Những tồn tại, hạn chế xuất phát từ việc áp dụng các quy định về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội còn có nhiều quan điểm khác nhau thế nào?
Những tồn tại, hạn chế xuất phát từ việc áp dụng các quy định về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội còn có nhiều quan điểm khác nhau:
Qua thực tiễn áp dụng cho thấy, phần lớn các vụ án xảy ra trên thực tế, các cơ quan tư pháp đã áp dụng đúng quy định pháp luật về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Tuy nhiên, các vụ án vẫn còn những quan điểm khác nhau, có ý kiến không thống nhất với hướng xét xử, có ý kiến đồng tình với hướng xét xử. Các quan điểm khác nhau này chủ yếu và xoay quanh việc xác định điều kiện để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
Mục lục bài viết
1. Về điều kiện thuộc về ý thức chủ quan của người phạm tội trong tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội:
Để được coi là tự nguyện thì người phạm tội phải chấm dứt hành vi nguy hiểm của bản thân theo ý thức chủ quan của bản thân chứ không phải do khách quan chi phối. Ý thức chủ quan của bản thân người phạm tội là các yếu tố thuộc về lý trí và ý chí của người phạm tội. Nên khi xem xét cần phải xem xét nhận thức, đánh giá của người phạm tội về các yếu tố khách quan xem có gì gây trở ngại đến việc thực hiện tội phạm của mình hay không, từ đó xem xét tiếp người phạm tội sẽ lựa chọn tiếp tục thực hiện tội phạm hay dừng lại không tiếp tục thực hiện tội phạm nữa, việc chủ thể từ bỏ hành vi phạm tội của mình thể hiện sự tự nguyện, dứt khoát.
Khi người phạm tội đánh giá các yếu tố khách quan là không có gì ngăn cản sẽ có 2 trường hợp xảy ra, một là không có gì ngăn cản, tức là vẫn nằm trong kế hoạch của người phạm tội và hai là có gì ngăn cản nhưng không đáng kể, người phạm tội cho rằng mình sẽ khắc phục được những khó khăn đó. Ngược lại, trường hợp người phạm tội cho rằng có trở ngại nhưng thực tế không có trở ngại nào thì trong trường hợp này không được coi là tự nguyện.
Khi xem xét các yếu tố khách quan có cho phép chủ thể tiếp tục thực hiện tội phạm hay không, chúng ta không thể chỉ căn cứ vào yếu tố đó, mà chúng ta phải căn cứ vào sự đánh giá chủ quan của chủ thể. Điều này đòi hỏi trong thực tiễn các cơ quan tư pháp hình sự khi xem xét cho chủ thể được miễn TNHS theo chế định này không chỉ căn cứ vào các yếu tố khách quan mà phải căn cứ vào sự đánh giá của chủ thể, sự nhận thức khả năng thực hiện tội phạm đến cùng của người phạm tội.
Sau khi đã xác định rằng người phạm tội nhận thức được thực tế khách quan không có gì ngăn cản thì tiếp theo phải xem xét ý chí của họ có muốn tiếp tục thực hiện tội phạm nữa hay không ? và việc lựa chọn dừng thực hiện tội phạm có phải do động lực bên trong thúc đẩy hay không chứ không phải là sự tác động từ các yếu tố khác.
Do đó, sự tự nguyện phải được thể hiện qua việc chủ thể nhận thức yếu tố khách quan không có gì ngăn cản hoặc có trở ngại nhưng chủ thể cho rằng trở ngại đó có thể khắc phục được và tự nguyện không tiếp tục thực hiện tội phạm đến cùng phải được xuất phát từ ý chí chủ quan của người phạm tội, từ sự đánh giá các yếu tố khách quan cho đến việc quyết định dừng việc phạm tội.
Qua phân tích ở trên cho thấy, chấm dứt việc phạm tội một cách tự nguyện trong chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là việc người phạm tội nhận thức được khả năng hiện thực tội phạm đến cùng, các yếu tố khách quan hoàn toàn không có gì ngăn cản. Người phạm tội đứng trước hai lựa chọn lớn: một là, tiếp tục thực hiện tội phạm đến cùng; hai là chấm dứt không thực hiện tiếp tội phạm nữa và người phạm tội đã lựa chọn lựa chọn thứ hai. Nếu việc chấm dứt không tiếp tục thực hiện tội phạm của người phạm tội không xuất phát từ sự lựa chọn mà xuất phát từ sự tác động của các yếu tố khách quan thì không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, có thể là chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt. Trong trường hợp này người phạm tội chỉ chấm dứt về mặt hành vi, còn ý chí phạm tội của họ vẫn chưa từ bỏ.
Thực tiễn áp dụng điều kiện này cho thấy việc xác định thế nào là tự nguyện trong những vụ án cụ thể cũng không đơn giản.
Ví dụ: Vương Đình Trung vì muốn có tiền để mua ma túy nên đã bóp cổ chị Nguyễn Thùy D rồi trói chị vào ghế. Sau khi trói được chị D, Trung nảy sinh ý định muốn giao cấu với chị D nên Trung đã xé quần áo của chị D. Trước khi giao cấu Trung đã hỏi chị D: “chị có mắc bệnh gì không ?” chị D trả lời: “có” nghe chị D trả lời như vậy, Trung sợ không giao cấu với chị D nữa. Vụ án này đã được
Trong vụ án trên xác định tình tiết: Trung không thực hiện hành vi giao cấu với chị D nữa vì sợ bị lây bệnh, có được coi là tự nguyện không? Và việc chị D trả lời là “có” bệnh, có được xem là yếu tố khách quan gây cản trở việc thực hiện tội phạm của Trung hay không? Về vấn đề này, có quan điểm cho rằng: việc chị D bị bệnh là một đặc điểm của đối tượng tác động, tồn tại khách quan và nằm ngoài sự dự định của Trung và đặc điểm này làm Trung sợ không dám thực hiện tiếp tội phạm hay nói cách khác đây chính là yếu tố
gây khó khăn làm mất ý chí thực hiện tội phạm của Trung. Vì vậy, trong trường hợp này Trung không được coi là tự nguyện, bởi việc Trung dừng lại không thực hiện tiếp tội phạm không phải xuất phát từ ý chí chủ quan của Trung mà do chị D có bệnh, nếu chị D không có bệnh thì Trung vẫn tiếp tục thực hiện tội phạm. Do đó, đây không thể coi là trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được.
Quan điểm khác lại cho rằng: Trung không thực hiện tiếp tội phạm là do sợ bị lây bệnh, nhưng không thể coi đây là yếu tố gây cản trở Trung phạm tội được vì trên thực tế Trung vẫn hoàn toàn có thể thực hiện được tội phạm đến cùng và trường hợp này cũng tương tự như trường hợp sợ bị pháp luật trừng trị, sợ bị trả thù… Vì vậy, họ đồng ý với việc giải quyết vụ án của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ hai cho rằng việc giải quyết vụ án của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh phán quyết Trung được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Việc Trung không thực hiện tội phạm đến cùng hoàn toàn xuất phát từ ý chí chủ quan của Trung chứ không phải do chị D trả lời là “có” bệnh. Ta thấy rằng không có yếu tố khách quan nào cản trở Trung tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Trung sợ bị lây bệnh không thể được coi là tình tiết cản trở hay đe dọa ý chí của Trung. Theo người viết việc Trung sợ bị lây bệnh có thể được coi là động cơ thúc đẩy Trung chấm dứt việc phạm tội.
Để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì ngoài việc chủ thể từ bỏ ý định phạm tội đến cùng, còn đòi hỏi việc từ bỏ đó phải dứt khoát và vĩnh viễn. Đó là:
Chấm dứt hành vi phạm tội một cách triệt để, chứ không phải là tạm ngừng việc thực hiện tội phạm để chờ cơ hội thuận tiện hơn, chuẩn bị phương tiện tinh vi hơn, thủ đoạn xảo quyệt hơn rồi tiếp tục phạm tội. Sự chấm dứt đó được thể hiện ở xử sự nhất định, không phải bằng lời nói của người bị phát hiện khi đang chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt, mà thông thường bằng không hành động, và không nhất thiết phải báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc chấm dứt việc phạm tội, tự thú….
Khi người phạm tội chấm dứt tội phạm một cách triệt để thì đã làm mất tính nguy hiểm của hành vi phạm tội, ý định thực hiện tội phạm cũng không còn. Nếu người phạm tội chấm dứt việc phạm tội không dứt khoát chỉ là sự tạm ngừng thì tính nguy hiểm cho xã hội vẫn còn và họ có thể thực hiện ý định của mình bất kỳ lúc nào khi điều kiện cho phép.
Trên thực tế việc xác định người phạm tội tự nguyện không thực hiện tiếp tội phạm một cách dứt khoát và vĩnh viễn cũng là một điều không dễ dàng, các cơ quan chức năng thường gặp khó khăn trong trường hợp người phạm tội do đang thực hiện hành vi phạm tội nhưng có dấu hiệu bị lộ nên đã có những hành vi thể hiện sự tự ý nửa chừng để được hưởng khoan hồng. Do vậy, khi giải quyết vụ án cần phải xem xét và sắp xếp các tình tiết theo trật tự logic nhất định để tìm ra nguyên nhân và nguồn gốc sâu xa của hành vi chấm dứt tội phạm. Thông thường việc từ bỏ dứt khoát và vĩnh viễn ý chí phạm tội đến cùng đến cùng thể hiện ở việc: hủy bỏ phương tiện, công cụ phạm tội, có điều kiện hết sức thuận lợi nhưng chủ thể đã không thực hiện tiếp hành vi, ra trình diện với cơ quan pháp luật khi tội phạm chưa thực hiện được đến cùng.
