Nhật ký thi công công trình xây dựng là loại tài liệu cơ bản ghi chép tất cả các sự kiện chính trong quá trình xây dựng. Vậy mức xử phạt hành chính về hoạt động lập nhật ký thi công công trình xây dựng được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mức xử phạt hành chính về lập nhật ký thi công công trình:
Pháp luật hiện nay đã có những quy định cụ thể về hoạt động lập nhật ký trong quá trình thi công công trình xây dựng. Căn cứ theo quy định tại Thông tư 174/2021/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung tại Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng trong Bộ Quốc phòng, nhật ký thi công công trình xây dựng sẽ do các chủ thể được xác định là nhà thầu thi công xây dựng lập theo quy định của pháp luật cho từng gói thầu xây dựng hoặc lập cho toàn bộ công trình xây dựng nói chung. Trường hợp có nhà tổ cụ tham gia vào quá trình thi công công trình xây dựng đó, thì tổng thầu hoặc nhà thầu chính cần phải thỏa thuận với nhau, thỏa thuận với nhà thầu phụ về nghĩa vụ lập nhật ký thi công công trình xây dựng theo quy định của pháp luật đối với các phần việc do nhà thầu phụ thực hiện và triển khai. Pháp luật cũng có những quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động lập nhật ký thi công công trình xây dựng. Căn cứ theo quy định tại Điều 33 của Nghị định 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính về xây dựng, có quy định về mức xử phạt đối với các đối tượng có hành vi vi phạm về thi công xây dựng công trình, cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
+ Không hoàn trả mặt bằng, không di chuyển vật tư và các loại máy móc thiết bị cùng với các tài sản khác của các nhà thầu ra khỏi công trường sau khi công trình đó đã hoàn thành và bàn giao theo quy định của pháp luật;
+ Không có nhật ký thi công công trình xây dựng, hoặc nhật ký thi công công trình xây dựng được lập không đúng với quy định của pháp luật;
+ Không tiếp nhận và không quản lý mặt bằng xây dựng theo quy định của pháp luật, không bảo quản mốc định vị và mốc giới công trình xây dựng, không thực hiện hoạt động quản lý công trường theo quy định pháp luật;
+ Sử dụng chi phí về an toàn lao động không phù hợp với quy định của pháp luật;
+ Không báo cáo với chủ đầu tư về tiến độ và an toàn lao động, không báo cáo về vệ sinh môi trường trong quá trình thi công công trình xây dựng theo hợp đồng xây dựng đã ký kết và theo quy định của pháp luật có liên quan;
+ Không tổ chức và lưu giữ hồ sơ quản lý thi công công trình xây dựng theo quy định của pháp luật hoặc lập hồ sơ quản lý thi công công trình xây dựng không phù hợp với thời gian thực hiện thực tế tại công trường.
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi không trình chủ đầu tư chấp thuận một trong những vấn đề cơ bản sau đây:
+ Kế hoạch tổ chức thí nghiệm và đo đạc các thông số kĩ thuật của công trình xây dựng theo yêu cầu thiết kế và theo chỉ dẫn kĩ thuật;
+ Biện pháp kiểm tra chất lượng vật liệu và thiết bị được sử dụng trong quá trình thi công công trình xây dựng và các biện pháp thi công khác;
+ Kế hoạch kiểm tra và nghiệm thu giai đoạn thi công công trình xây dựng và các hạng mục công trình xây dựng, nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình xây dựng;
+ Tiến độ thi công công trình xây dựng trên thực tế.
– Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
+ Không lập bản vẽ hoàn công theo quy định của pháp luật;
+ Không bố trí nguồn nhân lực và các trang thiết bị thi công phù hợp với các điều khoản được quy định trong hợp đồng xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;
+ Không tổ chức thực hiện công tác thí nghiệm và kiểm định đối với các loại vật liệu sản phẩm xây dựng, thiết bị công trình và thiết bị công nghệ trước/trong khi thi công công trình xây dựng phù hợp với yêu cầu của thiết kế và phù hợp với quy định trong hợp đồng xây dựng;
+ Sử dụng phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng không đáp ứng đầy đủ điều kiện năng lực để thực hiện công tác thí nghiệm hoặc không trực tiếp thực hiện hoạt động công tác thí nghiệm.
Như vậy có thể nói, hành vi vi phạm hành chính về hoạt động lập nhật ký thi công công trình xây dựng có thể bị tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo như phân tích nêu trên.
2. Thẩm quyền xử phạt hành chính về lập nhật ký thi công công trình:
Căn cứ theo quy định tại Điều 74 của Nghị định 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính về xây dựng, có quy định về thẩm quyền xử phạt của trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành. Cụ thể như sau:
– Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Sở xây dựng hoặc thanh tra Sở giao thông vận tải có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 100.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc chứng chỉ năng lực hoặc chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có giá trị dưới 200.000.000 đồng, và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết;
– Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của thanh tra Bộ xây dựng có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến năm 100.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng và kinh doanh bất động sản, phạt tiền đến 210.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng và quản lý công trình hạ tầng kĩ thuật, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc chứng chỉ năng lực hoặc chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có giá trị dưới 1.000.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm hoạt động xây dựng và kinh doanh bất động sản, tịch thu tang vật và tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 420.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng và quản lý công trình hạ tầng kĩ thuật, và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết.
Như vậy có thể nói, hành vi vi phạm hành chính về hoạt động lập nhật ký thi công công trình xây dựng thuộc thẩm quyền xử phạt của thanh tra Sở xây dựng hoặc thanh tra Sở giao thông vận tải theo như phân tích nêu trên.
3. Nhật ký thi công xây dựng công trình phải bao gồm những thông tin chủ yếu nào?
Theo quy định tại Thông tư 174/2021/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung tại Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ về quản lý chất lượng và thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng trong Bộ Quốc phòng, thì nhật ký thi công xây dựng công trình phải có những thông tin chủ yếu sau:
– Diễn biến về điều kiện thi công công trình xây dựng, số lượng công nhân thi công công trình xây dựng, số lượng thiết bị do nhà thầu thi công công trình xây dựng để huy động thực hiện hoạt động thi công tại hiện trường, các công việc thi công xây dựng được nghiệm thu hằng ngày trên công trường xây dựng;
– Mô tả chi tiết về sự cố và tai nạn lao động xảy ra, miêu tả chi tiết về hư hỏng và các vấn đề phát sinh trên hiện trường công trình xây dựng, các biện pháp được áp dụng để khắc phục hậu quả và xử lý trong quá trình thi công công trình xây dựng;
– Các kiến nghị của các nhà thầu trong quá trình thi công công trình xây dựng và hoạt động giám sát thi công công trình xây dựng;
– Những ý kiến về việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công công trình xây dựng của các bên có liên quan.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính về xây dựng;
– Thông tư 174/2021/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung tại Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng trong Bộ Quốc phòng.