Trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp như công chứng, thừa phát lại, pháp luật cũng quy định những chế tài hành chính đối với những hành vi vi phạm trong những lĩnh vực này. Vậy thu thù lao công chứng cao hơn mức trần có bị phạt không?
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về thù lao công chứng:
Khi sử dụng dịch vụ công chứng người đi công chứng ngoài việc phải trả phí công chứng thì phải trả cả thù lao cho văn phòng công chứng. Người yêu cầu công chứng phải trả thù lao khi yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện các công việc như soạn thảo hợp đồng, giao dịch; đánh máy, sao chụp, dịch giấy tờ, văn bản; lưu trữ hồ sơ; các việc khác liên quan đến công chứng như: Công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng; xác minh, giám định thông tin hồ sơ…Như vậy, thù lao công chứng là các khoản chi phí liên quan đến các công việc này.
Căn cứ Điều 67 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2018 Luật Công chứng thì UBND cấp tỉnh ban hành mức trần thù lao công chứng áp dụng đối với các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương mình.Theo đó, tổ chức hành nghề công chứng và người yêu cầu công chứng có thể tự thỏa thuận với nhau về thù lao công chứng nhưng không được vượt quá mức trần thù lao công chứng do UBND cấp tỉnh quy định. Tổ chức hành nghề công chứng phải niêm yết công khai các mức thù lao tại trụ sở của mình và có trách nhiệm giải thích rõ cho người yêu cầu công chứng về thù lao công chứng.
Cần phân biệt thù lao công chứng với phí công chứng. Theo đó, phí công chứng được hiểu là khoản tiền mà người yêu cầu công chứng phải trả cho tổ chức hành nghề công chứng nhằm bù đắp một phần chi phí, mức thu và cách tính phí công chứng được áp dụng chung trên cả nước theo quy định. Phí công chứng gồm: Phí công chứng: Hợp đồng, giao dịch, bản dịch; phí lưu giữ di chúc; phí cấp bản sao văn bản công chứng.
2. Thu thù lao công chứng cao hơn mức trần có bị phạt không?
Theo quy định tổ chức hành nghề công chứng xác định mức thù lao đối với từng loại việc không được vượt quá mức trần thù lao công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành căn cứ khoản 2 Điều 67 Luật Công chứng 2014. Vì vậy, nếu như các tổ chức hành nghề công chứng thu thù lao công chứng cao hơn mức trần thù lao đã được UBND tỉnh ban hành thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo tại Điều 16 Nghị định 82/2020/NĐ–CP quy định đối với tổ chức thực hiện hành vi thu thù lao công chứng cao hơn mức trần do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành hoặc cao hơn mức thù lao đã niêm yết thì bị phạt phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, đối với hành vi vi phạm này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Như vậy, mức phạt đối với hành vi thu thù lao công chứng cao hơn mức trần đối với tổ chức có thể lên đến 10.000.000 đồng.
3. Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định khác về hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng:
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 82/2020/NĐ–CP thì mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng đó là:
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với các tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Hành vi không thực hiện niêm yết hoặc niêm yết không đầy đủ lịch làm việc, thủ tục công chứng, nội quy tiếp người yêu cầu công chứng, không niêm yết phí công chứng, thù lao công chứng, chi phí khác; danh sách cộng tác viên phiên dịch tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
+ Hành vi đăng báo nội dung đăng ký hoạt động không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ nội dung hoặc không đúng số lần theo quy định.
+ Hành vi thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ chế độ báo cáo; báo cáo không chính xác về tình hình tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.
+ Hành vi lập, quản lý, sử dụng sổ trong hoạt động công chứng hoặc sử dụng biểu mẫu không đúng quy định
+ Hành vi lưu trữ hồ sơ công chứng không đúng quy định
+ Hành vi sử dụng biển hiệu không đúng mẫu hoặc nội dung biển hiệu không đúng giấy đăng ký hoạt động
+ Hành vi phân công công chứng viên hướng dẫn tập sự không đúng quy định
+ Hành vi từ chối tiếp nhận người tập sự hành nghề công chứng do Sở Tư pháp chỉ định mà không có lý do chính đáng
+ Hành vi từ chối nhận lưu giữ di chúc mà không có lý do chính đáng
+ Hành vi không duy trì việc đáp ứng điều kiện về trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng theo quy định
+ Hành vi không đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng vào văn bản công chứng đã có chữ ký của công chứng viên hoặc không đóng dấu giáp lai giữa các tờ đối với văn bản công chứng có từ 02 tờ trở lên
+ Hành vi không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp liên tục cho công chứng viên của tổ chức mình
+ Hành vi không tạo điều kiện cho công chứng viên của tổ chức mình tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm.
– Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Hành vi không đăng báo nội dung đăng ký hoạt động theo quy định
+ Hành vi không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định
+ Hành vi không có biển hiệu theo quy định
+ Hành vi không lập sổ trong hoạt động công chứng theo quy định
+ Hành vi thu thù lao công chứng cao hơn mức trần do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành hoặc cao hơn mức thù lao đã niêm yết; thu chi phí khác cao hơn mức chi phí đã thoả thuận
+ Hành vi thu phí công chứng không đúng theo quy định
+ Hành vi không thực hiện chế độ làm việc theo ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước
+ Hành vi niêm yết việc thụ lý công chứng
+ Hành vi không chia sẻ thông tin lên phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin khác về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch do công chứng viên của tổ chức mình công chứng
+ Hành vi không thông báo bằng văn bản danh sách cộng tác viên phiên dịch của tổ chức hành nghề công chứng cho Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở
+ Hành vi mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp không bảo đảm mức phí tối thiểu hoặc không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ cho tất cả công chứng viên của tổ chức mình theo quy định
+ Hành vi đăng ký hoạt động không đúng thời hạn theo quy định.
Trên đây là mức phạt đối với một số hành vi vi phạm khác của hoạt động công chứng. Ngoài ra đối với các hành vi vi phạm này còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động, tịch thu tang vật theo quy định.
– Biện pháp khắc phục hậu quả như kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm quy định.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2018 Luật Công chứng
Nghị định 82/2020/NĐ–CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã