Giám hộ được quy định rất cụ thể và chi tiết trong Bộ luật dân sự 2015. Vậy hiểu thế nào là giám hộ và quy định xử phạt hành vi vi phạm về giám hộ như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là giám hộ và các hình thức giám hộ:
Căn cứ khoản 1 Điều 46 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định giám hộ chính là việc cá nhân, pháp nhân theo quy định của luật và được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được yêu cầu có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Hiện nay, giám hộ có 02 hình thức là giám hộ đương nhiên và giám hộ được cử, cụ thể:
* Giám hộ đương nhiên:
Thứ nhất, người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên bao gồm:
– Anh cả, chị cả ruột.
– Anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo giám hộ nếu như anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ.
– Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ nếu như không có anh chị ruột.
– Bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ nếu như không có anh chị ruột; ông bà nội ngoại.
Thứ hai, người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự bao gồm:
– Chồng là người giám hộ nếu vợ là người mất năng lực hành vi dân sự.
– Vợ là người giám hộ nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự.
– Người con cả là người giám hộ nếu như cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ.
Người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ nếu như người con cả không có đủ điều kiện để giám hộ.
– Cha, mẹ là người giám hộ nếu như người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ.
* Giám hộ được cử:
Trường hợp người cần được giám hộ khi không có giám hộ đương nhiên thì Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ cử người giám hộ hoặc Tòa án sẽ chỉ định người giám hộ.
Lưu ý: với người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi trở lên khi chỉ định người giám hộ sẽ phải xem xét nguyện vọng của chính người đó.
Điều kiện của một người giám hộ phải đáp ứng gồm:
– Phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
– Đảm bảo về mặt tư cách đạo đức là tốt.
– Có đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
– Không thuộc diện đang bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
– Không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
(căn cứ Điều 49 Bộ luật dân sự 2015).
2. Quy định xử phạt hành vi vi phạm về giám hộ:
Căn cứ Điều 61
– Mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng:
+ Đối tượng có hành vi trốn tránh, không thực hiện nghĩa vụ giám hộ sau khi đã đăng ký giám hộ.
– Mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng:
+ Đối tượng có hành vi lợi dụng việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ nhằm mục đích trục lợi.
+ Đối tượng có hành vi lợi dụng việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ nhằm mục đích xâm phạm tình dục, bóc lột sức lao động của người được giám hộ.
– Ngoài việc bị xử phạt tiền như trên, các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm còn phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
+ Bắt buộc phải nộp lại số tiền bất hợp pháp do hành vi vi phạm tạo ra.
+ Bắt buộc phải chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh và chi phí khác (nếu có) tương ứng với hành vi vi phạm.
3. Có được đổi người giám hộ không?
Theo quy định tại Điều 60 Bộ luật dân sự năm 2015, các trường hợp sau đây sẽ thực được thay đổi người giám hộ, bao gồm:
– Không đáp ứng đủ các điều kiện về giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự, cụ thể:
+ Đối với cá nhân:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
- Về tư cách đạo đức: phải tốt.
- Có đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
- Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
- Không nằm trong diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
+ Đối với pháp nhân:
- Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ.
- Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
– Trường hợp người giám hộ là cá nhân chết, hoặc bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, mất năng lực hành vi dân sự, mất tích.
– Trường hợp người giám hộ là pháp nhân làm giám hộ chấm dứt tồn tại.
– Người giám hộ đề nghị được thay đổi và có người khác nhận làm giám hộ.
– Người giám hộ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ.
Nếu như thay đổi người giám hộ đương nhiên thì những đối tượng quy định tại mục 1 trên sẽ là người giám hộ đương nhiên.
Trường hợp không có người giám hộ đương nhiên thì sẽ thực hiện cử, chỉ định người giám hộ theo quy định như sau:
– Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ.
– Nếu như có tranh chấp giữa những người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ thì Tòa án chỉ định người giám hộ.
Lưu ý: với trường hợp cử hay chỉ định người giám hộ cho người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người đó.
– Khi thực hiện cử người giám hộ thì phải được lập thành văn bản.
– Phải có sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ khi thực hiện cử người giám hộ.
Để thực hiện đổi người giám hộ thì thủ tục thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo:
Cá nhân hoặc pháp nhân có nhu cầu khởi kiện yêu cầu đổi người giám hộ soạn đơn khởi kiện theo mẫu số 23-DS.
Bước 2: Nộp đơn khởi kiện:
Theo quy định tại khoản 14 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến giành quyền giám hộ.
Bước 3: Tiếp nhận đơn khởi kiện và giải quyết.
4. Thủ tục tố cáo hành vi vi phạm về giám hộ:
Khi phát hiện hành vi vi phạm về giám hộ, cá nhân có thể thực hiện làm đơn tố cáo gửi lên cơ quan có thẩm quyền, trình tự như sau:
Bước 1: Chuẩn bị đơn tố cáo (theo mẫu):
Trong đơn nội dung phải trình bảy đầy đủ thông tin của người tố cáo; thông tin của người bị tố cáo; trình bày cụ thể nội dung sự việ xảy ra (kèm theo bằng chứng chứng minh – nếu có);….
Bước 2: Nộp đơn tố cáo:
– Nộp đơn đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền, cụ thể là Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện.
Bước 3: Tiếp nhận và giải quyết đơn tố cáo:
Sau khi nhận được đơn tố cáo hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xác minh.
Sau khi xác minh nếu đúng có hành vi vi phạm về giám hộ xảy ra thì tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy đúng quy định.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật dân sự 2015.
Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.