Giao quyền trong xử phạt vi phạm hành chính được hiểu là việc cấp trưởng giao quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Dưới đây là quy định về giao quyền trong xử phạt vi phạm hành chính:
Mục lục bài viết
1. Quy định về giao quyền trong xử phạt vi phạm hành chính:
Xử phạt vi phạm hành chính được hiểu là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính (theo khoản 2 Điều 2 Văn bản hợp nhất số 20/VBHN-VPQH 2022 Luật xử lý vi phạm hành chính).
Căn cứ khoản 2 và khoản 3 Điều 54 Văn bản hợp nhất số 20/VBHN-VPQH 2022 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính như sau:
– Thực hiện việc giao quyền thường xuyên hoặc sẽ theo vụ việc;
– Thực hiện giao quyền xử phạt vi phạm hành chính sẽ đồng thời với việc giao quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính gồm:
+ Áp giải người vi phạm;
+ Khám người;
+ Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
+ Khám phương tiện vận tải, đồ vật;
+ Quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất;
+ Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
– Việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính sẽ phải có quyết định bằng văn bản (nội dung phải xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền);
– Khi được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính, cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện quyền được giao. Lưu ý là người được giao quyền sẽ không được giao quyền cho người khác.
2. Đối tượng giao quyền xử phạt vi phạm hành chính:
Căn cứ khoản 1 Điều 54 Văn bản hợp nhất số 20/VBHN-VPQH 2022 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định đối tượng có thẩm quyền giao quyền cho cấp phó thực hiện xử phạt vi phạm hành chính gồm:
(1) Ủy ban nhân dân các cấp gồm:
– Ủy ban nhân dân cấp xã;
– Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
(2) Công an nhân dân:
– Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội, Trưởng trạm, Đội trưởng của Chiến sĩ công an nhân dân;
– Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Thủy đội trưởng;
– Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh chính trị nội bộ; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông;
– Giám đốc Công an cấp tỉnh.
– Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu;
– Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
(3) Bộ đội Biên phòng:
– Trạm trưởng, Đội trưởng của chiến sĩ Bộ đội biên phòng;
– Đội trưởng Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm;
– Đồn trưởng Đồn biên phòng, Hải đội trưởng Hải đội biên phòng, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng;
– Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng;
– Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh; Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên phòng, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng.
(4) Cảnh sát biển:
– Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát biển;
– Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển;
– Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển; Đoàn trưởng Đoàn trinh sát, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam;
– Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam;
– Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.
(5) Hải quan:
– Đội trưởng, Tổ trưởng thuộc Chi cục Hải quan; Tổ trưởng thuộc Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đội trưởng thuộc Chi cục Kiểm tra sau thông quan;
– Chi cục trưởng Chi cục Hải quan; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
(6) Kiểm lâm:
– Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm;
– Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng;
– Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng, Đội trưởng Đội Kiểm lâm đặc nhiệm thuộc Cục Kiểm lâm;
– Cục trưởng Cục Kiểm lâm.
(7) Kiểm ngư:
– Trạm trưởng Trạm Kiểm ngư thuộc Chi cục Kiểm ngư vùng;
– Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng;
– Cục trưởng Cục Kiểm ngư.
(8) Cơ quan thuế:
– Đội trưởng Đội Thuế;
– Chi cục trưởng Chi cục Thuế;
– Cục trưởng Cục Thuế;
– Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
(9) Quản lý thị trường:
– Đội trưởng Đội Quản lý thị trường, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường;
– Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường;
– Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường.
(10) Ủy ban cạnh tranh Quốc gia:
– Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
(11) Thanh tra.
(12) Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa:
– Trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải, Trưởng đại diện Cảng vụ hàng không, Trưởng đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa;
– Giám đốc Cảng vụ hàng hải, Giám đốc Cảng vụ hàng không, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa.
(13) Tòa án nhân dân:
– Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự khu vực;
– Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp cao.
(14) Kiểm toán nhà nước.
(15) Cơ quan thi hành án dân sự.
(16) Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
3. Trường hợp nào chấm dứt giao quyền xử phạt vi phạm hành chính:
Căn cứ khoản 4 Điều 10 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định việc chấm dứt giao quyền xử phạt vi phạm hành chính gồm:
– Hết thời hạn giao quyền ghi trong quyết định;
– Cấp trưởng chấm dứt việc giao quyền cho cấp phó (việc chấm dứt phải có văn bản);
– Công việc được giao quyền đã hoàn thành;
– Người giao quyền hoặc người được giao quyền nghỉ hưu, thôi việc, được điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức hoặc tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật;
– Công việc được giao quyền tuy chưa hoàn thành nhưng vụ việc phải chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền khác xử lý;
– Người giao quyền hoặc người được giao quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết;
– Người giao quyền hoặc người được giao quyền bị khởi tố; bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Như vậy, việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính sẽ căn cứ theo quy định trên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất số 20/VBHN-VPQH Luật xử lý vi phạm hành chính;
– Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính.