Bạo lực gia đình đã và đang trở thành vấn nạn đáng bị lên án trong xã hội. Thế nhưng nhiều người vẫn có hành vi lợi dụng phòng chống bạo lực gia đình để trục lợi cá nhân. Vậy pháp luật quy định như thế nào về mức xử phạt đối với hành vi này?
Mục lục bài viết
1. Xử phạt hành vi lợi dụng phòng, chống bạo lực gia đình:
Pháp luật hiện nay đã có những quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi lợi dụng phòng chống bạo lực gia đình để phục vụ cho nhu cầu cá nhân trái quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 65 của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, có quy định về mức xử phạt đối với hành vi lợi dụng quá trình phòng chống bạo lực gia đình để trục lợi, cụ thể mức xử phạt được quy định như sau:
Thứ nhất, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với những đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
– Đòi tiền của nạn nhân hoặc đòi tiền của người nhà nạn nhân sau khi có hành động giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình;
– Yêu cầu thanh toán chi phí sinh hoạt của các nạn nhân ở những địa chỉ tin cậy tại cộng đồng;
– Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của nạn nhân bạo lực gia đình đã yêu cầu các nạn nhân đó thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
Thứ hai, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với những chủ thể thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
– Thành lập các cơ sở tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình và các cơ sở nhằm mục đích hỗ trợ cho nạn nhân bạo lực gia đình để hoạt động trục lợi cá nhân;
– Lợi dụng hoạt động phòng chống bạo lực gia đình để thực hiện các hành vi vi phạm quy định của pháp luật khác.
Thứ ba, hình thức xử phạt bổ sung có thể được áp dụng trong trường hợp này như sau: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cấp chứng chỉ hành nghề trong khoảng thời gian từ 06 tháng đến 12 tháng đối với các hành vi thành lập các cơ sở tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình phục vụ cho nhu cầu cá nhân hoặc các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình để hoạt động trục lợi cá nhân, lợi dụng hoạt động phòng chống bạo lực gia đình để thực hiện các hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Thứ tư, biện pháp khắc phục hậu quả có thể được áp dụng trong trường hợp này đó là bắt buộc phải nộp lại số tiền bất hợp pháp đã thu được từ hành vi vi phạm pháp luật, có được từ việc thực hiện hành vi đòi tiền của nạn nhân hoặc đòi tiền của người nhà nạn nhân sau khi đó có hành vi giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực gia đình.
2. Thẩm quyền xử phạt hành vi lợi dụng phòng, chống bạo lực gia đình:
Pháp luật hiện nay đó có quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt đối với hành vi hành vi lợi dụng phòng, chống bạo lực gia đình. Căn cứ theo quy định tại Điều 68 của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, có quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nói chung và vi phạm hành chính đối với hành vi tiết lộ thông tin của người bị bạo lực gia đình nói riêng của chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, cụ thể như sau:
Thứ nhất, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ có thẩm quyền như sau:
– Phạt cảnh cáo;
– Phạt tiền đến 3.000.000 đồng đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, phạt tiền đến 4.000.000 đồng đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội, phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cũng như lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội;
– Tịch thu tang vật và tịch thu phương tiện vi phạm hành chính khi giá trị của tang vật đó không vượt quá hai lần mức tiền phạt theo như phân tích nêu trên;
– Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khi xét thấy cần thiết.
Thứ hai, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền như sau:
– Phạt cảnh cáo;
– Phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với những chủ thể có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, phạt tiền đến 20.000.000 đồng đối với những hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực hành chính liên quan đến lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội, phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với những chủ thể có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, phạt tiền đến 37.000.000 đồng đối với những chủ thể có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội;
– Có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép lái xe hoặc tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn và ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với các chủ thể vi phạm hành chính;
– Tịch thu tang vật và tịch thu phương tiện vi phạm hành chính hoặc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết.
Thứ ba, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền như sau:
– Phạt cảnh cáo;
– Phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với các chủ thể có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với các chủ thể có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống an ninh trật tự an toàn xã hội, phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với những chủ thể có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với những chủ thể có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội;
– Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe và tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn;
– Tịch thu tang vật và tịch thu phương tiện vi phạm hành chính.
Theo như phân tích nêu trên thì các đối tượng có hành vi lợi dụng phòng chống bạo lực gia đình để trục lợi có thể bị phạt tiền lên đến tối đa 30.000.000 đồng tùy vào từng hành vi vi phạm khác nhau. Như vậy có thể nói, thẩm quyền xử phạt đối với hành vi lợi dụng phòng chống bạo lực gia đình để trục lợi thuộc về chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống bạo lực gia đình:
Pháp luật hiện nay có quy định cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình. Căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 có thể kể đến một số hành vi bị nghiêm cấm như sau:
– Các hành vi bạo lực gia đình được quy định tại Điều 3 của Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2022;
– Kích động hoặc lôi kéo, giúp sức hoặc cưỡng ép người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình;
– Sử dụng và truyền bá thông tin truyền bá các loại tài liệu và hình ảnh hoặc âm thanh nhằm mục đích kích động hiện tượng bạo lực gia đình;
– Có hành vi trả thù hoặc đe dọa trả thù đối với những người giúp đỡ người bị bạo lực gia đình hoặc người phát hiện và tố giác ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình;
– Cản trở việc phát hiện và tố giác ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình hoặc xử lý đối với hành vi bạo lực gia đình;
– Lợi dụng hoạt động phòng chống bạo lực gia đình để thực hiện các hành vi trục lợi trái quy định của pháp luật;
– Dung túng và không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với những đối tượng có hành vi bạo lực gia đình.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022;
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.