Thực trạng việc áp dụng, hủy bỏ các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt của Viện kiểm sát hiện nay có những ưu điểm hạn chế gì?
Đối với các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được áp dụng, Viện kiểm sát nhân dân phải đảm bảo kiểm sát chặt chẽ và phải chắc chắn các biện pháp áp dụng chỉ có thể là một trong ba biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật; Nghe điện thoại bí mật; Thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Viện kiểm sát cũng cần kiểm tra quyết định khởi tố vụ án để đảm bảo các biện pháp trên được thực thi đúng căn cứ.
Trên thực tế để thực hiện việc thu thập chứng cứ, cơ quan điều tra có thể sử dụng cả các biện pháp mang tính trinh sát khác như sử dụng đặc tính, trinh sát nội tuyến, trinh sát ngoại tuyến, đặc biệt là hình thức khám xét bí mật và thu thập thông tin qua thư tín, điện tín. Các biện pháp này về nguyên tắc kết quả không được coi là chứng cứ do không đảm bảo thuộc tính hợp pháp, bên cạnh đó đây cũng là các biện pháp rất dễ bị lạm dụng và áp dụng cùng với các biện pháp mà pháp luật cho phép nêu trên. Vì vậy, trong quá trình kiểm sát các chủ thể kiểm sát phải chú ý các chi tiết này, đảm bảo cho việc chứng cứ thu thập có thể được sử dụng và đảm bảo tính hợp pháp của các chứng cứ.
Sau khi kiểm tra tài liệu, chứng cứ, đối chiếu với quy định tại Điều 223, Điều 224, Điều 225, Điều 226 BLTTHS năm 2015 về thẩm quyền, đối tượng, điều kiện áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt với từng trường hợp, Kiểm sát viên báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng quyết định việc phê chuẩn Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt nếu có đủ căn cứ và hoàn trả hồ sơ ngay cho CQĐT. Trường hợp chưa rõ căn cứ thì ra văn bản yêu cầu CQĐT bổ sung tài liệu, chứng cứ làm rõ để xem xét, quyết định việc phê chuẩn. Nếu thấy đủ căn cứ để áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và cần thiết phải áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, nhưng CQĐT không ra quyết định thì Kiểm sát viên thụ lý giải quyết vụ án báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng quyền ra văn bản yêu cầu CQĐT ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Khi kiểm sát các trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, Viện kiểm sát cần đảm bảo các tội phạm đang được tiến hành phải là một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; hoặc tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, Viện kiểm sát cần kiểm tra kỹ quyết định khởi tố vụ án, đối chiếu dấu hiệu của tội phạm với các tội danh được quy định trong BLHS để làm căn cứ phê chuẩn. Cần lưu ý đối với trường hợp khi đang tiến hành áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong loại tội này mà phát hiện ra các thông tin liên quan đến các tội phạm khác không thuộc đối tượng áp dụng, thì các thông tin đó cũng không được sử dụng để làm chứng cứ giải quyết trong các vụ án đó. Kiểm sát viên thụ lý vụ án cần nghiên cứu kỹ quy định của BLHS về các tội phạm có tổ chức để thuận tiện cho việc kiểm sát và yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục nếu có vi phạm.
Để kiểm sát được vấn đề này, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra cấp trên (trong những trường hợp này sẽ là cơ quan điều tra ở cấp trung ương) cần nghiên cứu để đảm bảo thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ có thể được ban hành bởi thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên, bản thân các Điều tra viên không có thẩm quyền này.
Bên cạnh đó trong trường hợp thấy cần thiết và đủ căn cứ chính Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu cũng có quyền yêu cầu thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Bên cạnh đó Viện kiểm sát cần chú ý nếu vụ án do Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực thụ lý thì thẩm quyền ban hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cũng vẫn thuộc về Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu, bản thân Cơ quan điều tra cấp huyện, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự khu vực chỉ có thẩm quyền đề nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu xem xét và quyết định áp dụng. Nếu vi phạm các căn cứ về thẩm quyền nêu trên thì theo chức năng, nhiệm vụ của mình Viện kiểm sát cương quyết không phê chuẩn, cơ quan điều tra cấp trên cũng cần kịp thời có văn bản yêu cầu không được thi hành hoặc làm lại quyết định để đảm bảo đúng thẩm quyền.
Viện kiểm sát cần kiểm sát chặt chẽ Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Kiểm tra các thông tin ghi trong quyết định, trong đó các nội dung buộc phải có như thông tin cần thiết về đối tượng bị áp dụng (tên, ngày tháng năm sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp v.v…), tên biện pháp được áp dụng (ghi âm, ghi hình bí mật hay thu thập bí mật dữ liệu điện tử hay áp dụng đồng thời nhiều biện pháp), trong quyết định phải thể hiện rõ thời hạn, địa điểm áp dụng, cơ quan tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và các nội dung như số, ngày, tháng, năm, địa điểm ban hành văn bản, căn cứ ban hành, nội dung của văn bản tố tụng, họ tên, chức vụ, chữ ký của người ban hành và đóng dấu. Nếu không đáp ứng các nội dung trên thì cần lập tức yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung đầy đủ.
Bên cạnh đó Viện kiểm sát và cơ quan điều tra cấp trên cần chú ý kiểm sát chặt chẽ chính lực lượng trực tiếp tiến hành các biện pháp này trên thực tế. Do yêu cầu đảm bảo giữ bí mật điều tra, do đó luật chỉ cho phép các lực lượng chuyên trách trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Nếu có vi phạm cần yêu cầu khắc phục kịp thời. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định không được tiết lộ bí mật của hoạt động điều tra, do đó trong hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt càng cần phải đảm bảo yếu tố bí mật.
Những tài liệu về vụ án chỉ được
Tuy nhiên trên thực tế có thể thấy, đây là các biện pháp đặc thù, để vận hành tốt cần nhiều người có kiến thức chuyên môn như các kỹ sư tin học, chuyên gia ghi âm ghi hình để đảm bảo chất lượng âm thanh, hình ảnh, các chuyên gia sử dụng phần mềm nghe lén, hoặc có hiểu biết về nghiệp vụ viễn thông.
Do đó trong điều kiện các biện pháp này mới được triển khai có thể lực lượng điều tra cần nhờ sự giúp đỡ bên ngoài, tuy nhiên để đảm bảo quy định của pháp luật về thẩm quyền áp dụng, nhất thiết đòi hỏi phải có sự ràng buộc giữa cơ quan điều tra và những người này có thể theo cơ chế ủy quyền hoặc hợp đồng bằng cách hình thức hợp pháp kèm theo cam kết về việc giữ bí mật điều tra. Nếu Viện kiểm sát và cơ quan điều tra cấp trên thấy có căn cứ chứng tỏ Thủ trưởng Cơ quan điều tra và người thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt không giữ bí mật thì tùy theo quy định của pháp luật có thể yêu cầu hoặc ra quyết định thay đổi người vi phạm hoặc ra quyết định hủy bỏ việc áp dụng.
Đối với việc hủy quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Điều 228 BLTTHS năm 2015 quy định Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải kịp thời hủy bỏ quyết định đó khi thuộc một trong các trường hợp: Có đề nghị bằng văn bản của Thủ trưởng Cơ quan điều tra có thẩm quyền; Có vi phạm trong quá trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt: Không cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Do đó việc hủy bỏ của Viện kiểm sát cũng thể hiện tính “thẩm định đúng sai” trong hoạt động của cơ quan điều tra, đặc biệt đối với trường hợp phát hiện có vi phạm trong quá trình áp dụng.
Điều này cho thấy, bằng cơ chế kiểm sát của mình, VKSND sẽ thực hiện tốt chức năng của mình trong quá trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Cơ chế kiểm soát của VKSND góp phần đảm bảo việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt luôn khách quan, chính xác, đúng trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định.
Do đây là biện pháp cần đảm bảo tuyệt đối bí mật khi triển khai, do đó, trên thực tế, hoạt động kiểm sát chủ yếu được thực hiện thông qua kiểm tra hồ sơ, việc kiểm tra hồ sơ này có thể giúp cho KSV biết rõ được quá trình thực hiện thủ tục, biện pháp áp dụng, qua đó, thu thập các vi phạm từ việc nghiên cứu hồ sơ để có cơ sở chắc chắn chứng minh vi phạm là có thật. Đối với việc thu thập, bảo quản các chứng cứ thu được từ áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, VKS phải kiểm sát hoạt động nghiệp vụ, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc nghiệp vụ điều tra, việc bảo quản chứng cứ phải đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật.
Với các chứng cứ đặc thù tồn tại ở dạng âm thanh, hình ảnh, dữ liệu điện tử nên việc thu thập và bảo quản cũng phải tuân thủ theo các quy trình hết sức đặc biệt. Trước tiên, các phương tiện ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật phải đảm bảo chất lượng và có độ ổn định cao. Đối với âm thanh thu được, phải đủ các điều kiện về âm lượng, giảm thiểu tối đa độ nhiễu, ồn, phải có căn cứ để khi giám định xác định được vận tốc, cường độ, trường độ, nhịp cộng hưởng, âm sắc….
Đối với hình ảnh, VKS phải kịp thời nhắc nhở CQĐT đảm bảo chất lượng hình ảnh, kích thước, độ rõ nét, góc quay… và đặc biệt, phải đảm bảo về thời lượng của đoạn ghi âm, ghi hình để thuận lợi trong việc so sánh với các mẫu so sánh khi tiến hành giám định.
Đối với việc thu thập bí mật dữ liệu điện tử, cần đảm bảo kiểm sát để khẳng định dữ liệu là có thật, tồn tại khách quan, có nguồn gốc rõ ràng, không bị làm cho sai lệch, biến dạng, đã được tìm thấy và đang lưu trên máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng, USB, ổ cứng di động, đĩa quang, email, website, điện toán đám mây, account (tài khoản), nickname (bí danh) của đối tượng, server (máy chủ) của nhà cung cấp dịch vụ internet … Kiểm sát chặt chẽ để máy tính, máy điện thoại, email, USB, đĩa CD/DVD, dữ liệu thu từ máy chủ, chặn thu trên đường truyền… phải được ghi vào biên bản, niêm phong theo đúng quy định, không bị tác động làm thay đổi dữ liệu kể từ khi thu giữ hợp pháp và không thể can thiệp để thay đổi.
Quá trình phục hồi dữ liệu điện tử phải đảm bảo việc phục hồi, tìm kiếm chỉ được thực hiện trên bản sao; kết quả phục hồi, tìm kiếm phải chuyển sang dạng có thể đọc, nghe hoặc nhìn được. Dữ liệu điện tử khi được thu thập, phục hồi và phân tích phải có ý nghĩa trong việc xác định có hay không có hành vi phạm tội; thời gian, địa điểm xảy ra vụ việc, phương thức, thủ đoạn gây án; công cụ, phương tiện gây án; số lượng, trình độ của đối tượng tham gia gây án, là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng kế hoạch điều tra tội phạm, xác định chứng cứ … Vì vậy, phục hồi, tìm kiếm dữ liệu là hoạt động rất quan trọng cần phải được thực hiện và kiểm sát một cách chặt chẽ.