Theo các chuyên gia, việc sử dụng điện thoại di động khi đang ở khu vực các cây xăng có thể tiềm ẩn nguy cơ gây cháy, nổ cây xăng. Vậy, hành vi sử dụng điện thoại di động tại cây xăng có bị xử phạt hay không?
Mục lục bài viết
1. Sử dụng điện thoại di động tại cây xăng có bị xử phạt không?
Điện thoại di động được xem là một trong những thiết bị phát ra sóng di động vô cùng mạnh mẽ trong lúc máy hoạt động. Sóng điện thoại di động phát ra xung quanh có khả năng tạo nên những tia lửa nhỏ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và rủi do. Tuy nhiên, trong môi trường dễ cháy nổ cao đặc biệt là cây xăng thì những tia lửa nhỏ được phát ra từ các thiết bị di động lại tăng nguy cơ gây cháy nổ hơn cả. Vì vậy, cho nên đó là lý do vì sao các trạm xăng dầu hiện nay cấm hành vi sử dụng điện thoại di động trong lúc đang đổ xăng tại cây xăng. Hành vi sử dụng điện thoại di động tại cây xăng sẽ bị coi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy. Căn cứ theo quy định tại Điều 35 của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, có quy định về mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy trong quá trình quản lý và sử dụng nguồn điện, quản lý và sử dụng nguồn nhiệt, trong quá trình sử dụng các dụng cụ sinh lửa và sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện tử khác. Theo đó thì, mức xử phạt đối với các đối tượng có hành vi sử dụng điện thoại di động tại cây xăng được quy định như sau:
– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với các chủ thể có hành vi mang diêm, mang bật lửa, mang điện thoại di động, mang nguồn lửa, các thiết bị và dụng cụ sinh lửa vào những nơi có quy định cấm những thiết bị này;
– Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với những đối tượng có hành vi sử dụng nguồn lửa, sử dụng nguồn nhiệt, sử dụng các thiết bị và dụng cụ tạo ra lửa, các thiết bị và dụng cụ có khả năng tạo ra nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách an toàn trong vấn đề phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi sử dụng nguồn lửa, sử dụng nguồn nhiệt, sử dụng các dụng cụ và thiết bị tạo ra lửa hoặc tạo ra nhiệt hoặc các thiết bị điện, các thiết bị điện tử ở những nơi có quy định cấm;
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với những đối tượng có hành vi hàn hoặc cắt kim loại mà không đáp ứng được đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn về lĩnh vực phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Theo đó thì có thể nói, người sử dụng điện thoại trong cây xăng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo như phân tích nêu trên.
2. Hướng xử lý khi sử dụng điện thoại di động tại cây xăng gây cháy nổ:
Trong quá trình sử dụng điện thoại di động tại cây xăng mà gây ra hiện tượng cháy nổ thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và tùy vào mức độ thiệt hại xảy ra trên thực tế. Trong trường hợp cây xăng đó có quy định biển cấm dùng điện thoại nhưng người đổ xăng vẫn cố tình sử dụng điện thoại trong quá trình đổ xăng tại cây xăng và gây ra hiện tượng cháy nổ thì sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường nếu như có thiệt hại xảy ra trên thực tế theo quy định của pháp luật về dân sự với chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Căn cứ theo quy định tại Điều 589 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về vấn đề bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm. Theo đó thì thiệt hại do tài sản bị xâm phạm sẽ bao gồm các khoản thiệt hại sau:
– Tài sản bị mất hoặc tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng do hành vi vi phạm pháp luật;
– Lợi ích gắn liền với việc sử dụng và khai thác các loại tài sản bị mất hoặc bị hư hỏng đó;
– Các lợi ích và các chi phí hợp lý để ngăn chặn và khắc phục thiệt hại xảy ra trên thực tế;
– Thiệt hại khác do pháp luật có quy định.
Như vậy có thể nói, trong trường hợp nếu cố tình sử dụng điện thoại di động tại cây xăng khi có biển cấm sử dụng điện thoại di động và gây ra hiện tượng cháy nổ ảnh hưởng đến thiệt hại về tài sản của cây xăng và của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thiệt hại đến tài sản của người khác thì người gây ra thiệt hại sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường theo như phân tích nêu trên. Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. Theo đó thì những thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm sẽ bao gồm những thiệt hại cơ bản sau:
– Chi phí hợp lý phục vụ cho quá trình cứu chữa hoặc phục hồi sức khỏe, chi phí phục vụ cho quá trình phục hồi chức năng bị mất của người bị thiệt hại;
– Các thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại, nếu trong trường hợp thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì sẽ áp dụng theo mức thu nhập trung bình của các lao động cùng loại trên thị trường lao động;
– Chi phí hợp lý vào phần thu nhập thực tế bị mất của những người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian người đó thực hiện hoạt động điều trị, nếu như người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại do bao gồm cả các khoản chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
– Các thiệt hại khác do pháp luật quy định.
Như vậy có thể nói, trong trường hợp sử dụng điện thoại di động tại cây xăng mà gây ra hiện tượng cháy nổ ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác thì những đối tượng có hành vi vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với sức khỏe khi sức khỏe của người khác bị xâm phạm theo như phân tích nêu trên.
3. Hành vi sử dụng điện thoại di động tại cây xăng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Hành vi sử dụng điện thoại di động tại cây xăng hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy căn cứ theo quy định tại Điều 313 của Bộ luật hình sự năm 2015 khi thỏa mãn các cấu thành tội phạm của tội danh tương ứng. Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, quy định về phòng cháy là quy định nhằm phòng ngừa việc cháy xảy ra; quy định về chữa cháy là quy định nhằm kịp thời dập tắt đám cháy, chống cháy lan, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản trong trường hợp cháy xảy ra.Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy là hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định mà mình có nghĩa vụ pháp lí phải thực hiện. Để xác định hành vi vi phạm của cá nhân cụ thể phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy đang có hiệu lực tại thời điểm xảy ra vụ cháy. Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi vô ý. Người phạm tội khi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy không mong muốn gây hậu quả thiệt hại về người, về tài sản mà tin hậu quả thiệt hại không xảy ra hoặc không thấy trước hậu quả đó do cầu thả. Điều luật quy định 4 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung. Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Hai khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 05 năm đến 08 năm và từ 07 năm đến 12 năm. Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng định là các dấu hiệu thiệt hại về tính mạng, sức nặng được quy khoẻ hoặc tài sản. Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là hình phạt phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.