể phân loại thành: Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính do người gửi ký kết và thanh toán cước; Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính do người gửi ký kết để người nhận thanh toán tiền; Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính do người nhận ký kết để người nhận thanh toán tiền;
– Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính do người gửi ký kết và thanh toán cước: là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và khách hàng là người gửi, theo đó doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chuyển phát sẽ cung ứng dịch vụ cho khách hàng và khách hàng có trách nhiệm thanh toán cước chuyển phát cho bên cung ứng dịch vụ.
– Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính do người gửi ký kết để người nhận thanh toán tiền cước: là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và khách hàng là người gửi để chỉ định thu cước phí chuyển phát từ người nhận khi phát bưu gửi. Trường hợp người nhận không trả cước, cước phí sẽ do người gửi chịu trách nhiệm thanh toán.
– Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính do người nhận ký kết và thanh toán cước: là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và khách hàng là người nhận và đảm bảo khách hàng chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ cước phí đối với các bưu gửi được phát đến cho người nhận.
2.2. Đặc điểm của hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính:
Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính về cơ bản là hợp đồng dân sự, thương mại, nên khi giao kết hợp đồng, các bên cũng thể hiện rõ ý chí của mình và được thể hiện dưới các hình thức khác nhau. Nhằm bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ và tạo điều kiện giao dịch chung đối với doanh nghiệp bưu chính, các doanh nghiệp bưu chính phải tuân thủ quy định chi tiết về nội dung chuyên ngành tối thiểu theo quy định của pháp luật, mức bồi thường tối thiểu theo quy định của pháp luật bưu chính…
Tuy nhiên, việc áp dụng hợp đồng theo mẫu còn phụ thuộc vào sự phức tạp và mức giá trị hợp đồng, các doanh nghiệp được phép thỏa thuận với nhau về các nội dung khác trong hợp đồng nhưng phải tuân thủ pháp luật và đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan. Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính đa dạng về hình thức, nhưng tùy từng đối tượng người sử dụng dịch vụ mà doanh nghiệp bưu chính linh hoạt lựa chọn các hình thức đưa ra phù hợp với thực tiễn cuộc sống nói chung cũng như hoạt động thương mại nói riêng, thể hiện nguyên tắc pháp luật tôn trọng và bảo vệ quyền tự do, quyền tự định đoạt.
Ưu điểm của việc sử dụng hợp đồng theo mẫu khi cung cấp dịch vụ bưu chính là việc rút ngắn thời gian đàm phán, xây dựng nội dung hợp đồng, tạo điều kiện tối đa tới quyền lợi của khách hàng. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại nhưng hạn chế khi áp dụng hợp đồng theo mẫu là một số quy định gây bất lợi cho người sử dụng dịch vụ trong việc giao kết hợp đồng; người sử dụng dịch vụ có thể chưa nhận thức được đầy đủ các nội dung trong hợp đồng theo mẫu bởi thiếu nội dung giải thích và đôi khi không rõ ràng. Về cơ bản, hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính có các đặc điểm chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính là thỏa thuận pháp lý mang tính thương mại, phức tạp và cước phí được công bố công khai theo từng loại dịch vụ chuyển phát. Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính là thỏa thuận làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên về một hoặc nhiều dịch vụ bưu chính. Việc thực hiện hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính mang đến cho các bên những lợi ích, quyền lợi nhất định. Bên cung ứng dịch vụ bưu chính sẽ nhận nhận được tiền thù lao sau khi hoàn thành nghĩa vụ cung ứng, bên sử dụng dịch vụ đạt được yêu cầu chuyển phát bưu gửi của mình đến tay người nhận và hoàn thành nghĩa vụ trả tiền. Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính có tính phức tạp do là sản phẩm vô hình, bởi vậy, với từng loại dịch vụ phải có mô tả rõ các chỉ tiêu đo lường chất lượng khi thực hiện công việc, thời gian thực hiện và hoàn thành, quyền và nghĩa vụ của các bên để tránh những xung đột có thể xảy ra trong quá trình thực hiện. Giá phí dịch vụ bưu chính, mức chiết khấu thương mại có thể do các bên thỏa thuận nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Các thông tin trên phải được niêm yết công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử của mình về các thể lệ vận chuyển, bảo hiểm và bên khách hàng buộc phải tuân theo những điều kiện này khi tham gia giao dịch mà không có quyền yêu cầu hủy bỏ hoặc sửa đổi.
Điều kiện giao dịch chung có thể không được ghi trong hợp đồng nhưng vẫn được coi là một phần không tách rời của hợp đồng, phải được với cơ quan báo cáo nhà nước có thẩm quyền và được công bố rộng rãi, công khai.
Thứ hai, hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính là hợp đồng song vụ, hợp đồng ung thuận hoặc hợp đồng gia nhập và mang tính chất đền bù. Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính bản chất là sự thỏa thuận giữa hai bên chủ thể, là sự thống nhất ý chí được thể hiện thông qua hợp đồng trên cơ sở bình đẳng về địa vị pháp lý. Vì vậy, các bên có quyền ngang nhau trong quá trình đàm phán đi đến thống nhất quyền và nghĩa vụ của mình. Bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ bưu chính có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với nhau theo thỏa thuận.
