Trong mối quan hệ vợ chồng luôn bình đẳng với nhau, có nghĩa vụ tôn trọng quyền của nhau theo quy định của pháp luật. Vậy khi chồng cấm cản không cho vợ đi làm thì có bị xử phạt không?
Mục lục bài viết
1. Chồng cấm cản không cho vợ đi làm có bị xử phạt không?
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình thì vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, vợ chồng có nghĩa vụ:
+ Thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau
+ Cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình
+ Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Pháp luật nghiêm cấm các hành vi bạo lực gia đình, theo Điểm h khoản 2 Điều 5 có thể hiểu hành vi bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định hành vi ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý chính là một trong những hành vi bạo lực gia đình.
Vì vậy, việc chồng cấm cản không cho vợ đi làm là hành vi bạo lực gia đình, là hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý cho thành viên trong gia đình, vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, vi phạm điều cấm của pháp luật, sẽ phải chịu những chế tài xử phạt theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 55 Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống bạo lực gia đình thì mức phạt đối với hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý được quy định như sau:
– Hành vi không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc thì bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Bên cạnh đó cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
– Hành vi cản trở hoặc không cho thành viên trong gia đình thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì lý do giới tính thì phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Hành vi cấm cản mà gây tổn hại đến sức khỏe cho vợ thì người chồng còn có thể chịu mức xử phạt đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho các thành viên trong gia đình quy định tại Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP cụ thể như sau:
– Hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
– Thực hiện một trong những hành vi sau đây: Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình; không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
– Các hành vi vi phạm trên còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu; Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Hoặc có thể bị xử phạt về Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình theo quy định tại Điều 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
– Thực hiện một trong những hành vi sau: Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
2. Khi chồng cấm cản không cho đi làm thì vợ cần làm gì?
Khi chồng có hành vi cấm cản không cho đi làm thì người vợ thường có tâm lý chịu đựng, che dấu, không dám đấu tranh để đòi lại quyền lợi vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng trong trường hợp, người chồng liên tục có hành vi này, đã khuyên bảo nhiều lần không được, thì người vợ cần phải sử dụng những biện pháp cứng rắn hơn để bảo vệ quyền lợi của mình.
Bởi lẽ, hành vi cầm cản không cho vợ đi làm nói riêng và hành vi bạo lực gia đình nói chung để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng về thể xác, tinh thần, còn có thể tác động tiêu cực đến trẻ em. Với chính nạn nhân bị bạo lực gia đình, có thể bị ảnh hưởng sức khỏe thậm chí mất mạng; tinh thần không ổn định, luôn hoảng sợ, lo lắng, thậm chí trầm cảm tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến suy nghĩ tự tử.
Hành vi này phá hỏng mối quan hệ giữa các thành viên khác trong gia đình; để lại tâm lý ám ảnh, ăn năn, hối lỗi, giày vò…người bạo lực gia đình còn có thể đối mặt với mức xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, đối với trẻ em hành vi này cũng sẽ gây ra tâm lý và sức khỏe của các em sẽ không ổn định, gây ra tâm lý ám ảnh khi lớn lên.
Chính vì vậy, để bảo vệ mình cũng như tránh những hậu quả khác do hành vi này thì khi bị chồng cấm cản không cho đi làm tránh để xảy ra xích mích thường xuyên thì cần xử lý dứt điểm hành vi này.
Trước hết cần tránh xảy ra xung đột với chồng, khuyên bảo chồng để chồng hiểu. Nếu cách này không được thì cần phải liên hệ ngay với các cơ quan có thẩm quyền gồm:
+ Trường học nếu người bị bạo lực gia đình đang theo học.
+ Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố hoặc Trưởng Ban công tác mặt trận nơi xảy ra bạo lực gia đình.
+ Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tình trạng bạo lực gia đình.
+ Cơ quan công an hoặc đồn biên phòng nơi gần nhất với nơi xảy ra bạo lực gia đình.
+ Người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội cấp xã nơi xảy ra tình trạng bạo lực gia đình.
+ Các số điện thoại tổng đài cần nhớ trong trường hợp khẩn cấp.
Hoặc có thể nhờ người chứng kiến hành vi bạo lực gia đình xảy ra, cá nhân phải báo tin, tố giác ngay đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở trên.
3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cấm cản không cho vợ đi làm:
Theo quy định, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình là 01 năm.
Thời điểm để tính thời hiệu phạt vi phạm hành chính đó là trường hợp hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, số 52/2014/QH13
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, số 13/2022/QH15
Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình
Nghị định 125/2021/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực bình đẳng giới