Pháp luật hôn nhân và gia đình quy định vợ chồng đều bình đẳng với nhau về mọi mặt, có quyền và nghĩa vụ tôn trọng nhau, giúp đỡ, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Vậy nếu chồng không cho vợ về nhà ngoại ăn Tết có thể bị xử phạt không?
Mục lục bài viết
1. Chồng không cho vợ về nhà ngoại ăn Tết có thể bị xử phạt không?
Hiện nay, trường hợp chồng không cho vợ về nhà ngoại ăn Tết xuất hiện khá nhiều, nguyên nhân xuất phát từ việc nhiều người vẫn quan niệm rằng đã lấy chồng thì phải theo chồng. Tuy nhiên đây là một hành vi không đúng, bởi lẽ vợ chồng đều bình đẳng với nhau về mọi mặt, không ai có quyền cấm cản nhu cầu chính đáng của nhau, hơn nữa việc về quê ngoại ăn Tết là một quyền lợi, một nhu cầu chính đáng với mong muốn ngày Tết gia đình được sum vầy, con cái được trở về thăm ông, bà, cha mẹ, anh em họ hàng.
Theo quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình, hành vi ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý chính là hành vi bao lực gia đình. Vậy nên hành vi chồng không cho vợ về nhà ngoại ăn Tết nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý cho vợ là hành vi bạo lực gia đình, vi phạm quy định về Hôn nhân và gia đình và phải chịu những chế tài xử phạt theo quy định.
Căn cứ Điều 55 Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng chống bạo lực gia đình thì:
– Hành vi cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
Ngoài ra, nếu hành vi ngăn cấm không cho vợ về quê ngoại ăn Tết mà người chồng có thêm những hành vi như chửi bới, xúc phạm, đánh đạp, hành hạ vợ thì còn có thể bị xử phạt thêm về những hành vi sau, mức phạt được quy định cụ thể tại các Điều 52, 53,54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:
– Hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
– Hành vi sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình thì bị hạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với ; Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm. .
– Hành vi đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
– Hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
Bên cạnh đó, tùy tính chất mức độ, hậu quả của hành vi như gây thương tích cho nạn nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 hoặc tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo điều 185 Bộ luật Hình sự.
2. Chồng không cho vợ về nhà ngoại ăn Tết thì vợ cần làm gì?
Hiện nay, không ít người dân vẫn còn quan niệm “thuyền theo lái, gái theo chồng”, ăn Tết phải ăn ở nhà chồng và luôn được ưu tiên, nhiều gia đình còn ngăn cản vợ về quê ngoại ăn Tết. Các bà vợ chỉ biết than thở, để gia đình vui vẻ nên thường im lặng để tránh mâu thuẫn, tuy nhiên có thể gây ra những buồn bực, tổn thương về tâm lý. Người vợ không nên im lặng chịu đựng, thay vào đó có thể khuyên bảo chồng, thuyết phục để người chồng hiểu. Nếu như hành vi này diễn ra liên tục và có thể kèm theo những lời xúc phạm, hay hành vi đánh đập thì người phụ nữ không được im lặng cam chịu mà hãy đứng lên để bảo vệ quyền lợi của mình. Bởi lẽ hậu quả của những hành vi bạo lực này là vô cùng nghiêm trọng, không chỉ gây ra những tổn thương về tâm lý, sức khỏe, làm cho mối quan hệ vợ chồng rạn nứt và còn có thể ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ nếu chứng kiến những hành vi bao lực này. Người phụ nữ hãy thẳng thắn nói lên quan điểm, suy nghĩ của mình với chồng nhưng tránh gây ra xung đột, cãi vã trong trường hợp cần thiết có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình cũng như yêu cầu các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc…Các biện pháp cụ thể như có thể trình báo đến các cơ quan như:
– Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tình trạng bạo lực gia đình
– Cơ quan công an/đồn biên phòng nơi gần nhất;
– Trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố/Trưởng ban công tác mặt trận nơi xảy ra bạo lực gia đình để yêu cầu người chồng chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình; cấm người chồng có hành vi bạo lực đến gần vợ…
– Gửi đơn đến Tòa án cấp huyện yêu cầu áp dụng biện pháp cấm người chồng tiếp xúc trong thời gian tối đa 04 tháng nếu có đầy đủ các điều kiện hành vi bao lực gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng người bị bạo lực gia đình và người vợ/người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người vợ bị bạo lực gia đình có đơn yêu cầu. Bên cạnh đó người vợ bị bạo lực gia đình cần cung cấp bằng chứng chứng minh hành vi bạo lực gây tổn hại đến sức khỏe và đe dọa đến tính mạng.
– Đến các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình… để được tư vấn về chăm sóc sức khỏe, các vấn đề về pháp lý và tâm lý…
3. Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt hành vi chồng không cho vợ về nhà ngoại ăn Tết không?
Căn cứ Điều 68 Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng chống bạo lực gia đình quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp như sau:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định.
Căn cứ quy định trên thì nếu hành vi chồng không cho vợ về nhà ngoại ăn Tết bị phạt cảnh cáo thì Ủy ban nhân dân xã có thẩm quyền phạt cảnh cáo, nếu phạt tiền thì cơ quan này không có thẩm quyền phạt. Còn lại, UBND cấp huyện, cấp tỉnh đều có thẩm quyền xử phạt hành vi này.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, số 13/2022/QH15
Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng chống bạo lực gia đình