Vai trò của Viện kiểm sát khi tham gia phiên tòa sơ thẩm, phiên họp giải quyết việc dân sự. Những trường hợp nào có sự tham gia của Viện kiểm sát?
Mục lục bài viết
1. Các trường hợp VKS tham gia phiên tòa sơ thẩm dân sự:
Việc thực hiện kiểm sát xét xử tại phiên tòa là hoạt động thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình tiến hành tố tụng dân sự và đường lối giải quyết vụ án tại phiên tòa. Do vậy, nhiệm vụ của kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa bao gồm:
Thứ nhất, kiểm sát toàn bộ hoạt động tố tụng và việc thực hiện pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhằm đảm bảo việc xét xử đúng pháp luật, nghiêm minh, kịp thời.
Thứ hai, kiểm sát những hoạt động tố tụng dân sự của các đương sự và những người tham gia tố tụng nhằm bảo đảm việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ, qua đó hỗ trợ cho hoạt động xét xử của Tòa án.
Trước khi BLTTDS 2004 được ban hành, theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2002 và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thì VKS có thể tham gia tất cả các phiên tòa. Khi BLTTDS 2004 ra đời, thì có một sự thay đổi to lớn so với các quy định về tố tụng dân sự trước đây. Chính là việc hạn chế phạm vi tham gia phiên tòa của VKSND.
Trước 01/01/2012, theo quy định tại khoản 2 Điều 21 BLTTDS 2004 thì:
Viện kiểm sát nhân dân tham gia các phiên tòa đối với những vụ án do Tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại, cá việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, các vụ việc dân sự mà Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án. Theo đó, VKSND chỉ tham gia phiên tòa với những vụ án dân sự do Tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại. Tuy nhiên, từ thực tiễn thi hành cho thấy các quy định của BLTTDS 2004 về sự tham gia của VKS trong tố tụng dân sự có những hạn chế, bất cập, chưa tạo điều kiện cho VKS thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức VKSND lúc bấy giờ.
Đặc biệt, trong điều kiện của Việt Nam khi mà trình độ dân trí còn chưa cao, người dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự mình chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án, chưa có điều kiện mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đội ngũ luật sư cũng chưa đáp ứng được yêu cầu tham gia tất cả các phiên tòa. Xét thực trạng hệ thống pháp luật nước ta còn nhiều bất cập, quản lý hành chính Nhà nước còn nhiều sơ hở, hoạt động bổ trợ tư pháp chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, năng lực, trình độ của bộ phận không nhỏ các cán bộ tư pháp còn hạn chế so với yêu cầu cải cách tư pháp. Thực tiễn tố tụng tại Tòa án cho thấy có nhiều vụ việc giải quyết còn chưa đảm bảo tính khách quan, đúng đắn, gây bức xúc khiếu kiện kéo dài. Khoản 2 Điều 21 BLTTDS 2015 quy định:
Viện kiểm sát tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật này.
Theo quy định tại Điều 26, Điều 28, Điều 30 và Điều 32 BLTTDS năm 2015 Tòa án có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động. Tuy nhiên, VKSND không tham gia tất cả các phiên tòa sơ thẩm giải quyết tranh chấp dân sự mà chỉ tham gia trong những trường hợp do pháp luật quy định, gồm: vụ án dân sự do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ theo quy định tại Chương VII của BLTTDS năm 2015; vụ án dân sự có đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công công; vụ án dân sự có đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở, vụ án dân sự có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 BLTTDS: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Như vậy, VKSND không tham gia tất cả các phiên tòa sơ thẩm giải quyết vụ án dân sự mà có trách nhiệm tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với những trường hợp do pháp luật quy định. Trong đó:
– Vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ: Trong trường hợp này, bất cứ vụ án dân sự nào Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ thì VKS có trách nhiệm phải tham gia phiên tòa. Việc thu thập theo yêu cầu của đương sự hoặc thu thập theo yêu cầu của VKS hoặc Tòa án tự thu thập khi xét thấy cần thiết. Quá trình thu thập chứng cứ, Tòa án có thể thông qua một hoặc một số biện pháp quy định tại Điều 97 và được quy định cụ thể từ Điều 98 đến Điều 106 BLTTDS 2015.
Quá trình Tòa án sử dụng các biện pháp trên để thu thập chứng cứ nhằm giải quyết vụ án dân sự thường diễn ra phức tạp, rất dễ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều người khác nhau. Về thủ tục tố tụng, khi tiến hành thu thập phải tuân theo quy định của pháp luật như phải ra quyết định, phải thành lập Hội đồng hoặc phải sắp xếp thời gian hợp lý để các đương sự đối chất,… nếu không rất dễ nhận được chứng cứ không đảm bảo, không phản ánh sự thật khách quan, việc đưa chứng cứ này vào giải quyết có thể làm cho kết quả vụ án không chính xác. Vì vậy, VKS cần thiết phải kiểm sát chặt chẽ việc Tòa án sử dụng các biện pháp thu thập này để việc thu thập chứng cứ đảm bảo đúng quy định.
– Vụ án mà đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở.
+ Đối tượng tranh chấp là tài sản công: Tài sản công là tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước tại các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ
chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, được hình thành từ nguồn do ngân sách nhà nước cấp hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Ví dụ: vụ án dân sự tranh chấp về tài sản của một cơ quan nhà nước mà tài sản đó được mua sắm từ nguồn vốn do ngân sách nhà nước. Trong trường hợp này, VKS phải tham gia phiên tòa sơ thẩm.
+ Đối tượng tranh chấp là lợi ích công: Lợi ích công cộng là những lợi ích vật chất hoặc tinh thần liên quan đến xã hội hoặc cộng đồng dân cư. Ví dụ: Vụ án dân sự do đương sự khởi kiện yêu cầu doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại do gây ô nhiễm môi trường. Trong tường hợp này, VKS phải tham gia phiên tòa sơ thẩm.
+ Đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất: Theo quy định của pháp luật, đó là các tranh chấp về quyền sử dụng đất đai (ai là người có quyền).
+ Đối tượng tranh chấp là nhà ở: đây là tranh chấp về sở hữu, đối tượng quyền sở hữu về nhà ở (ai có quyền sở hữu căn nhà).
Tranh chấp về hợp đồng có đối tượng của hợp đồng là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở. Ví dụ: Tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc
– Vụ án có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Theo đó:
+ Người chưa thành niên: Theo điều 21 BLDS 2015 quy định, người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
+ Người mất năng lực hành vi dân sự: Theo Điều 22 BLDS 2015, người mất năng lực hành vi dân sự như sau: Khi một người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
+ Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự: hạn chế năng lực hành vi dân sự là người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đối với người này, Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện (Điều 24 BLDS 2015).
+ Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: Theo Điều 23 BLDS 2015, đó là người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành bị nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
Những người nêu trên đều là những người do có những điều kiện nhất định dẫn đến chưa đủ, bị thiếu hoặc bị mất một phần hoặc toàn bộ năng lực hành vi dân sự. Chính vì vậy, bằng chức năng, nhiệm vụ của mình VKS phải tham gia phiên tòa để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho họ và bảo đảm cho các hoạt động tố tụng diễn ra đúng quy định của pháp luật và công bằng.
– Vụ án dân sự chưa có điều luật để áp dụng: Vụ án chưa có điều luật để áp dụng đó là những vụ án mà người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết những tranh chấp đó chưa có điều luật điều chỉnh. Ví dụ: Tranh chấp về việc bốc mộ, chăm sóc mồ mả hay kiện đòi các giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu, quyền nhân thân, … những tranh chấp này không thuộc quy định tại Điều 26, 28, 30 và Điều 32 BLTTDS, trước đây Tòa án không giải quyết nhưng đến nay cho dù chưa có luật điều chỉnh nhưng Tòa án vẫn phải thụ lý giải quyết. Đối với trường hợp này, VKS bắt buộc phải tham gia phiên tòa.
Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, kể từ khi thụ lý đến khi xét xử sơ thẩm, nếu phát hiện vụ án dân sự thuộc một trong các trường hợp pháp luật quy định phải có VKS tham gia phiên tòa thì Tòa án phải
Để đảm bảo tính vô tư, khách quan thì theo quy định tại Điều 60 BLTTDS 2015 khi tham gia phiên tòa, đại diện VKS có thể bị thay đổi hoặc phải từ chối tham gia tố tụng theo quy định tại Điều 52 BLTTDS trong các trường hợp sau:
– Họ đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự.
– Họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ việc đó.
– Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
– Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
2. Vai trò của Viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm dân sự:
Một trong những nội dung quan trọng của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa sơ thẩm là kiểm sát các hoạt động tố tụng tại phiên tòa của Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và những người tham gia tố tụng khác, chính vì vậy khi thực hiện chức năng nhiệm vụ này đòi hỏi Kiểm sát viên phải tham dự phiên tòa ngay từ trước khi phiên tòa sơ thẩm bắt đầu, tức là từ khi Thư ký Tòa án làm việc theo Điều 22 Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự quy định:
Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng. Kiểm sát viên cần lưu ý đến căn cứ xác định thành phần HĐXX, Thư ký Tòa án có thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hay thay đổi hay không. Nếu phát hiện có những căn cứ thấy rằng Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân hoặc Thư ký Tòa án thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc thay đổi thì Kiểm sát viên phải yêu cầu HĐXX quyết định việc thay đổi người đó hoặc ra quyết định hoãn phiên tòa trong trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án.
Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Kiểm sát viên phải kiểm tra tư cách pháp lý của các đương sự và những người tham gia tố tụng khác theo quy định tại các Điều 68, 75, 77, 79, 81 BLTTDS 2015. Ngoài ra, trong một số vụ án có sự tham gia của người giám định, người phiên dịch mà Kiểm sát viên phát hiện người giám định, người phiên dịch đó thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 80 và khoản 2 Điều 82 BLTTDS 2015 thì Kiểm sát viên yêu cầu HĐXX quyết định việc thay đổi người đó.
Sau giai đoạn bắt đầu phiên tòa, sang phần tranh luận. Kiểm sát viên phải kiểm sát xem trong quá trình tranh tụng HĐXX có tuân thủ đúng thứ tự và nguyên tắc hỏi tại phiên tòa, kiểm sát việc xem xét vật chứng, công bố tài liệu, chứng cứ của vụ án. Còn tại phần xét hỏi, Kiểm sát viên phải tham gia hỏi nhằm kiểm tra chứng cứ, khắc phục vi phạm trong việc hỏi của HĐXX, làm sáng tỏ các tình tiết còn chưa rõ ràng trong vụ án dân sự.
Căn cứ quy định tại Điều 262 BLTTDS 2015, thì sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, theo đề nghị của chủ tọa phiên tòa, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát. Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phải căn cứ vào nội dung diễn biến của phiên tòa, kết hợp với sự chuẩn bị khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và ý kiến của Lãnh đạo Viện kiểm sát để trình bày ý kiến tại phiên tòa. Khi tại phiên tòa có tình tiết mới làm thay đổi nhận định ban đầu của VKS thì Kiểm sát viên cần tự xem xét, kết luận. Nhưng ngay sau phiên tòa, Kiểm sát viên phải báo cáo lãnh đạo viện cấp mình về tình tiết mới đó và ý kiến của mình.
Hiện nay, vấn đề phát biểu ý kiến của kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm còn có quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng Kiểm sát viên chỉ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự mà không có quyền phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Quan điểm thứ hai: Kiểm sát viên không chỉ có quyền phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự mà còn có quyền phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, theo tác giả về bản chất, các trình tự, thủ tục tố tụng và nội dung vụ án có quan hệ biện chứng và thống nhất với nhau. Trường hợp KSV nêu việc tuân theo pháp luật tố tụng của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng mà không gắn với nội dung, quá trình giải quyết vụ án cụ thể, thì đó chỉ là liệt kê việc tuân theo các thủ tục tố tụng chung chung, không gắn với việc giải quyết các vụ án dân sự cụ thể. Do đó, để có bài phát biểu thể hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm của VKS trong tố tụng dân sự, KSV phải nắm vững các nguyên tắc, các quy định của BLTTDS và nội dung vụ án, trên cơ sở đó, xem xét việc Thẩm phán, HĐXX vận dụng các nguyên tắc tố tụng, thực hiện quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của BLTTDS để giải quyết vụ án cụ thể đó như thế nào. Ý kiến của VKS chỉ nhằm giúp cho việc vận dụng pháp luật được tiến hành đúng nhất, giúp Tòa án giải quyết vụ án một cách hợp lý nhất.
Sau phiên tòa, Kiểm sát viên phải yêu cầu Tòa án gửi kịp thời bản án cho Viện kiểm sát theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 269 BLTTDS 2015. Khi kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, nếu phát hiện vi phạm Kiểm sát viên báo cáo với Lãnh đạo viện để xem xét quyết định việc kiến nghị, kháng nghị theo thẩm quyền.