2. Điều kiện về thời điểm phạm tội trong tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội:
Để được miễn TNHS và được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, ngoài việc người phạm tội đã tự nguyện chấm dứt hành vi phạm tội của mình một cách dứt khoát và vĩnh viễn thì còn phải đáp ứng điều kiện về thời điểm chấm dứt hành vi phạm tội.
Theo quy định tại Điều 16 BLHS năm 2015 tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là “tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng”. Như vậy “không thực hiện tội phạm đến cùng” được coi là điều kiện về thời điểm của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Những vấn đề đặt ra là hiểu thế nào về cụm từ trên. Thực tế hiện nay cho thấy, đa số các quan điểm đều cho rằng để được coi là “không thực hiện tội phạm đến cùng” là điều kiện của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì phải là không thực hiện khi tội phạm ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành, còn khi chủ thể đã dừng lại ở giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành và tội phạm hoàn thành thì vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không đặt ra.
Ví dụ: Đào Hải Nam sinh ngày 20/10/1986, trú tại thôn An, xã Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội đã thực hiện hành vi hiếp dâm đối với em Nguyễn Thị Hương Lý, sinh ngày 01/6 /1996. Vào lúc 10h sáng ngày 21/07/2001; Đào Hải Nam đi học về, gặp em Lý và em Trà là người ở cùng thôn đang chơi ở bờ đế. Nam đã nảy sinh ý định hiếp dâm và rủ hai em vào nhà trông cá bỏ trống gần đó. Em Trà sợ nhà bẩn nên đã bỏ ra ngoài, Nam dỗ em Lý tự cởi quần ra thì sẽ cho 1000 đồng. Khi Nam bắt đầu thực hiện hành vi giao cấu thì em Lý kêu đau, do Nam đè tay nên ngực. Và Nam đã thôi không thực hiện tiếp hành vi nữa mà bỏ đi về nhà. Biên bản giám định của của Viện khoa học Hình Sự – Bộ Công an kết luận: bộ phận sinh dục của em Lý không bị tổn thương, màng trinh không bị rách. Ngày 16 đến ngày 19/11/2001, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ án, tuyên bị cáo Đào Hải Nam 4 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em. Ngày 02/05/2002 tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân Tối cao đã tuyên phạt Đào Hải Nam 5 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em (thời điểm này áp dụng BLHS năm 1999).
Trong vụ án trên ta thấy, Đào Hải Nam bắt đầu thực hiện hành vi giao cấu với em Lý, nhưng đã chấm dứt hành vi trên khi không có gì ngăn cản. Việc dừng lại không thực hiện tiếp tội phạm của Đào Hải Nam không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Bởi theo Điều 112 BLHS năm 1999 về tội hiếp dâm trẻ em thì tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có hành vi giao cấu với nạn nhân. Hơn nữa, em Lý dưới 13 tuổi. Như vậy, hành vi của Đào Hải Nam đã cấu thành tội hiếp dâm trẻ em theo Điều 112 BLHS năm 1999.
Trao đổi về điều kiện thời điểm chấm dứt hành vi phạm tội trong vụ án này, có quan điểm cho rằng, việc coi điều kiện thời điểm của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là sự tự ý đó phải xảy ra khi tội phạm đang ở trong giai đoạn chuẩn bị hoặc ở giai đoạn chưa đạt chưa hoàn thành là không phù hợp vì thuật ngữ giai đoạn chuẩn bị phạm tội hay giai đoạn phạm tội chưa đạt (dù là chưa đạt đã hoàn thành hay chưa đạt chưa hoàn thành) là một thuật ngữ của khoa học luật hình sự dùng để chỉ các giai đoạn phạm tội với nội dung là hành vi phạm tội đã bị chấm dứt do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người thực hiện hành vi khi người đó mới có hành vi tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện cần thiết khác để thực hiện tội phạm hoặc đã bắt tay vào việc thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng.
Còn khi nói đến hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là muốn nói đến nội dung hành vi của một người không thực hiện tội phạm đến cùng tuy không có gì ngăn cản, nghĩa là sự chấm dứt việc phạm tội không phải do những nguyên nhân khách quan mà là do bản thân người thực hiện hành vi tự quyết định. Do vậy, về mặt logic không thể lấy một phạm trù với nội dung là sự chấm dứt tội phạm do nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người thực hiện hành vi (giai đoạn chuẩn bị phạm tội và giai đoạn phạm tội chưa đạt) để làm điều kiện xác định một phạm trù với nội dung là sự chấm dứt việc phạm tội theo ý chí của người thực hiện hành vi (tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội).
Bởi vậy, chúng tôi cho rằng nên lập luận là điều kiện của sự tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là sự tự ý chấm dứt việc phạm tội phải xảy ra trong quá trình một người có hành vi chuẩn bị phạm tội (hành vi chuẩn bị chứ không phải là giai đoạn chuẩn bị) hoặc đã bắt tay vào việc thực hiện ý định phạm tội nhưng trước khi hành vi của người đó thỏa mãn tất cả các dấu hiệu của một CTTP cụ thể, chứ không nên đưa phạm trù giai đoạn chuẩn bị phạm tội và giai đoạn phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành làm điều kiện để xác định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, để cho rằng sự tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải xảy ra ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành.
Thuộc nhóm này có quan điểm: khái niệm chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt được dùng và hiểu theo hai nghĩa khác nhau. Một là, theo quy định tại Điều 15 BLHS năm 1985 chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt là những trường hợp phạm tội chưa hoàn thành do nguyên nhân ngoài ý muốn. Hai là, chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt dùng để chỉ các mức độ thực hiện tội phạm. Để có khái niệm thống nhất trong luật hình sự cũng như trong khoa học luật hình sự về các giai đoạn thực hiện tội phạm, BLHS Việt Nam nên quy định chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt theo nghĩa thứ hai. Điều đó cũng có nghĩa không nên quy định nguyên nhân ngoài ý muốn là dấu hiệu bắt buộc của CTTP của hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Theo hướng này, hành vi đã thực hiện của người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội cũng được coi là chuẩn bị phạm tội hay phạm tội chưa đạt. Nguyên nhân dừng lại của tội phạm nên được quy định là căn cứ để áp dụng hoặc miễn TNHS.
Hai quan điểm trên tuy có sự khác nhau nhưng họ đều cho rằng không thể áp dụng giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt làm điều kiện về thời điểm của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, bởi hai trường hợp trên có nguyên nhân dừng lại khác nhau. Chúng tôi đồng tình với hai quan điểm trên về việc không nên áp dụng phạm trù giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành làm điều kiện về thời điểm của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Mà ta nên căn cứ vào mức độ thể hiện tính chất của hành vi phạm tội để quy định một điều luật chung cho cả ba trường hợp trên, đó là quy định về tội phạm chưa hoàn thành. Do đó, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần sớm hướng dẫn cụ thể vấn đề này để tạo ra cách hiểu thống nhất cả trong lý luận và thực tiễn áp dụng.
Xung quanh cụm từ “không thực hiện tội phạm đến cùng”, vậy thực hiện đến cùng là đến cùng so với cái gì? Ở đây chúng ta cần phải hiểu thực hiện đến cùng là so với mục đích, hành vi phạm tội theo ý tưởng của người phạm tội, chứ không phải là so với các dấu hiệu trong CTTP (tội phạm hoàn thành). Nghĩa là phải hiểu không thực hiện tội phạm đến cùng theo hai trường hợp:
Thứ nhất, người phạm tội chưa thực hiện hết các hành vi để đạt được mục đích theo ý tưởng phạm tội thì các hành vi mà họ đã thực hiện đã đủ các dấu hiệu trong mặt khách quan của tội phạm, tức tội phạm đã hoàn thành.
Thứ hai, người phạm tội chưa thực hiện hết các hành vi cho là cần thiết, mục đích phạm tội chưa đạt được và tội phạm chưa hoàn thành.
Theo quan điểm của chúng tôi chỉ có trường hợp thứ hai được coi là điều kiện của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Bởi mục đích của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là khuyến khích người đang có hành vi chuẩn bị phạm tội hoặc đã bắt tay vào việc thực hiện tội phạm chấm dứt hành vi phạm tội để hưởng lượng khoan hồng của Nhà nước. Đồng thời, góp phần loại trừ hoặc hạn chế những thiệt hại gây ra cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Do vậy, chỉ khi hành vi của người phạm tội chưa thể hiện tính nguy hiểm của tội phạm đối với xã hội thì mới thỏa mãn mục đích của chế định này cơ hội để hạn chế hay loại trừ tính nguy hiểm trên.
Khi một người phạm tội tự nguyện chấm dứt việc thực hiện tội phạm ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội thì các ý kiến đều thống nhất là sự chấm dứt đó được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Bởi ở giai đoạn này người phạm tội mới chỉ chuẩn bị công cụ phương tiện và tạo ra các tiền đề vật chất và tinh thần cho việc thực hiện tội phạm, chưa xâm hại tới khách thể của tội phạm nên chưa có hậu quả xảy ra. Vậy ở giai đoạn này tính chất nguy hiểm cho xã hội còn thấp, nếu người phạm tội dừng hành vi phạm tội ở đây thì hoàn toàn có thể loại trừ hoặc hạn chế được hậu quả xảy ra.
Cũng tương tự như giai đoạn chuẩn bị phạm tội, khi người phạm tội đang bắt tay vào việc thực hiện tội phạm nhưng chưa thực hiện hết các hành vị cho là cần thiết, khi đó họ quyết định không thực hiện tiếp tội phạm thì cũng được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm ở giai đoạn này nghiêm trọng hơn giai đoạn chuẩn bị phạm tội.
Như đã phân tích ở trên, chúng ta thấy khi người phạm tội tự nguyện chấm dứt việc phạm tội một cách tự nguyện, dứt khoát ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành thì được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Vậy khi họ dừng lại ở giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành thì lại không được coi là thời điểm của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Xét cả ý chí và tính chất của hành vi phạm tội của người phạm tội thì họ đã thực hiện hết các hành vi cho là cần thiết, tính nguy hiểm của tội phạm đã được bộc lộ hết, hậu quả của tội phạm xảy ra hay không chỉ còn là vấn đề thời gian mà không cần phải thực hiện thêm một hành vi nào khác. Khi đó người phạm tội dừng việc thực hiện tội phạm thì hậu quả vẫn xảy ra. Nếu hậu quả không xảy ra thì đó chỉ là do nguyên nhân khách quan tác động và trường hợp này được coi là phạm tội chưa đạt, người phạm tội phải chịu TNHS về tội phạm chưa đạt.
Nhưng trên thực tế có trường hợp người phạm tội đã thực hiện hết các hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả, người phạm tội đã tự nguyện có hành động tích cực ngăn chặn không cho hậu quả xảy ra và do đó hậu quả đã không xảy ra. Có một số quan điểm khác nhau về trường hợp trên:
Quan điểm thứ nhất, hành vi chủ động ngăn chặn không cho hậu quả tội phạm xảy ra hoặc tự động khôi phục lại tình trạng cũ, hoặc hành vi tự thú sau khi tội phạm đã hoàn thành đều không được thừa nhận là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, nhưng những trường hợp này đều được cân nhắc để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đồng tình với nhóm quan điểm này một nhà khoa học đưa ra ví dụ để minh họa:
Ví dụ: do mâu thuẫn vì lối đi chung, Nguyễn Văn T và Đỗ Quang S đã nảy sinh mâu thuẫn. T nung nấu ý định trả thù. Một lần, thấy S đang nấu cơm canh dưới bếp, đợi S đi ra ngoài, T bèn lén treo tường sang đổ một lọ thủy ngân đặc vào nồi canh để trả thù S. S về không biết, trong khi ăn uống S kêu la rất to. Thấy vậy, T bèn chạy sang đưa S đi cấp cứu ở bệnh viện. Do được cứu chữa kịp thời nên S không chết mà chỉ bị thương nặng tổn hại sức khỏe 57%. Như vậy, ở đây hành vi của T không thể coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Bởi lẽ, việc T chạy sang đưa S đi cấp cứu ở bệnh viện chỉ sau khi T đã thực hiện xong hành vi phạm tội nên việc đưa S đi cấp cứu và S không chết chỉ bị thương nặng (57%) chỉ coi là tình tiết giảm nhẹ TNHS, chứ không thể coi đây là hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội để miễn TNHS.
Quan điểm thứ hai: nếu sau khi thực hiện tất cả các hành vi cần thiết để gây ra hậu quả, kẻ phạm tội lại hối hận, lo sợ bị trừng phạt nên đã có hành vi tích cực ngăn chặn không cho hậu quả xảy ra và hậu quả đã không xảy ra. Trong trường hợp này không thể coi là trường hợp của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo Điều 19 mà chỉ có thể áp dụng khoản 1 Điều 48 BLHS cho người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.
Quan điểm thứ ba: khi một người đã thực hiện được hết những hành vi mà người đó cho là cần thiết để thực hiện tội phạm, để gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng giữa hành vi mà người đó thực hiện với hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi đó gây ra còn có một khoảng thời gian nhất định. Trong khoảng thời gian này người đó lại có hành động tích cực để ngăn chặn hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra và hậu quả đó đã được ngăn ngừa, tội phạm đã không hoàn thành được, thì cần phải coi người đó là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, vì hành vi mà người đó thực hiện thỏa mãn điều kiện của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Điều kiện đó là: Trước khi chấm dứt việc phạm tội hành vi mà người đó thực hiện chưa thỏa mãn được tất cả các dấu hiệu của một CTTP cụ thể và sự chấm dứt việc phạm tội khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng là do người đó tự nguyện quyết định tuy không có gì ngăn cản.
Quan điểm thứ tư: trường hợp sau khi người phạm tội đã thực hiện tất cả những hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả, người phạm tội đã tự nguyện có hành động tích cực ngăn chặn không cho hậu quả xảy ra và do đó hậu quả đã không xảy ra. Tương tự với trường hợp này là trường hợp người phạm tội tuy đã có hành động tích cực để ngăn chặn hậu quả nhưng hậu quả không xảy ra không phải do hành động đó mà do nguyên nhân khác. Người phạm tội trong trường hợp này cho rằng nếu không có hành động tích cực ngăn chặn thì hậu quả sẽ xảy ra. Nhưng trên thực tế hậu quả của tội phạm đã không xảy ra mà không cần đến sự tác động của hành động đó. Ví dụ: người phạm tội không hề biết tội phạm mà họ thực hiện là trường hợp chưa đạt vô hiệu, nên không thể gây ra hậu quả hoặc tội phạm đã bị người khác phát hiện và ngăn chặn… Để tăng cường vai trò phòng ngừa của luật hình sự cũng như để khuyến khích người phạm tội ngăn chặn không để cho hậu quả của tội phạm xảy ra, nên mở rộng chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội với cả hai trường hợp này.
Như vậy các quan điểm trên có thể chia làm hai nhóm: nhóm thứ nhất không coi trường hợp người phạm tội đã thực hiện tội phạm ở giai đoạn tội phạm chưa đạt đã hoàn thành đã có hành vi tích cực không cho hậu quả của tội phạm xảy ra là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Họ cho rằng người phạm tội chỉ được giảm nhẹ TNHS hoặc được miễn TNHS theo Điều 48 BLHS năm 2019. Nhóm thứ hai cho rằng đây là trường hợp tương tự của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
Theo chúng tôi cả hai nhóm quan điểm trên đều có điểm hợp lý. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu đấu tranh và phòng ngừa tội phạm của Luật hình sự Việt Nam, nhằm khuyến khích sự tự giác hơn nữa của người phạm tội theo chúng tôi quan điểm thứ hai có phần hợp lý và phù hợp hơn vì những lý do sau:
Thứ nhất, xét về ý chí thực hiện tội phạm của chủ thể, trong trường hợp này chủ thể đã thực hiện hết các hành vi cho là cần thiết để đạt được mục đích đặt ra, tức là chủ thể không cần phải có những hành vi gì tiếp theo thì hậu quả vẫn xảy ra. Vì vậy, trong trường hợp này nếu chủ thể dừng lại ở đây thì hậu quả của tội phạm chắc chắn sẽ xảy ra và tội phạm hoàn thành hoặc nếu không xảy ra do nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của chủ thể, trong trường hợp này thì tội phạm sẽ dừng lại ở giai đoạn tội phạm chưa đạt và chủ thể phải chịu TNHS về tội phạm chưa đạt. Tuy nhiên, trên thực tế có những trường hợp sau khi đã thực hiện hết các hành vi cho là cần thiết nhưng hậu quả của tội phạm chưa xảy ra và chủ thể đã có những hành động tích cực để ngăn chặn không cho hậu quả xảy ra và hậu quả của tội phạm đã không xảy ra. Trong trường hợp này, chủ thể đã thể hiện thái độ ăn năn hối cải và dứt khoát từ bỏ ý định thực hiện tội phạm đến cùng từ đó đã có những hành vi để ngăn chặn không cho hậu quả của tội phạm xảy ra.
Thứ hai, xét về tính nguy hiểm của hành vi: mặc dù người phạm tội đã thực hiện hết hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả, tuy nhiên do họ đã có những hành vi ngăn chặn không cho hậu quả của tội phạm xảy ra và cuối cùng hậu quả đã không xảy ra. Vì vậy, xét về mặt hành vi thì tội phạm chưa hoàn thành, chưa thể hiện đầy đủ tính nguy hiểm của loại tội định phạm.
Về chính sách hình sự, pháp luật hình sự luôn thể hiện chính sách nhất quán đó là khoan hồng đối với người ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục, hạn chế thiệt hại do hành vi của mình gây ra. Trong trường hợp này người phạm tội đã có những hành động tích cực để ngăn chặn hậu quả của tội phạm, chứng tỏ sự ăn năn hối cải, khả năng cải tạo và giáo dục của họ.
Như vậy, so với trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, thì trường hợp này cũng có những dấu hiệu tương tự. Mặc dù chủ thể đã thực hiện hết hành vi cho là cần thiết, nhưng ngược lại họ đã có hành vi tích cực ngăn chặn không cho hậu quả của tội phạm xảy ra và hậu quả của tội phạm đã được ngăn chặn. Vì vậy, theo chúng tôi nên coi đây là một trường hợp tương tự như trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội và miễn TNHS cho người phạm tội.
Trong thực tiễn xét xử khi gặp những trường hợp này các cơ quan có thẩm quyền đã không áp dụng chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội cho người phạm tội mà vẫn xét xử và buộc họ phải chịu TNHS về tội phạm chưa đạt. Cụ thể:
Vụ án thứ nhất: khoảng 20h ngày 17/5/2001, Mai Văn Dự (22 tuổi) đi xe đạp từ xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái về nhà anh Tình ở thôn 5, xã Trúc Lâu, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái (cách nhà Dự 20m) để xem ti vi. Lúc này chị Lương Thị Len (vợ anh Dự) cũng đang xem ti vi tại đó khoảng 24h cùng ngày, Dự và chị Len ra về. Chi len đi bộ còn Mai Văn Dự đi xe đạp đến nhà anh Mai Văn Nghinh để trả xe. Khi về đến nhà, Dự tắt đèn lên giường nằm cạnh vợ. Thấy vợ chưa ngủ lại thở dài với thái độ bực bội nên Mai Văn Dự hỏi: “Em có chuyện gì phải không?”. Chị Len trả lời: “Không có chuyện gì”. Rồi quay mặt vào vách. Dự tức giận hỏi: “Vợ chồng mình có chuyện gì sao em không nói?”. Chị Len bực tức trả lời: “Em chán cuộc sống như thế này lắm rồi”. Dự nghĩ đến bản thân mình bị dị tật bẩm sinh bộ phận sinh dục không đáp ứng nhu cầu sinh lý cho vợ lại do hoàn cảnh khó khăn nên đã vùng dậy bật điện rồi đến vách sát bếp lấy khẩu súng kíp tự chế. Dự nâng súng đến ngang tầm ngực, cách giường nơi chị Len ngủ khoảng 5 mét. Dự nhìn qua màn thấy chị Len nửa nằm nửa ngồi ôm chăn bông. Dự liền bóp cò súng. Súng nổ chị Len bị trúng 13 viên ghém vào đầu, vào mặt, vào cổ. Chị Len vừa khóc vừa kêu cứu. Thấy máu ở cổ chị Len chảy ra nhiều, Mai Văn Dự đã đưa chị Len đi cấp cứu tại trạm xá lâm trường Lục Yên sau đó chị Len được chuyển lên điều trị tại bệnh viện tỉnh Yên Bái từ ngày 18/5/2001 đến 22/5/2001 thì ra viện. Bản giám định thương tích số 49 ngày 22/6/2001 của tổ chức giám định pháp y và kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Yên Bái kết luận: “vết thương phần mềm để lại sẹo, dị tật nhiều, kích thước nhỏ, ảnh hưởng đến cơ năng và thẩm mỹ. Tỷ lệ tổn hại sức khỏe 15%”. (Trích bản án hình sự sơ thẩm số 02/HSST ngày 14/01/2002 của Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái).
Vụ án thứ 2: Do biết vợ mình là Bàn Thị Vượng nhiều lần quan hệ bất chính với Bàn Tòn thiệp người cùng thôn, tối ngày 04/8/2000, thấy vợ đi làm nương không về, Triệu Văn Thọ (31 tuổi) đi tìm. Trước khi đi, Thọ chuẩn bị một dao phay, một đèn pin, một khẩu súng kíp tự chế đã nhồi đạn sẵn. Chuẩn bị xong, Thọ đi lên nương thuộc khu vực thôn Tà Lành, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Khoảng 21h cùng ngày, Thọ đến lán nhà ông Bàn Phúc Tiến. Khi đến lán, Thọ phát hiện có tiếng người chạy ra, Thọ soi đèn pin thì thấy Bàn Tòn Chiệp và Bàn Thị Vượng. Thọ hỏi Chiệp: “Mày làm gì ở đây?”. Chiệp trả lời: “Tao đi chơi”. Thọ hỏi lại: “Mày đi chơi với ai? Chơi với vợ tao à?”. Chiệp không trả lời mà lấy một đoạn gậy gỗ dài khoảng 1m chọc về phía Thọ. Thọ giương súng lên, tay trái cầm đèn pin hướng nòng súng về phía Chiệp bóp cò. Súng nổ, đạn trúng vào ngực trái Chiệp làm thiệp ngã tại chỗ. Thọ nạp đạn đuổi theo Vượng bắn một phát lên trời. Sau đó, Thọ quay lại chỗ Chiệp, thấy Chiệp chảy máu ở bụng, Thọ liền chạy về báo cáo Công an xã và dẫn lực lượng xung kích đến chỗ Chiệp bị bắn đưa Chiệp đi cấp cứu tại bệnh viện thị xã Nghĩa Lộ, còn Thọ thì đến UBND xã Nậm Lành tự thú. Tại bản giám định pháp y số 33, ngày 5/10/2000 của Tổ chức giám định pháp y khu vực phía tây kết luận: “Bàn Tòn Chiệp bị tổn hại 10% sức khỏe”. (Trích: Bản án hình sự sơ thẩm số 42/HSST ngày 23/5/2001 của
Hai vụ án trên Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái đã xét xử các bị cáo về tội giết người chưa đạt và không coi đây là trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Qua tìm hiểu công tác xét xử tại các Tòa án khác với các vụ án tương tự như trên, các Tòa án đều kết luận là bị cáo phạm tội giết người chưa đạt. Qua nghiên cứu hai vụ án trên ta thấy, sau khi chủ thể đã thực hiện hết các hành vi cần thiết để gây ra hậu quả, giữa hành vi và hậu quả vẫn còn một khoảng thời gian thì chủ thể vẫn có sự lựa chọn: một là, để mặc cho hậu quả xảy ra; hai là, tác động thêm vào để cho hậu quả xảy ra nhanh hơn; ba là, có những hành động tích cực ngăn chặn không cho hậu quả xảy ra. Trong hai vụ án trên chủ thể đã lựa chọn xử sự thứ ba và đã ngăn chặn được hậu quả chết người xảy ra. Điều này chứng tỏ chủ thể đã thực sự ân hận và hối cải. Bởi vậy, để khuyến khích hơn nữa hành vi tích cực ngăn chặn hậu quả xấu cho xã hội chúng ta nên quy định áp dụng tương tự chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, miễn TNHS cho người đã thực hiện hành vi phạm tội và Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này khi BLHS chưa quy định.
3. Điều kiện để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của những người đồng phạm:
Một vấn đề đặt ra có ý nghĩa thực tiễn là trong vụ án đồng phạm, điều kiện của sự tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của những người đồng phạm có khác gì so với điều kiện của sự tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong trường hợp tội phạm do một người thực hiện?
Có quan điểm cho rằng “Đối với người tổ chức, người xúi giục và người giúp sức, việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải được thực hiện trước khi người thực hành bắt tay vào việc thực hiện tội phạm và phải có những hành động tích cực làm mất tác dụng của những hành vi trước đó của mình, để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm”.
Thuộc nhóm quan điểm này có người cho rằng để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội những dạng người đồng phạm khác (ngoài người thực hành) phải thỏa mãn hai điều kiện trong đó có điều kiện về thời điểm chấm dứt việc phạm tội đó là:
Sự tự ý của người đồng phạm phải xảy ra trước khi người thực hành trực tiếp bắt tay vào việc thực hiện tội phạm, vì nếu như kẻ thực hành đã bắt tay vào việc thực hiện tội phạm thì sự tự ý của những người đồng phạm không còn tác dụng làm mất tính nguy hiểm cho xã hội mà tội phạm đã gây ra và chính vì vậy mà sự tự ý đó không còn ý nghĩa nữa.
Quan điểm khác lại cho rằng:
Không những trước khi người thực hành bắt tay vào việc thực hiện tội phạm mà cả sau khi người đó đã bắt tay vào việc thực hiện tội phạm nếu người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức lại có những hành động tích cực để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm, tội phạm do được ngăn chặn, đã không hoàn thành được thì đều được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
Qua nghiên cứu các quan điểm trên, chúng tôi đồng tình quan điểm cho rằng đối với người tổ chức, người giúp sức, người xúi giục được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội ngay cả khi người thực hành đã bắt tay vào việc thực hiện tội phạm, chỉ cần họ có những hành động tích cực để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm của người thực hành và trên thực tế đã ngăn chặn được tội phạm. Bên cạnh đó Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 19/4/1989 hướng dẫn về điều kiện của sự tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của người giúp sức là: “Nếu sự giúp sức của người giúp sức đang được những người đồng phạm khác sử dụng để thực hiện tội phạm, thì người giúp sức cũng phải có những hành động tích cực như đã nêu ở trên đối với người xúi giục, người tổ chức để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm”.
Đối với người tổ chức, người xúi giục và người giúp sức thì vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội có nhiều điểm khác so với người thực hành, quá trình thực hiện tội phạm họ không tự mình mà phải thông qua người thực hành để thực hiện hành vi được mô tả trong CTTP. Hoạt động này của họ luôn là tiền đề, là điều kiện hỗ trợ cho hoạt động phạm tội của người thực hành. Những người này có thể từ bỏ ý định phạm tội trong khi người thực hành vẫn thực hiện tội phạm đến cùng theo kế hoạch đã vạch ra. Chính vì thế, người tổ chức, người xúi giục và người giúp sức chỉ được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội khi thỏa mãn hai điều kiện: thứ nhất, họ phải chấm dứt việc phạm tội trước khi người thực hành thực hiện tội phạm; thứ hai, họ phải có những hành động tích cực làm mất tác dụng của những hành vi trước đó của mình để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm.
Như vậy có thể nói việc phân hóa trách nhiệm hình sự đã góp phần tạo ra đường lối xử lý đối với các trường hợp phạm tội khác nhau, đối với các nhóm chủ thể thực hiện tội phạm khác nhau và là cơ sở để tiến hành cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong áp dụng pháp luật hình sự. Khi tiến hành cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong các trường hợp có đồng phạm tham gia người áp dụng pháp luật cần phải sử dụng các quy phạm pháp luật đã được xây dựng theo nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự để giải quyết trách nhiệm hình sự cho từng trường hợp phạm tội cụ thể.
Trong đồng phạm điều kiện để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội giữa những người đồng phạm là không giống nhau. Đối với người thực hành thì giống với trường hợp phạm tội riêng lẻ, trong trường hợp đồng thực hành thì người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải có những hành động tích cực ngăn chặn việc những người đồng phạm khác thực hiện tội phạm trên cơ sở những hành động trước đó của họ. Đối với những người đồng phạm khác thì họ phải có những hành động tích cực ngăn chặn việc người thực hành thực hiện tội phạm và đã ngăn chặn được tội phạm mà không kể người thực hành đã bắt tay vào việc thực hiện tội phạm hay chưa.