Hiện nay, ở nước ta không cấm hoàn toàn việc sản xuất hay sử dụng thuốc lá. Tuy nhiên, thuốc lá rất độc hại đối với sức khỏe con người, ở một số khu vực đặc biệt, pháp luật cấm hoàn toàn hành vi này. Vậy hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện có bị xử phạt không? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về cấm hút thuốc lá:
Theo quy định, thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, tồn tại dưới các hình thức như: thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào….Sử dụng thuốc lá có thể được thực hiện thông qua các hành vi như: hút, nhai, ngửi, hít, ngậm thuốc lá.
Luật phòng chống tác hại của thuốc lá có quy định nguyên tắc bảo đảm quyền của mọi người được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá và được thông tin đầy đủ về tác hại của thuốc lá. Vậy nên, pháp luật đã có những quy định đối với một số địa điểm hành vi hút thuốc lá phải được cấm hoàn toàn.
Căn cứ Điều 11 Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá thì những địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn đó là địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục, Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em;cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: Nơi làm việc; Trường cao đẳng, đại học, học viện; Địa điểm công cộng (trừ một số trường hợp theo quy định). Trên các phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn đó là ô tô, tàu bay, tàu điện.
Điều 12 của Luật này quy định địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng ở địa điểm đó phải có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá đó là khu vực cách ly của sân bay; Quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch; Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa. Những địa điểm này phải bảo đảm các điều kiện sau đây: có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá; có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát; có thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Pháp luật khuyến khích người đứng đầu địa điểm này tổ chức thực hiện việc không hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà.
2. Hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện có bị xử phạt không?
Như vậy, theo phân tích ở mục 1 thì pháp luật hiện nay có quy định cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và phạm vi khuôn viên cơ sở y tế, có thể hiểu phạm vi khuôn viên ở đây là toàn bộ vùng không gian ngoài trời phía ngoài nhà y tế nhưng nằm trong phạm vi của cơ sở y tế. Nếu có hành vi hút thuốc lá ngoài trời nhưng nằm trong khuôn viên bệnh viện thì đã vi phạm quy định hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật. Bởi vì trong bệnh viện sẽ có nhiều người bệnh đang có thể chất yếu, là những đối tượng cần được chăm sóc đặc biệt, không gian khám chữa bệnh cần được bảo đảm, vậy nên việc hút thuốc lá có thể làm cho không gian của khám chữa bệnh có nguy cơ xâm hại đến sức khỏe, có thể làm cho tình trạng sức khỏe của người bệnh diễn biến xấu hơn, vì khói thuốc mang đến rất nhiều tác hại.
Luật phòng chống tác hại của thuốc lá quy định nghĩa vụ của người hút thuốc lá đó là: không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá; không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi, giữ vệ sinh chung, bỏ tàn, mẩu thuốc lá đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá. Vậy nên khi vi phạm những nghĩa vụ này sẽ phải chịu những chế tài xử phạt.
Căn cứ Điều 25 Nghị định 117/2020/NĐ-CP thì mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá như sau:
– Hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Theo đó, hút thuốc lá trong bệnh viện sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ từ 200 – 500 ngàn đồng.
Khi phát hiện người có hành vi hút thuốc lá, người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá có quyền buộc người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; yêu cầu người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá ra khỏi cơ sở của mình; từ chối tiếp nhận hoặc cung cấp dịch vụ cho người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nếu người đó tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở.
3. Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt hành vi hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện hay không?
Căn cứ Điều 103 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BYT 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân như sau:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 3.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng, phòng, chống HIV/AIDS, bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế. Có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 6.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; 10.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng, phòng, chống HIV/AIDS, bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định đó là: Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; đến 37.500.000 đồng đối với vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế; đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định đó là: Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế; đến 100.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định đó là: Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm và các biện pháp như thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Căn cứ vào những quy định trên thì hành vi hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng nên Ủy ban nhân dân các cấp đều có thẩm quyền xử phạt hành vi này.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012;
– Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BYT 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.