Kho ngoại quan và kho bảo thuế được xem là nhà kho xây dựng bởi các doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực loại hình sản xuất suất khẩu. Vậy mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về vấn đề quản lý kho ngoại quan và kho bảo thuế được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Xử phạt vi phạm về quản lý kho ngoại quan, kho bảo thuế:
Pháp luật hiện nay đã có những quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý kho ngoại quan và kho bảo thuế. Căn cứ theo quy định tại Điều 23 của Nghị định số 128/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan (sau được sửa đổi tại Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập), có quy định về mức xử phạt đối với các đối tượng có hành vi vi phạm quy định về quản lý kho ngoại quan, kho bảo thuế, về địa điểm thu gom hàng lẻ và cửa hàng miễn thuế. Cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
+ Có hành vi đưa hàng hóa hoặc đưa máy móc và các loại trang thiết bị từ nội địa vào các khu vực được xác định là kho ngoại quan để nhằm mục đích phục vụ cho các hoạt động đóng gói, phân loại và bảo dưỡng các loại máy móc thiết bị đó mà không thông báo với cơ quan hải quan có thẩm quyền;
+ Thực hiện các dịch vụ gia cố và chia gói, thực hiện dịch vụ đóng gói bao bì và đóng ghép các loại hàng hóa sản phẩm, phân loại và phân cấp các loại hàng hóa, tiến hành hoạt động bảo dưỡng các loại hàng hóa và lấy mẫu hàng hóa trong các khu vực được xác định là kho ngoại quan tuy nhiên không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để các cơ quan hải quan theo dõi và giám sát;
+ Chuyển quyền sở hữu hàng hóa gửi tại kho ngoại quan tuy nhiên không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để các cơ quan hải quan có thể quản lý và theo dõi;
+ Không đưa các loại hàng hóa và nguyên vật liệu, không đưa các loại vật tư ra khỏi khu vực được xác định là kho ngoại quan, kho bảo thuế và các địa điểm thu gom hàng lẻ, cùng với các khu vực được xác định là cửa hàng miễn thuế, kho của các doanh nghiệp bán hàng miễn thuế khi quá thời hạn lưu giữ hàng hóa trong các khu vực này theo quy định của pháp luật.
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
+ Di chuyển hàng hóa từ khu vực được xác định là kho ngoại quan này sang kho ngoại quan khác khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tức là cơ quan hải quan nơi quản lý kho ngoại quan đó;
+ Có hành vi mở rộng hoặc thu hẹp hoặc di chuyển địa điểm của các cửa hàng miễn thuế, kho ngoại quan và các kho hàng không kéo dài địa điểm thu gom hàng lẻ, các địa điểm làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật, các địa điểm tập kết ba kiểm tra giám sát hải quan theo quy định của pháp luật khi không được sự cho phép của các cơ quan hải quan có thẩm quyền;
+ Thực hiện các dịch vụ không được phép trong khu vực kho ngoại quan và địa điểm thu gom hàng lẻ;
+ Không thực hiện chế độ báo cáo đối với các kho ngoại quan, kho bảo thuế và các địa điểm thu gom hàng lẻ theo đúng thời hạn do pháp luật quy định.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
+ Đưa vào kho ngoại quan các loại hàng hóa thuộc diện không được gửi trong kho ngoại quan trái quy định của pháp luật;
+ Tẩu tán hàng hóa đang trong quá trình lưu giữ trong khu vực kho ngoại quan;
+ Tiêu hủy các loại hàng hóa lưu giữ trong kho ngoại quan, kho bảo thuế không đúng quy định của pháp luật.
Như vậy có thể nói, cần phải tuân thủ đầy đủ quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về vấn đề quản lý kho ngoại quan và kho bảo thuế theo như phân tích nêu trên.
2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm về quản lý kho ngoại quan, kho bảo thuế:
Căn cứ theo quy định tại Điều 29 của Nghị định số 128/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan (sau được sửa đổi tại Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập), có quy định về thẩm quyền xử phạt như sau:
– Công chức Hải quan đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 500.000 đồng đối với cá nhân; phạt tiền đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức.
– Đội trưởng thuộc Chi cục Hải quan, Đội trưởng thuộc Chi cục Kiểm tra sau thông quan có quyền: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân; phạt tiền đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức;
– Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu, Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển và Đội trưởng Đội kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan có quyền: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân; phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức, tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt nêu trên, và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khi xét thấy cần thiết;
– Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quyền: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân; phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức, tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt này, và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khi xét thấy cần thiết;
– Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có quyền: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2022, tịch thu tang vật vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khi xét thấy cần thiết;
– Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thuế với mức phạt tối đa theo quy định tại khoản 2 Điều 138 Luật Quản lý thuế năm 2019.
3. Thời hiệu xử phạt vi phạm về quản lý kho ngoại quan, kho bảo thuế:
Theo Điều 4 của Nghị định số 128/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan (sau được sửa đổi tại Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập), có quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế. Cụ thể như sau:
– Đối với vi phạm hành chính là hành vi trốn thuế trái quy định pháp luật tuy nhiên chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu thì thời hiệu xử phạt là 05 năm, được tính kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm;
– Quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu không đúng hoặc số tiền thuế trốn, số tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trong thời hạn mười năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định số 128/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan;
– Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập.