Theo quy định của pháp luật thì biển báo giao thông là một trong những công trình đường bộ. Vậy người có hành vi tự ý dịch chuyển biển báo giao thông bị phạt như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Có được tự ý dịch chuyển biển báo giao thông không?
Điều 8 Văn bản hợp nhất 15/VBHN-VPQH 2019 hợp nhất Luật Giao thông đường bộ quy định một trong những hành vi mà bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giao thông đường bộ đó chính là có các hành vi sau:
– Hành vi đào, khoan, xẻ đường trái phép;
– Hành vi đặt, để những chướng ngại vật trái phép trên đường;
– Hành vi đặt, rải những vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường;
– Hành vi để trái phép những vật liệu, phế thải, thải rác ra ngoài đường;
– Hành vi mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính;
– Hành vi ấn, chiếm hoặc có sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ;
– Hành vi tự ý thực hiện tháo mở nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép
– Hành vi làm sai lệch công trình đường bộ.
Theo đó, hành vi tự ý thực hiện di chuyển trái phép công trình đường bộ là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật. Mà theo khoản 2 Điều 3 Văn bản hợp nhất 15/VBHN-VPQH 2019 hợp nhất Luật Giao thông đường bộ có giải thích công trình đường bộ bao gồm có:
– Đường bộ;
– Nơi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ;
– Đèn tín hiệu;
– Biển báo hiệu;
– Vạch kẻ đường;
– Cọc tiêu, rào chắn;
– Đảo giao thông, dải phân cách;
– Cột cây số, tường, kè;
– Hệ thống thoát nước;
– Trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí;
– Những công trình, thiết bị phụ trợ đường bộ khác.
Như vậy, hành vi tự ý thực hiện di chuyển trái phép biển báo giao thông là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật và cá nhân/tổ chức không được tự ý dịch chuyển biển báo giao thông khi không được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép, nếu cá nhân/tổ chức tự ý dịch chuyển biển báo giao thông sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Mức phạt tiền đối với hành vi tự ý dịch chuyển biển báo giao thông:
Như đã phân tích ở mục trên, nếu cá nhân/tổ chức tự ý dịch chuyển biển báo giao thông sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Điều 17 Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội quy định về xử phạt vi phạm quy định về bảo vệ các công trình công cộng, công trình an ninh, trật tự, Điều này quy định xử phạt vi phạm quy định về bảo vệ các công trình công cộng, công trình an ninh, trật tự như sau:
– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tự ý xê dịch những loại biển báo, biển chỉ dẫn, biển hiệu của cơ quan, tổ chức.
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Tự ý xê dịch, tháo dỡ cột dây điện thoại, điện tín, cột đèn, hàng rào của những cơ quan nhà nước hoặc các công trình công cộng khác;
+ Tháo dỡ, phá huỷ hoặc làm bất cứ việc gì khác gây hư hại đến những loại biển báo, biển chỉ dẫn, biển hiệu của cơ quan, tổ chức;
+ Phá hoại, làm hư hỏng tài sản, hiện vật tại mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu; leo trèo hoặc thực hiện những hành vi khác mà tác động lên cổng, cửa, tường rào của mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu khi chưa được phép.
Theo đó, hành vi tự ý dịch chuyển biển báo giao thông sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định về mức phạt tiền đối với những quy định tại Chương II (bao gồm cả Điều xử phạt vi phạm quy định về bảo vệ các công trình công cộng, công trình an ninh, trật tự) là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với những tổ chức mà có cùng hành vi vi phạm (vi phạm quy định về bảo vệ các công trình công cộng, công trình an ninh, trật tự) thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, cá nhân, tổ chức có hành vi tự ý dịch chuyển biển báo giao thông sẽ bị phạt tiền như sau:
– Đối với cá nhân có hành vi tự ý dịch chuyển biển báo giao thông: bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
– Đối với tổ chức có hành vi tự ý dịch chuyển biển báo giao thông: bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
3. Khi nào truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi tự ý dịch chuyển biển báo giao thông?
Khoản 1 Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017 có quy định rằng người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; người nào đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây ra các cản trở giao thông đường bộ; người nào tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc người nào phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; người nào mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; người nào sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc người nào vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc vào một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bi phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc là sẽ bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
– Có làm chết người;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà có tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà có tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
– Gây ra thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Như vậy, người có hành vi tự ý dịch chuyển biển báo giao thông sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ được quy định tại Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017 nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
– Trường hợp 1: người có hành vi tự ý dịch chuyển biển báo giao thông gây thiệt hại cho người khác mà làm chết người
– Trường hợp 2: người có hành vi tự ý dịch chuyển biển báo giao thông gây thiệt hại cho người khác mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà có tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Trường hợp 3: người có hành vi tự ý dịch chuyển biển báo giao thông gây thiệt hại cho người khác mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà có tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
– Trường hợp 4: người có hành vi tự ý dịch chuyển biển báo giao thông gây thiệt hại cho người khác mà gây ra thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Khi người có hành vi tự ý dịch chuyển biển báo giao thông thuộc một trong các trường hợp trên sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc là sẽ bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra, người có hành vi tự ý dịch chuyển biển báo giao thông có thể sẽ bị đối mặt với các hình phạt sau:
– Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu người tự ý dịch chuyển biển báo giao thông phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Tự ý dịch chuyển biển báo giao thông tại đèo, dốc, đường cao tốc hoặc ở đoạn đường nguy hiểm;
+ Tự ý dịch chuyển biển báo giao thông mà làm chết 02 người;
+ Tự ý dịch chuyển biển báo giao thông mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà có tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
+ Tự ý dịch chuyển biển báo giao thông mà gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng cho đến dưới 1.500.000.000 đồng.
– Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu người tự ý dịch chuyển biển báo giao thông phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Tự ý dịch chuyển biển báo giao thông mà làm chết 03 người trở lên;
+ Tự ý dịch chuyển biển báo giao thông mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà có tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
+ Tự ý dịch chuyển biển báo giao thông mà gây ra thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 15/VBHN-VPQH 2019 hợp nhất Luật Giao thông đường bộ;
– Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017;
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.