Hành vi hiến tinh trùng là một hành vi nhân văn, tuy nhiên hiện nay đang bị biến tướng thành việc mua bán tinh trùng giữa các bên. Vậy hành vi mua bán tinh trùng sẽ bị xử phạt như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định xử phạt về hành vi mua bán tinh trùng mới nhất:
Hiện pháp luật không cho phép mua bán tinh trùng mà chỉ cho hiến tặng tinh trùng, việc hiến tặng tinh trùng thể hiện tính nhân đạo, là một hành động nhân văn nhằm mục đích giúp cho những cặp vợ chồng hiếm muộn được có con.Tuy nhiên việc hiến tặng hiện nay bị nhiều đối tượng lợi dụng để chuộc lợi như có thỏa thuận hiến tặng nhưng thực chất lại là mua bán tinh trùng, nhiều đối tượng mang tinh trùng đi bán, những tinh trùng đó được những đối tượng này quảng cáo là tinh trùng của những người nếu có thì sẽ sinh con đẹp, thông minh,…là tinh trùng của những người tài giỏi. Việc mua bán tinh trùng được thực hiện dưới những hình thức phản khoa học, bằng cách lấy trực tiếp, có trường hợp dùng cách quan hệ tình dục đến khi có mới thôi, là hành vi trái đạo đức xã hội.
Việc mua bán tinh trùng một cách tràn lan không đúng theo quy định của pháp luật gây ra nhiều hệ lụy và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho xã hội. Chẳng hạn như việc mua bán tinh trùng không thông qua thủ tục xét nghiệm rất dễ lây truyền bệnh tật gây ảnh hưởng đến sức khỏe chẳng hạn như HIV, rồi các bệnh di truyền như tâm thần…,ảnh hưởng đến người con được sinh ra, ngoài ra việc mua bán tinh trùng cho nhiều người rất dễ dẫn đến hôn nhân cận hoặc đồng huyết.
Vì vậy pháp luật nước ta đã quy định mỗi một người chỉ được hiến tinh trùng một lần, việc mua bán tinh trùng cho nhiều người, nhiều lần là hành vi vi phạm pháp luật. Căn cứ Điều 42 Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BYT của Bộ Y tế: Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi Sử dụng tinh trùng, noãn của một người cho để dùng cho từ hai người trở lên, trừ trường hợp không sinh con thành công thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
2. Mua bán tinh trùng có bị truy cứu về tội mua bán bộ phận cơ thể người không?
Căn cứ Điều 154 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy định về Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người như sau:
– Tại khoản 1 Điều này quy định người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
– Tại khoản 2 quy định phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức; vì mục đích thương mại; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; đối với từ 02 người đến 05 người; phạm tội 02 lần trở lên; hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
– Tại khoản 3 quy định phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tính chất chuyên nghiệp; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; đối với 06 người trở lên; hoặc gây chết người; Tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
– Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Căn cứ vào quy định trên thì hành vi mua bán tinh trùng có phải là hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người hay không thì cần xác định tinh trùng có phải là mô hoặc bộ phận cơ thể người hay không? Căn cứ khoản 2 Điều 3 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 quy định:
+ Mô là tập hợp các tế bào cùng một loại hay nhiều loại khác nhau để thực hiện những chức năng nhất định của cơ thể người.
+ Bộ phận cơ thể người là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định.
Như vậy, tinh trùng không phải là tế bào càng không phải là bộ phận cơ thể người nên hành vi mua bán tinh trùng không phạm tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Nhưng hành vi này vẫn là hành vi vi phạm quy định của pháp luật và sẽ bị xử lý hành chính.
3. Quy định của pháp luật về việc hiến tinh trùng:
Hiện nay, Pháp luật nước ta đã có quy định cụ thể về việc cho, nhận tinh trùng vì mục đích nhân đạo. Căn cứ tại Điều 4,
– Khi tiến hành cho tinh trùng thì người cho tinh trùng được khám và làm các xét nghiệm để xác định có bệnh di truyền hay không, có mắc bệnh tâm thần, có nhiễm HIV hay không…
– Việc hiến, cho tinh trùng là tự nguyện và chỉ cho tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế công nhận.
– Việc cho nhận tinh trùng không được cung cấp tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho tinh trùng.
– Tinh trùng của người cho chỉ được sử dụng cho một người, trừ trường hợp không sinh con thành công thì mới được cho người khác, còn nếu sinh con thành công thì tinh trùng chưa sử dụng hết phải được hủy hoặc hiến tặng cho cơ sở làm nghiên cứu khoa học.
– Chỉ có các cơ sở khám chữa bệnh có đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế và được sự cho phép của Bộ trưởng Bộ Y tế thì mới được phép thực hiện việc lấy/ xét nghiệm tinh trùng.
Theo quy định việc cho và nhận tinh trùng được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận; tinh trùng, phải được mã hóa để bảo đảm bí mật, thông tin về nhân thân như họ tên, tuổi, địa chỉ của người cho tinh trùng được mã hóa. Tuy nhiên, vẫn phải có những thông tin để thấy được rõ đặc điểm của người cho, đặc biệt là yếu tố chủng tộc. Nguyên tắc này có ý nghĩa đảm bảo bí mật thông tin của người cho tinh trùng, người nhận không biết đến danh tính của người cho và ngược lại. Việc đưa ra nguyên tắc này là để tránh gây rắc rối về mặt tình cảm nếu như người nhận và người cho biết về danh tính của nhau, nhiều khi dẫn đến những phiền phức về mặt xã hội, vì khi biết được đứa trẻ “mang dòng máu” của mình rất dễ nảy sinh tình cảm đặc biệt có thể dẫn đến những hậu quả không hay.
Việc cho tinh trùng, hay biến tướng thành hành vi mua bán tinh trùng tràn lan là hành vi không được thực hiện theo đúng quy trình quy định, thực hiện hành vi này người nhận tinh trùng có thể bị lây nhiễm các bệnh nguy hiểm qua bộ phận sinh dục hoặc thai nhi gặp vấn đề di truyền các bệnh nguy hiểm do nguồn bệnh từ tinh trùng. Bên cạnh đó còn có thể dẫn đến tình trạng hôn nhân cận huyết. Tức những người con của người cho tinh trùng không thể biết được về nguồn gốc của mình và có thể vô tình kết hôn với nhau dẫn đến hậu quả con cái đẻ ra có thể bị dị tật. Việc phát hiện và ngăn chặn những hành vi này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, từ đó cần nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật của người dân, cần có những hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi này mang tính răn đe, có thể áp dụng hình thức hình sự hóa hành vi này để chấm dứt những hành vi này.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006
Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BYT của Bộ Y tế: Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế