Tình trạng thuê người làm bài thi hộ hoặc nhờ trợ giúp thi hộ là hành vi phạm trong lĩnh vực giáo dục hiện nay. Mức phạt làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Mức phạt làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài:
- 2 2. Thực trạng việc làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài hiện nay:
- 3 3. Cơ chế ngăn chặn tình trạng làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài:
- 4 4. Trường hợp làm giả căn cước công dân để người khác thi hộ thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
1. Mức phạt làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài:
Căn cứ khoản 3 Điều 14 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về thi như sau:
– Đối với hành vi vào khu vực tổ chức thi, chấm thi khi không được phép; mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi: xử phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.
– Đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài: xử phạt từ 2 triệu đồng đến 6 triệu đồng.
– Đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: xử phạt từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng.
Ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi và buộc bảo đảm quyền lợi của thí sinh.
– Đối với hành vi đánh tráo bài thi nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: xử phạt từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng.
Ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc bảo đảm quyền lợi của thí sinh.
– Đối với hành vi tổ chức chấm thi sai quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: xử phạt từ 12 triệu đồng đến 14 triệu đồng.
Ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc bảo đảm quyền lợi của thí sinh.
– Đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm: xử phạt từ 14 triệu đồng đến 16 triệu đồng.
Như vậy, theo quy định trên thì hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài sẽ bị xử phạt từ 2 triệu đồng đến 6 triệu đồng.
2. Thực trạng việc làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài hiện nay:
Hiện nay việc làm bài thi hộ thí sinh hoặc nhờ trợ giúp làm bài diễn ra ngày càng phổ biến, thậm chí còn công khai trên mạng xã hội và mọi người đang coi đó là điều hiển nhiên trong việc học ngày nay, đặc biệt trong đợt vừa rồi, tình hình Covid diễn ra khiến mọi cấp học phải học online, do đó các học sinh, sinh viên lợi dụng việc này mà nhờ làm bài thi hộ hoặc trợ giúp làm bài thi càng gia tăng.
Mọi người thuê người làm bài thi hộ hoặc trợ giúp làm bài thi hộ với mức giá vài trăm đến vài triệu đồng tùy thuộc vào độ khó của bài thi, cuộc thi với những lời cam kết sẽ được mức điểm này, mức điểm kia.
Mọi người hiện nay đăng công khai tìm người học hộ, thi hộ trên các nhóm kín, nhóm công khai trên mạng xã hội, trên các confessione của nhà trường,…
Không khó bắt gặp trên các mạng xã hội facebook những nhóm như “Hỗ trợ học tập – Làm tiểu luận, báo cáo, luận văn, bài tập lớn, đồ án” hay các nhóm như “Sinh viên – hỗ trợ học hộ, thi hộ”;… Có cung ắt có cầu nhưng cũng nảy sinh việc lừa đảo, không ít sinh viên kêu “bị lừa” khi đã chuyển tiền cho người thi hộ nhưng đến ngày thi không nhận được lời giải như đã hứa.
Ngoài việc nhờ người thi hộ, thực tế ghi nhận nhiều hình thức gian lận khác trong thi cử. Có thể nói đến việc gian lận bằng sử dụng công nghệ cao khi thi. Không khó để người có nhu cầu tìm mua được các thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang trên môi trường mạng. Chỉ cần gõ cụm từ “tai nghe siêu nhỏ”, ngay lập tức trang tìm kiếm Google sẽ trả về hàng nghìn kết quả những thiết bị này.
3. Cơ chế ngăn chặn tình trạng làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài:
Đây là một vấn nạn rất đáng quan ngại trong ngành giáo dục hiện nay. Để ngăn chặn tình trạng trên, đảm bảo môi trường thi cử, học tập diễn ra một cách công bằng, văn mình thì nhà trường, các cơ sở ban ngành cũng cần có những giải pháp sau đây:
– Thiết kế và xây dựng những phòng thi cách âm, cách sóng điện thoại 3G, 4G để tránh trường hợp nghe điện thoại hoặc dùng điện thoại làm bài thi hộ.
– Thu tạm thời các phương tiện như điện thoại của thí sinh khi đến phòng thi.
– Xây dựng và ứng dụng phần mềm chống gian lận trong thi cử: Phần mềm sẽ hỗ trợ tính năng chống gian lận như cảnh báo khi người thi mở trình duyệt khác; tự động chụp màn hình của thí sinh vào nhiều thời điểm ngẫu nhiên và lưu hệ thống. Như vậy, sinh viên thoát ra hoặc truy cập tài liệu trong quá trình thi nhiều khả năng sẽ bị phát hiện.
– Tại các trường có thể tăng cường áp dụng hình thức thi vấn đáp. Trường hợp thi trực tiếp, mỗi phòng thi sẽ có 2 giám thị bao quát toàn bộ sinh viên. Khi sinh viên vào thi trực tuyến phải có 2 thiết bị, một thiết bị chiếu thẳng mặt, một máy chiếu toàn cảnh ngồi làm bài và phải bật camera và bật mic để kiểm soát trong quá trình thi.
– Ra cơ chế xử phạt thật nghiêm đối với những trường hợp gian lận trong thi cử để mang tính răn đe với các học sinh, sinh viên. Hiện nay, Bộ giáo dục và đào tạo đã đưa ra các biện pháp xử lý đối với thí sinh vi phạm quy chế thi. Trong đó lỗi nặng nhất là đình chỉ thi nếu thí sinh vi phạm một trong các lỗi như: Đã bị cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi môn đó vẫn tiếp tục vi phạm Quy chế; Mang vật dụng trái phép theo quy định vào phòng thi; Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; Viết vẽ những nội dung không liên quan đến bài thi. Có hành động gây gổ, đe dọa cán bộ có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác.
Hình thức đình chỉ thi do cán bộ coi thi lập biên bản, thu tang vật và do ủy viên phụ trách điểm thi quyết định. Thí sinh bị kỷ luật đình chỉ thi trong khi thi môn nào sẽ bị điểm không (0) môn đó; phải ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định của Uỷ viên phụ trách điểm thi; phải nộp bài làm và đề thi cho CBCT và chỉ được ra khỏi khu vực thi sau 2/3 thời gian làm bài môn đó; không được thi các môn tiếp theo; không được dự các đợt thi kế tiếp trong năm đó tại các trường khác.
4. Trường hợp làm giả căn cước công dân để người khác thi hộ thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Trường hợp làm giả căn cước công dân được coi là hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Đối tượng thực hiện hành vi trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm: trường hợp người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật.
– Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
+ Thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức.
+ Phạm tội 02 lần trở lên.
+ Thực hiện hành vi làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác.
+ Có hành vi sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
+ Có thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
+ Tái phạm nguy hiểm.
– Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
+ Hành vi làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên.
+ Có hành vi sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
+ Có thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
– Ngoài ra người phạm tội còn bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
– Nghị định số 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.