Trường hợp một bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận, bên còn lại có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ tương ứng. Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính có đặc trưng cơ bản của hợp đồng song vụ là chủ thể này thực hiện nghĩa vụ là cơ sở để chủ thể còn lại thực hiện nghĩa vụ tương ứng đã thỏa thuận trong hợp đồng. Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính cũng mang tính đền bù sau khi thực hiện nghĩa vụ cho bên đối tác sẽ nhận được những lợi ích vật chất ngược lại từ phía bên kia. Bên cung ứng dịch vụ bưu chính thực hiện việc chuyển phát theo yêu cầu của khách hàng và nhận được cước phí mà bên sử dụng dịch vụ chi trả. Thời điểm trả tiền dịch vụ các bên thỏa thuận trong hợp đồng với nhiều hình thức như thanh toán tiền mặt tại quầy, ký quỹ, thanh toán theo tháng… Trường hợp khách hàng không trả tiền dịch vụ được coi là vi phạm nghĩa vụ thì có thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đã vi phạm và/hoặc bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận trong hợp đồng (thường là phạt lãi chậm thanh toán hoặc bên cung ứng tạm dừng nghĩa vụ cung cấp dịch vụ của mình).
Thứ ba, hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính có tính rủi ro cao. Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính có liên quan trực tiếp đến hoạt động vận tải (đi bộ, đi tàu, đi đường biển, đường bay… trong và ngoài nước), thông qua vận tải để di chuyển vị trí hàng hóa mà không thay đổi hình dáng, kích thước, tính chất lý hóa của đối tượng chuyên chở; đảm bảo an ninh, an toàn bưu gửi. Trong quá trình dịch chuyển bưu gửi có thể xảy ra hư hại do xếp dỡ, nâng hạ, vận chuyển qua nhiều công đoạn, nhiều chủ thể và qua nhiều quốc gia, nhiều lãnh thổ biên giới khác nhau nên dễ xảy ra rủi ro, thiệt hại.
Thứ tư, hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính có thể là hợp đồng dịch vụ vì lợi ích của người thứ ba. Trong nhiều trường hợp, hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính do hai chủ thể giao kết, nhưng thực hiện vì lợi ích của người thứ ba (người nhận hàng). Người nhận cũng được coi là người sử dụng dịch vụ, có quyền nhận hàng hóa và đặt ra các yêu cầu khác. Người nhận hàng có thể không tham gia vào quá trình đàm phán hợp đồng nhưng có quyền yêu cầu cung ứng dịch vụ bưu chính phải giao hàng đúng thời hạn tại địa điểm như trong hợp đồng.
Thứ năm, hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính điện tử có sự tham gia điều tiết của các chủ thể trung gian cung cấp nền tảng công nghệ và chủ thể cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số. Việc bổ sung hình thức giao kết hợp đồng điện tử do các chủ thể ký kết thông qua các phương tiện điện tử như điện thoại, fax, Email…, các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, các mạng máy tính kết nối với nhau. Vì vậy, bên cung cấp đường truyền internet, mạng viễn thông, và hạ tầng thiết bị đầu cuối, thiết bị ký số… có thể coi là bên trung gian liên quan đến hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính điện tử và chịu trách nhiệm cung cấp cho các bên dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử. Bên thứ ba này không tham gia trực tiếp vào việc ký kết hợp đồng nhưng cung cấp dịch vụ nền tảng công nghệ thực hiện việc gửi và lưu trữ thông tin giữa các bên nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc xác định độ tin cậy của chữ ký điện tử, của thông điệp dữ liệu trong giao kết hợp đồng, đảm bảo tính hiệu quả và giá trị pháp lý của giao dịch,
Thứ sáu, hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính có thể có yếu tố quốc tế: Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính có thể được ký với các đối tác có vốn đầu tư nước ngoài, đối tác có thể thành lập ở Việt Nam, có trụ sở ở Việt Nam hoặc đối tác hoàn toàn ở ngoài lãnh thổ Việt Nam có nhu cầu chuyển phát bưu gửi qua nhiều lãnh thổ sẽ phải chịu sự điều chỉnh bởi luật của các quốc gia mà nó đi qua.
3. Vai trò của hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính:
Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính có ý nghĩa to lớn trong đời sống kinh tế, xã hội và được thể hiện ở vai trò chủ yếu sau đây:
Một là, hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính thực hiện việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ chuyển bưu chính.
Hai là, hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính sẽ bao gồm quá trình đàm phán, xây dựng và hoàn thiện các điều khoản đã được các bên thỏa thuận.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính thông qua hợp đồng để miêu tả nội dung cơ bản, cụ thể hóa dịch vụ chuyển phát cung cấp và hạn chế những rủi ro trong hoạt động kinh doanh.
Ba là, hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính là cơ sở để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính xác định quyền và nghĩa vụ của của các chủ thể thông qua những điều khoản cơ bản đã cam kết trong quá trình giao kết. Ngoài các nội dung quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản căn cứ theo pháp luật quy định về hợp đồng thì các bên có thể sẽ quy định cụ thể về thời gian cung cấp dịch vụ, phương thức đánh giá chất lượng phục vụ, sự tín nhiệm hài lòng của khách hàng, tiến độ thực hiện nghĩa vụ thanh toán, quy định phạt, bồi thường khi vi phạm hợp đồng…
Dịch vụ bưu chính nói chung hay dịch vụ chuyển phát nhanh nói riêng là ngành dịch vụ truyền thống, có cơ sở hạ tầng phục vụ trên cả nước, góp phần cho sự phát triển nền kinh tế ngày nay. Sự phát triển của ngành bưu chính cũng góp phần phản ánh sự phát triển của xã hội và phát triển của nền kinh tế. Ngược lại, quá trình hiện đại hóa kinh tế quốc gia theo định hướng phát triển chính phủ số cũng đã thúc đẩy và có yếu tố quyết định đến sự phát triển của ngành bưu chính. Như vậy giữa sự phát triển của nền kinh tế và sự phát triển của ngành bưu chính có mối quan hệ tác động qua lại chặt chẽ với nhau.