Hiện nay định kiến giới vẫn là những quan niệm, nhận thức vô cùng lệch lạc. Pháp luật đã có những quy định xử phạt để ngăn chặn việc truyền bá những tư tưởng này. Vậy mức phạt biên soạn giáo trình có nội dung định kiến giới được quy định như thế nào? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Thế nào là định kiến giới?
Theo khoản 4 Điều 5 Luật Bình đẳng giới 2006 giải thích định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ. Như vậy, đây là những nhận thức lệch lạc, tiêu cực, áp đặt một khuôn mẫu cho nam hoặc nữ, suy nghĩ rằng chỉ có nam mới có khả năng làm công việc này hoặc chỉ có nữ mới làm công việc này, gán một đặc điểm nào đó và khẳng định đó là thuộc tính của nam giới hoặc nữ giới. Chẳng hạn như các quan niệm rằng “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, “thiên chức của phụ nữ là làm mẹ, làm vợ”, “đàn ông là trụ cột gia đình”,…
Định kiến giới vô hình chung tạo ra áp lực rất lớn cho nam giới hay nữ giới, chẳng hạn quan niệm nam giới phải là trụ cột trong gia đình, là người kiếm tiền tạo nên áp lực đối với nam giới nếu bản thân không làm tốt những việc mà gia đình và xã hội kỳ vọng. Hay quan niệm cho rằng nam giới phải quyết đoán, mạnh mẽ, phụ nữ thì phải làm công việc bếp núc, nhà cửa cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình.
Nguyên nhân cốt lõi khiến định kiến giới tồn tại xuất phát từ nhận thức, suy nghĩ, quan niệm lệch lạc của nhiều người, hơn hết chính là thái độ chấp nhận, cam chịu của phụ nữ.
Để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và xóa bỏ định kiến giới, thì tuyên truyền và giáo dục nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới là một phương pháp hàng đầu. Có thể giáo dục trong nhà trường, gia đình và trong xã hội, những nơi mà định kiến giới đang tồn tại. Trong nhà trường cần phải xem giáo dục bình đẳng giới là một trong những nội dung giáo dục chính và được lồng ghép trong chương trình của các cấp học, từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học.
Cần nâng cao nhận thức rằng trẻ em trai, trẻ em gái, phụ nữ và nam giới được sinh ra và lớn lên đều có các quyền như nhau, xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ, không cho rằng phụ nữ hay nam giới là quan trọng hơn hay làm tốt hơn một công việc gì, không phân biệt những công việc chỉ dành cho phụ nữ hay chỉ dành cho nam giới, nam giới cùng phải chia sẻ công việc nội trợ, chăm sóc và nuôi dạy con cái với phụ nữ trong gia đình, phụ nữ cũng có quyền quyết định những vấn đề lớn, quan trọng trong mọi vấn đề.
Có thể thấy bình đẳng giới trong gia đình có ý nghĩa quan trọng tạo ra một môi trường lành mạnh và tiền đề quan trọng để mọi người đều được phát huy năng lực, cống hiến cho sự nghiệp, thể hiện vai trò, tiếng nói trong nhiều lĩnh vực… góp phần xây dựng gia đình, xã hội tốt đẹp. Nhất là trong môi trường giáo dục tại các nhà trường thì giáo dục về bình đẳng giới càng có ý nghĩa quan trọng hơn, vì đây là nơi truyền dạy, và tiếp thu kiến thức một cách phổ biến nhất, vậy mà vẫn còn tồn tại những hành vi biên soạn giáo trình có nội dung định kiến giới. Đây là những hành vi cần lên án và xử phạt một cách nghiêm khắc.
2. Mức phạt biên soạn giáo trình có nội dung định kiến giới:
Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội cho nam và nữ có cơ hội phát triển như nhau trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bình đẳng giới được biểu hiện như sau: Nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng; bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo, trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ….
Như vậy, tiến tới bình đẳng giới thực hiện là một trong những mục tiêu quan trọng, những hành vi vi phạm quy định về bình đẳng giới đều bị xử lý nghiêm minh. Hành vi biên soạn giáo trình có nội dung định kiến là hành vi vi phạm các nguyên tắc, các quy định của pháp luật về bình đẳng giới. Căn cứ khoản 6 Điều 9 Nghị định 125/2021/NĐ-CP thì mức phạt đối với hành vi này được quy định như sau:
– Hành vi biên soạn sách giáo khoa, giáo trình, chương trình giảng dạy có nội dung định kiến giới thì bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Bên cạnh đó còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc sửa đổi, thay thế hoặc đính chính sách giáo khoa, giáo trình, chương trình giảng dạy có nội dung định kiến giới. Nếu không sửa đổi, thay thế hoặc đính chính thì buộc phải tiêu hủy các tài liệu có nội dung định kiến giới hay buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới là một năm. Định mức phạt tiền quy định đối với các hành vi trên được quy định áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Việc quy định mức xử phạt như trên đối với hành vi này có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn những hành vi này, từ đó tiền tới xóa bỏ định kiến giới, đảm bảo quyền bình đẳng về mọi mặt giữa nam và nữ.
Chẳng hạn như giảm bớt áp lực cho nam giới với quan niệm truyền thống cho rằng nam giới phải là trụ cột gia đình, giúp cho phụ nữ mạnh dạn, tự tin tham gia học tập nâng cao trình độ,…Phát huy tiềm năng của tất cả các thành viên gia đình, góp phần xây dựng gia đình là những tế bào của xã hội phát triển tốt đẹp, vững mạnh.
3. Mức phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến giáo dục, đào tạo:
Điều 9 Nghị định 125/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm cụ thể trong lĩnh vực này như sau:
– Hành vi vận động, xúi giục hoặc không cho người khác tới trường, học tập nâng cao hiểu biết vì lý do giới tính thì bị phạt cảnh cáo. Ngoài ra, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm này còn bị buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp của người bị xâm phạm.
– Hành vi ép buộc hoặc cản trở người khác lựa chọn môn học, ngành, nghề học tập, đào tạo vì lý do giới tính thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Ngoài ra, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm này còn bị buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp của người bị xâm phạm.
– Hành vi vận động, ép buộc người khác nghỉ học vì lý do giới tính thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Ngoài ra, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm này còn bị buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp của người bị xâm phạm.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong các hành vi sau đây:
+ Hành vi vận động, ép buộc có tổ chức nhiều người nghỉ học vì lý do giới tính
+ Hành vi từ chối tuyển sinh đối với người có đủ điều kiện vào các khóa đào tạo, bồi dưỡng vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ.
+ Ngoài ra, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm này còn bị buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp của người bị xâm phạm.
– Hành vi quy định tuổi đào tạo, tuổi tuyển sinh khác nhau giữa nam và nữ thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Ngoài ra, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm này còn bị buộc sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định về tuổi đào tạo, tuổi tuyển sinh có sự phân biệt đối xử về giới.
– Hành vi tổ chức giáo dục hướng nghiệp, phổ biến sách giáo khoa, giáo trình, chương trình giảng dạy có nội dung định kiến giới thì bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm này còn bị buộc sửa đổi, thay thế hoặc đính chính sách giáo khoa, giáo trình, chương trình giảng dạy có nội dung định kiến giới. Nếu không sửa đổi, thay thế hoặc đính chính thì buộc phải tiêu hủy các tài liệu có nội dung định kiến giới hoặc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (nếu có).
Các văn bản được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 125/2021/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực bình đẳng giới;
– Luật Bình đẳng giới 2006.