Thực trạng vẽ bậy lên di tích lịch sử tại Việt Nam đã trở thành một vấn nạn và được coi là hành vi "vô văn hóa". Vậy hành vi vẽ bậy lên di tích lịch sử sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Mục lục bài viết
1. Hành vi vẽ bậy lên di tích lịch sử bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Trong những năm vừa qua, có nhiều du khách và người dân tự ý vẽ bậy lên các di tích lịch sử. Vì thế đây đã dần dần trở thành một vấn nạn tại nhiều địa điểm tham quan và du lịch trên địa bàn toàn quốc. Sự việc diễn ra trong một khoảng thời gian dài mặc dù ban quản lý của các khu di tích lịch sử đã đưa ra nhiều quy định khác nhau và đã nhiều lần nhắc nhở du khách nhưng vẫn không thể ngăn chặn được tình trạng này. Nhìn chung thì có thể nói, di tích lịch sử là một trong những hiện vật cần phải được bảo vệ và gìn giữ, hành vi vẽ bậy lên di tích lịch sử là một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Pháp luật hiện nay đã quy định mức xử phạt cụ thể đối với hành vi vẽ bậy lên di tích lịch sử. Căn cứ theo quy định tại Điều 20 của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (sau được sửa đổi tại Nghị định số 129/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo), có quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa. Theo đó thì mức xử phạt đối với hành vi vẽ bậy lên di tích lịch sử được quy định cụ thể như sau:
Thứ nhất, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi viết hoặc vẽ, có hành vi làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử và các khu danh lam thắng cảnh trái quy định của pháp luật nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với những đối tượng có hành vi tuyên truyền hoặc giới thiệu sai lệch về nội dung và giá trị của các khu di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh.
Thứ ba, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với những đối tượng có hành vi kê khai không trung thực và kê khai không đầy đủ trong hồ sơ đề nghị xin cấp giấy phép làm bản sao đối với các di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ tư, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với những đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
– Không đăng ký bảo vật quốc gia với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc không tiến hành hoạt động thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có sự thay đổi về chủ sở hữu bảo vật quốc gia;
– Tẩy xóa hoặc sửa chữa và có hành vi bổ sung làm thay đổi nội dung cơ bản đối với các bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa hoặc các giấy chứng nhận di tích lịch sử văn hóa phi vật thể được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hoặc đã được ghi nhận trong giấy phép bảo vật quốc gia.
Thứ năm, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với những đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
– Làm bản sao đối với các di vật hoặc cổ vật hoặc bảo vật quốc gia không đúng với nội dung được ghi nhận trong giấy phép được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền;
– Có hành vi phổ biến hoặc thực hành sai lệch nội dung di sản văn hóa phi vật thể;
– Tùy tiện đưa vào những yếu tố mới và không phù hợp để làm giảm đi giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể.
Thứ sáu, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với những đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
– Làm hư hại hiện vật được trưng bày trong bảo tàng hoặc di tích lịch sử văn hóa, hư hại danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc đã được đưa vào danh sách kiểm kê di tích thuộc quyền quản lý của địa phương;
– Không có văn bản đồng ý của chủ thể có thẩm quyền đó là chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với di tích cấp tỉnh hoặc không có sự đồng ý bằng văn bản của chủ thể có thẩm quyền đó là bộ trưởng Bộ văn hóa thể thao và du lịch đối với các di tích lịch sử quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt trong quá trình xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị của di tích đó;
– Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa nhằm mục đích trục lợi cá nhân hoặc thực hiện hoạt động mê tín dị đoan trái quy định pháp luật.
Thứ bảy, phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với những chủ thể thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
– Huỷ hoại hoặc làm thay đổi các yếu tố cấu thành nên di tích lịch sử văn hóa và cấu thành danh lam thắng cảnh;
– Có hành vi lấn chiếm đất đai của các khu di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh;
– Sử dụng trái phép di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh;
– Mua bán hoặc trao đổi hoặc vận chuyển trái phép trên lãnh thổ của Việt Nam các di vật là bảo vật quốc gia thuộc các khu di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh có nguồn gốc bất hợp pháp;
– Làm hư hại nghiêm trọng đến hiện vật được trưng bày trong bảo tàng và các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và được đưa vào danh mục kiểm kê di tích thuộc quyền quản lý của địa phương.
Thứ tám, các biện pháp khắc phục hậu quả có thể được áp dụng trong trường hợp này đó là buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi viết bậy, vẽ bậy và làm bẩn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh khi thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật theo như phân tích nêu trên.
Như vậy có thể nói, người có hành vi vẽ bậy lên di tích lịch sử có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo như phân tích nêu trên. Tuy nhiên, mức xử phạt này là mức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, trong trường hợp chủ thể vi phạm là tổ chức thì mức phạt sẽ gấp 02 lần căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (sau được sửa đổi tại Nghị định số 129/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo).
2. Hành vi vẽ bậy lên di tích lịch sử có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Hành vi vẽ bậy lên di tích lịch sử hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hóa căn cứ theo quy định tại Điều 345 của Bộ luật hình sự năm 2015 khi gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và thỏa mãn các cấu thành tội phạm của tội danh tương ứng. Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử – văn hoá, danh lam, thắng cảnh. Đó là hành vi vi phạm quy định liên quan đến việc bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử – văn hoá, danh lam, thắng cảnh như chiếm đoạt, làm sai lệch di tích lịch sử – văn hoá, danh lam, thắng cảnh; đào bới trái phép các địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh; phá hoại, mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử – văn hoá, danh lam, thắng cảnh; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài; khai thác, sử dụng trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, các di tích lịch sử văn hoá, danh lam, thắng cảnh … Điều luật quy định 2 khung hình phạt chính. Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù phạt từ 03 năm đến 07 năm.
3. Hành vi vẽ bậy lên di tích lịch sử có phải hành vi bị nghiêm cấm không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 của Luật di sản văn hóa năm 2013 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với các di tích lịch sử văn hóa. có thể kể đến các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
– Chiếm đoạt hoặc làm sai lệch các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh;
– Có hành vi hủy hoại hoặc dẫn đến nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa lịch sử dưới bất kỳ hình thức nào;
– Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ hoặc xây dựng trái phép đất thuộc di sản văn hóa, lần chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh;
– Mua bán hoặc trao đổi và có hành vi vận chuyển các bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, các di vật và bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp, có hành vi đưa trái phép di vật là bảo vật quốc gia ra nước ngoài trái quy định pháp luật;
– Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa để trục lợi cá nhân, hoặc thực hiện hoạt động mê tín dị đoan và những hành vi khác trái quy định của pháp luật.
Như vậy có thể nói, người nào thực hiện các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về di sản văn hóa, thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm khác nhau mà các chủ thể đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh tương ứng, nếu như gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Theo đó thì, hành vi vẽ bậy lên di sản văn hóa và các di tích lịch sử được xem là hành vi hủy hoại hoặc có nguy cơ gây hủy hoại đến di tích lịch sử đó. Đây được xem là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo như phân tích nêu trên hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Di sản văn hóa năm 2013;
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo;
– Nghị định số 129/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo.