Thanh toán quốc tế chính là hoạt động thanh toán trong đó có ít nhất một bên liên quan là tổ chức hoặc là cá nhân có tài khoản thanh toán ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Vậy mức xử phạt các hành vi vi phạm trong thanh toán quốc tế được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thanh toán quốc tế là gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 4
Căn cứ khoản 5, 6 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2013 quy định thanh toán quốc tế đối với các giao dịch vãng lai (chính là giao dịch giữa người cư trú với người không cư trú không vì mục đích chuyển vốn) bao gồm có:
– Những khoản thanh toán và chuyển tiền liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ;
– Những khoản thanh toán và chuyển tiền liên quan đến tín dụng thương mại và vay ngân hàng ngắn hạn;
– Những khoản thanh toán và chuyển tiền liên quan đến thu nhập từ đầu tư trực tiếp và gián tiếp;
– Những khoản chuyển tiền khi được phép giảm vốn đầu tư trực tiếp;
– Những khoản thanh toán tiền lãi và trả dần nợ gốc của khoản vay nước ngoài;
– Những khoản chuyển tiền một chiều;
– Những thanh toán và chuyển tiền khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 38/2013/TT-NHNN quy định chứng từ thanh toán quốc tế chính là chứng từ kế toán theo quy định của Luật Kế toán mà được sử dụng trong hoạt động thanh toán mà trong đó phải có ít nhất một bên liên quan là tổ chức hoặc cá nhân có tài khoản thanh toán ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.
2. Quy định về xử phạt các hành vi vi phạm trong thanh toán quốc tế:
Căn cứ khoản 5 Điều 5 Văn bản hợp nhất 14/VBHN-NHNN 2023 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định xử phạt vi phạm quy định về những thay đổi phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản, Điều này quy định phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với việc thực hiện một trong những hành vi sau đây khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản:
– Thay đổi về địa điểm đặt trụ sở chính, chi nhánh của tổ chức tín dụng, địa điểm đặt trụ sở của chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
– Niêm yết cổ phiếu ở trên thị trường chứng khoán nước ngoài;
– Thay đổi về chi nhánh quản lý phòng giao dịch của tổ chức tín dụng;
– Tự nguyện việc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng;
– Thực hiện các nội dung hoạt động, hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.
Thêm nữa, tại khoản 6 Điều 5 Văn bản hợp nhất 14/VBHN-NHNN 2023 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng cũng quy định phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với việc thực hiện một trong những hành vi sau đây khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản:
– Thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết theo các quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 103 và khoản 3 Điều 110 Luật Các tổ chức tín dụng;
– Góp vốn, mua cổ phần, chuyển nhượng phần vốn góp, mua lại phần vốn góp của tổ chức tín dụng theo các quy định tại Điều 71, điểm b khoản 4 Điều 103 Luật Các tổ chức tín dụng;
– Tham gia vào hệ thống thanh toán quốc tế;
– Mua lại cổ phần của cổ đông mà sau khi thanh toán hết số cổ phần mua lại dẫn đến việc giảm số vốn điều lệ theo quy định tại Điều 57 Luật Các tổ chức tín dụng;
– Cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mà không qua tài khoản thanh toán của khách hàng.
3. Các nguyên tắc trong thanh toán quốc tế:
Đối với các hoạt động liên quan đến thanh toán quốc tế mà pháp luật Việt Nam chưa có những quy định cụ thể, thì được áp dụng theo các quy định mang tính nguyên tắc sau đây:
– Thứ nhất, việc xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung thì được thực hiện như sau:
+ Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tê mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo luật Việt Nam;
+ Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì trong pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài sẽ được xác định theo lựa chọn của các bên. Ví dụ như trong thanh toán quốc tế, các bên có thể lựa chọn tập quán quốc tế;
+ Trong trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo những quy định trên, thì sẽ thực hiện áp dụng pháp luật của nước mà có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.
– Thứ hai, việc áp dụng điều ước quốc tế và tập quán thương mại quốc tế ở trong quan hệ công cụ chuyển nhượng có yếu tố nước ngoài được thực hiện như sau:
+ Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác so với quy định của Luật Các công cụ chuyển nhượng thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó;
+ Trường hợp quan hệ công cụ chuyển nhượng có yếu tố nước ngoài, thì các bên tham gia sẽ được tự thỏa thuận áp dụng các tập quán thương mại quốc tế gồm những Quy tắc thực hành thông nhất về tín dụng chứng từ (UCP 600), những Quy tắc thông nhất về nhờ thu (URC 522) của Phòng Thương mại quốc tế (ICC) và những tập quán thương mại quốc tế có liên quan khác theo quy định của Chính phủ;
+ Trong trường hợp công cụ chuyển nhượng được phát hành ở Việt Nam nhưng lại được chấp nhận, bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu, thanh toán, truy đòi, khởi kiện ở tại một nước khác thì công cụ chuyển nhượng phải được phát hành theo quy định của pháp luật Việt Nam;
+ Trong trường hợp công cụ chuyển nhượng được phát hành ở nước khác nhưng lại được chấp nhận, bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu, thanh toán, truy đòi, khởi kiện ở tại nước Việt Nam thì việc chấp nhận, bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu, thanh toán, truy đòi, khởi kiện sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam;
– Thứ ba, việc tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng sẽ được thực hiện theo các quy định như sau:
+ Việc thành lập, tổ chức và hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng phải được tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
+ Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó;
+ Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngân hàng được quyền tự thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại, bao gồm có: tập quán thương mại quốc tế do Phòng thương mại quốc tế ban hành và tập quán thương mại khác mà không trái với pháp luật của Việt Nam.
– Thứ tư, việc thanh toán bằng ngoại tệ và thanh toán quốc tế phải tuân theo những quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối hoặc những thỏa thuận quốc tế về thanh toán mà Việt Nam tham gia. Thanh toán quốc tế sử dụng đồng ngoại tệ, sử dụng đồng tiền Việt Nam (trong trường hợp được sử dụng ở trong thanh toán quốc tế) và những phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và những phương tiện thanh toán khác.
– Thứ năm, trong trường hợp hoạt động ngoại hối mà pháp luật Việt Nam chưa có các quy định thì các bên có thể tự thỏa thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế nếu như việc thực hiện áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế đó không trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 14/VBHN-NHNN 2023 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.