Thuốc bảo vệ thực vật là tên gọi chung để chỉ các sản phẩm hóa chất được dùng trong nông nghiệp, lâm nghiệp nhằm mục đích ngăn ngừa, phòng trừ và tiêu diệt các đối tượng gây hại cho cây trồng. Vậy mức phạt sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sai hướng dẫn quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật:
Điều 72 Văn bản hợp nhất 35/VBHN-VPQH 2018 hợp nhất Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật quy định về Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, Điều này quy định Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như sau:
– Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có các quyền sau đây:
+ Được cung cấp các thông tin và hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả;
+ Yêu cầu cơ sở bán thuốc hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng các nội dung của nhãn thuốc;
+ Được bồi thường thiệt hại do lỗi của cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định của pháp luật.
– Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có các nghĩa vụ sau đây:
+ Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện nguyên tắc bốn đúng bao gồm có đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách; tuân thủ về thời gian cách ly; bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái.
+ Thực hiện đúng các hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc;
+ Chỉ được sử dụng những thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam;
+ Khi xảy ra sự cố hoặc phát hiện thuốc bảo vệ thực vật gây ra hậu quả xấu cho con người và môi trường trong quá trình sử dụng, thì khi đó người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm áp dụng những biện pháp cần thiết để hạn chế hậu quả và báo cáo ngay Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố để có biện pháp khắc phục hậu quả;
+ Phải bảo quản thuốc, thu gom bao gói thuốc sau khi đã sử dụng để đúng nơi quy định
+ Người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong xông hơi khử trùng phải có giấy chứng nhận tập huấn theo đúng quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
+ Bồi thường thiệt hại do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng với quy định gây ra.
Theo đó, một trong các nghĩa vụ của người (tổ chức, cá nhân) sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ đó chính là người (tổ chức, cá nhân) sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện đúng theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc. Nếu người (tổ chức, cá nhân) sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không thực hiện đúng hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Mức phạt khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sai hướng dẫn:
Như đã phân tích ở mục trên, nếu người (tổ chức, cá nhân) sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không thực hiện đúng hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Khoản 1 Điều 26 Văn bản hợp nhất 05/VBHN-BNNPTNT 2022 quy định xử phạt VPHC ở trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật quy định về xử phạt vi phạm quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, Điều này quy định phạt cảnh cáo hoặc là phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
– Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng với các nội dung hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn thuốc;
– Không thu gom, để đúng nơi quy định bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã sử dụng.
Theo đó, hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không thực hiện đúng hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc là phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng, thêm nữa, tại khoản 2 Điều 5 của Văn bản hợp nhất 05/VBHN-BNNPTNT 2022 quy định đối với những mức phạt tiền của những hành vi vi phạm chính là mức phạt mà được áp dụng đối với những cá nhân, còn đối với tổ chức mà đã có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, cá nhân có hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không thực hiện đúng hướng dẫn ghi ở trên nhãn thuốc thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng, còn đối với tổ chức có hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không thực hiện đúng hướng dẫn ghi ở trên nhãn thuốc thì sẽ bị Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
3. Quy định về bồi thường thiệt hại do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sai hướng dẫn gây ô nhiễm môi trường:
Bồi thường thiệt hại do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng với quy định gây ra là một trong những nghĩa vụ của người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Việc bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường là một cơ sở pháp lí quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của những chủ thể bị thiệt hại. Khi môi trường bị xâm phạm thì cũng chính là lúc mà các lợi ích vật chất lẫn tinh thần của tổ chức, cá nhân bị tổn hại nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp về đời sống của họ, đe dọa sự sống lẫn khả năng kinh tế của những gia đình. Thực tế đó đời hỏi phải có một cơ chế thích hợp để có thể bù đắp lại các thiệt hại mà người dân đã gánh chịu và chế định bồi thường thiệt hại đã thực hiện được các điều đó. Bồi thường thiệt hại yêu cầu các chủ thể gây hại phải thực hiện nghiêm túc về trách nhiệm bồi hoàn các thiệt hại mà mình đã gây ra cho môi trường và tính mạng, sức khỏe, tài sản cũng như là những lợi ích hợp pháp khác của chủ thể bị thiệt hại. Qua đó, giúp cho các chủ thể bị thiệt hại có thể khôi phục, bù đắp được một phần nào tổn thất do môi trường bị xâm phạm gây ra, nhằm để bảo đảm được một cuộc sống ổn định và mang lại sự ấm no, bình yên cho chính bản thân cũng như gia đình họ.
Điều 602 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà có gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo đúng các quy định của pháp luật, kể cả là ở trong trường hợp chủ thể đó không có lỗi. Theo đó, người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sai hướng dẫn làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Các khoản bồi thường thiệt hại mà người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sai hướng dẫn làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại bao gồm có:
– Thiệt hại do các tài sản bị xâm phạm:
+ Tài sản bị mất, bị huỷ hoại là hoặc bị hư hỏng;
+ Các lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút;
+ Các chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại;
+ Những thiệt hại khác do luật quy định.
– Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm: Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm có:
+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và các chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập trên thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian thực hiện việc điều trị sức khỏe; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại cũng có bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
+ Thiệt hại khác mà do luật quy định.
– Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm: Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm có:
+ Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm đã nêu trên
+ Các chi phí hợp lý cho việc mai táng;
+ Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại phải có nghĩa vụ cấp dưỡng;
+ Thiệt hại khác mà do luật quy định.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 35/VBHN-VPQH 2018 hợp nhất Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
– Văn bản hợp nhất 05/VBHN-BNNPTNT 2022 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
– Bộ luật Dân sự 2015.