Cung cấp dịch vụ viễn thông đúng thời gian là trách nhiệm và nghĩa vụ của bên cung cấp dịch vụ viễn thông. Vậy mức phạt cung cấp dịch vụ viễn thông không đúng thời gian được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mức phạt cung cấp dịch vụ viễn thông không đúng thời gian:
1.1. Quy định về thời gian cung cấp dịch vụ viễn thông:
Căn cứ Điều 15 Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH 2018 Luật Viễn thông quy định về Quyền, nghĩa vụ của đại lý dịch vụ viễn thông, Điều này quy định ngoài các quyền, nghĩa vụ được quy định tại
– Thiết lập hệ thống thiết bị đầu cuối tại địa điểm được sử dụng để cung cấp dịch vụ viễn thông cho những người sử dụng dịch vụ viễn thông tại địa điểm đó theo thỏa thuận trong hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông;
– Thực hiện việc cung cấp, bán lại dịch vụ viễn thông theo quy định của pháp luật;
– Từ chối cung cấp dịch vụ cho người sử dụng dịch vụ viễn thông vi phạm hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông hoặc là theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin;
– Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông hướng dẫn, cung cấp các thông tin về dịch vụ viễn thông và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của doanh nghiệp viễn thông đó;
– Thực hiện thời gian cung cấp dịch vụ viễn thông theo đúng quy định của chính quyền địa phương;
– Cung cấp dịch vụ viễn thông theo chất lượng và giá cước ở trong hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông.
Theo đó, một trong những nghĩa vụ của đại lý dịch vụ viễn thông đó chính là phải cung cấp dịch vụ viễn thông ở trong thời gian quy định của chính quyền địa phương. Nếu đại lý dịch vụ viễn thông không cung cấp dịch vụ viễn thông trong thời gian quy định của chính quyền địa phương thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
1.2. Xử phạt hành vi cung cấp dịch vụ viễn thông không đúng thời gian:
Như đã nói ở mục trên, nếu đại lý dịch vụ viễn thông không cung cấp dịch vụ viễn thông trong thời gian quy định của chính quyền địa phương thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Điều 20 Văn bản hợp nhất 08/VBHN-BTTTT 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông quy định về xử phạt vi phạm các quy định về đại lý dịch vụ viễn thông, Điều này quy định xử phạt vi phạm các quy định về đại lý dịch vụ viễn thông như sau:
– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:
+ Thiết lập hệ thống thiết bị đầu cuối ngoài các địa điểm theo thỏa thuận trong hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông để cung cấp dịch vụ;
+ Cung cấp dịch vụ viễn thông không đúng với thời gian quy định.
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến việc sử dụng dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:
+ Không ký hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông nhưng vẫn thực hiện cung cấp dịch vụ cho người sử dụng dịch vụ viễn thông;
+ Đại lý dịch vụ viễn thông không thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trong việc từ chối cung cấp dịch vụ cho người sử dụng dịch vụ viễn thông thực hiện những hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông.
Thêm nữa, tại khoản 3 Điều 4 Văn bản hợp nhất 08/VBHN-BTTTT 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông có quy định rằng mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII sẽ được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ các quy định tại Điều 106. Trường hợp các cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì có mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Như vậy, hành vi cung cấp dịch vụ viễn thông không đúng thời gian quy định thì đại lý dịch vụ viễn sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
2. Cung cấp dịch vụ viễn thông không đúng thời gian có phải bồi thường:
Điều 33 Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH 2018 Luật Viễn thông quy định về hoàn trả giá cước và bồi thường thiệt hại, Điều này quy định hoàn trả giá cước và bồi thường thiệt hại như sau:
-Doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ không đúng thời gian và chất lượng theo như hợp đồng đã giao kết với người sử dụng dịch vụ viễn thông thì phải hoàn trả một phần hoặc toàn bộ giá cước đã thu.
– Doanh nghiệp viễn thông không phải bồi thường thiệt hại gián tiếp hoặc nguồn lợi không thu được do chính việc cung cấp dịch vụ viễn thông không bảo đảm thời gian và chất lượng gây ra.
– Trong việc cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông, các bên đã giao kết Hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất trực tiếp do lỗi của mình gây ra cho phía bên kia.
– Các bên giao kết Hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng.
Theo đó, đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông không đúng thời gian quy định của chính quyền địa phương do lỗi của mình gây ra thì đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất trực tiếp cho bên bị thiệt hại, đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông chỉ được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng.
3. Những người có thẩm quyền xử phạt hành vi cung cấp dịch vụ viễn thông không đúng thời gian:
Căn cứ Điều 120 Văn bản hợp nhất 08/VBHN-BTTTT 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông quy định về phân định thẩm quyền, căn cứ Điều này thì những người sau đây có thẩm quyền xử phạt hành vi cung cấp dịch vụ viễn thông không đúng thời gian:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
– Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ;
– Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội, Trưởng trạm, Đội trưởng của Chiến sĩ Công an nhân dân mà đang thi hành công vụ;
– Trưởng Công an cấp xã;
– Trưởng đồn Công an;
– Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất;
– Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế;
– Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động;
– Thủy đội trưởng;
– Trưởng Công an cấp huyện;
– Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh chính trị nội bộ;
– Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội;
– Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông;
– Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
– Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao;
– Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh;
– Trưởng phòng Công an cấp tỉnh;
– Giám đốc Công an cấp tỉnh;
– Chiến sĩ Bộ đội biên phòng đang thi hành công vụ;
– Trạm trưởng, Đội trưởng của Chiến sĩ Bộ đội biên phòng;
– Đội trưởng Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm;
– Đồn trưởng Đồn biên phòng;
– Hải đội trưởng Hải đội biên phòng;
– Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng;
– Cảnh sát viên Cảnh sát biển đang thi hành công vụ;
– Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Cảnh sát biển;
– Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát biển;
– Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển;
– Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam;
– Công chức Hải quan đang thi hành công vụ;
– Đội trưởng, Tổ trưởng thuộc Chi cục Hải quan;
– Tổ trưởng thuộc Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Đội trưởng thuộc Chi cục Kiểm tra sau thông quan,…
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH 2018 Luật Viễn thông
– Văn bản hợp nhất 08/VBHN-BTTTT 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông