Cơ sở khoa học - thực tiễn và ý nghĩa của các quy định pháp luật về xử lý vật chứng trong luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay.
Mục lục bài viết
1. Cơ sở quy định pháp luật về xử lý vật chúng trong luật TTHS:
Xử lý vật chứng được quy định trong luật của mỗi quốc gia là đòi hỏi có tính tất yếu có tính quy luật. Việc quy định xử lý vật chứng trong TTHS không thể tùy tiện mà phải dựa trên những cơ sở nhất định. Những cơ sở đó bao gồm:
1.1. Xuất phát từ thực tiễn giải quyết, xử lý tội phạm:
“Đời sống kinh tế, xã hội của bất kỳ một xã hội nào cũng đều cần đến trật tự, ổn định để tồn tại và phát triển”. Để bảo đảm sự tồn tại và phát triển thì mỗi nhà nước cần phải đặt ra việc chứng minh, xử lý các hành vi xâm hại đến trật tự quản lý của nhà nước, trong đó có hành vi phạm tội. Nói cách khác, việc chứng minh, xử lý tội phạm là sự đòi hỏi tất yếu đối với mỗi nhà nước để duy trì trật tự và ổn định xã hội. Việc chứng minh, xử lý tội phạm trước hết phải đảm bảo sự hiện thực hóa ý chí của nhà nước trong công tác đấu tranh, xử lý tội phạm, trên cơ sở đó bảo đảm, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, công dân cũng như của tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động sinh sống trên phạm vi lãnh thổ của nhà nước đó. Bên cạnh đó, yêu cầu chứng minh, xử lý tội phạm phải đảm bảo sự công bằng. Với yêu cầu này thì mọi VAHS phải được xử lý dựa trên một cơ sở pháp lý chung, thống nhất.
Thực tiễn xử lý tội phạm giải quyết vụ án hình sự, ngoài việc xem xét đến vấn đề tội danh, trách nhiệm hình sự, thì xử lý vật chứng luôn là nội dung không thể thiếu trong giải quyết mọi vụ án hình sự vì vật chứng là nguồn chứng cứ quan trọng để chứng minh, xử lý tội phạm. Quá trình chứng minh tội phạm đòi hỏi phải thu thập vật chứng để nhận định, phán đoán, kết luận về diễn biến, tính chất sự việc phạm tội, người phạm tội. Vật chứng có thể là vật thuộc sở hữu của người phạm tội, cũng có thể là vật thuộc sở hữu, quản lý hợp pháp của người khác. Đến khi kết thúc việc giải quyết vụ án, đặt ra vấn đề phải giải quyết triệt để các vật chứng đã được thu thập này. Do đó, việc quy định cụ thể về xử lý vật chứng trong pháp luật TTHS đã tạo cơ sở pháp lý giúp cho hoạt động xử lý vật chứng của cơ quan, người tiến hành tố tụng được tiến hành nhanh chóng, đúng đắn, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh, xử lý tội phạm.
1.2. Dựa vào chính sách pháp luật tố tụng hình sự:
Chính sách pháp luật TTHS là những phương hướng mang tính chiến lược trong việc trong việc tổ chức đấu tranh xử lý tội phạm, hướng tới sự thật khách quan của vụ án, khôi phục công lý, đảm bảo công bằng, dân chủ trong quá trình giải quyết vụ án, góp phần đảm bảo quyền con người, lợi ích xã hội, trật tự pháp luật và phòng ngừa tội phạm. Cho nên, khi xây dựng pháp luật trong đó có quy định về xử lý vật chứng phải căn cứ vào chính sách pháp luật tố tụng hình sự.
Trên cơ sở mục tiêu “xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, văn minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử có hiệu quả và hiệu lực cao” đã được nêu ra trong
Với những định hướng nêu trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng các quy định của pháp luật trong đó có quy định về xử lý vật chứng đảm bảo tính hợp lý, hợp pháp, tính logic, cụ thể các hình thức xử lý rõ ràng, tránh sự lúng túng khi áp dụng hoặc lợi dụng quy định chưa rõ ràng của pháp luật để trục lợi của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
1.3. Căn cứ vào mục tiêu, chức năng của tư pháp hình sự:
Chức năng của tư pháp hình sự là đảm bảo phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người có ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Để thực hiện được chức năng của mình, đòi hỏi hoạt động TTHS phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
(1) Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong TTHS, đây là một nguyên tắc hiến định, đặt nền tảng cho mọi hoạt động TTHS, được
thiết kế dựa trên nguyên tắc tập trung quyền lực của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. TTHS là một quan hệ công quyền, đòi hỏi mọi chủ thể TTHS đặc biệt là các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tự giác, nghiêm chỉnh tuân thủ quy định của pháp luật khi tiến hành tố tụng giải quyết vụ án. Nguyên tắc này cũng là nguyên tắc chi phối các nguyên tắc khác trong hoạt động TTHS.
(2) Bảo đảm quyền con người, thể hiện tinh thần và triển khai thực thi các quy định của
(3) Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án không những có trách nhiệm phát hiện nhanh chóng, xử lý kịp thời, khách quan, toàn diện vụ án theo chức năng, nhiệm vụ được giao mà còn có trách nhiệm bảo vệ quyền con người, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án.
(4) Việc vi phạm trong hoạt động TTHS đặt ra trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong TTHS và cơ chế đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo trong TTHS là những khẳng định việc tôn trọng, bảo vệ quyền con người bằng cơ chế hữu hiệu của TTHS chứ không phải là những quy định thiếu tính khả thi; yêu cầu tăng cường trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi tiến hành hoạt động tố tụng giải quyết vụ án; đồng thời cũng là cơ chế hữu hiệu để kiểm tra được tính khách quan, tính hợp pháp, hợp lý trong hoạt động tiến hành tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
(5) Việc kiểm tra, giám sát trong TTHS là sự định hướng cho việc kiểm soát quyền lực tư pháp trong lĩnh vực TTHS bằng cách tự kiểm tra và bằng cơ chế giám sát của cơ quan quyền lực, cơ quan nhà nước khác, tổ chức, xã hội và người dân đối với mọi hoạt động TTHS. Là sự phù hợp với nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhà nước thể hiện trong Hiến pháp, là nền tảng cho hoạt động của mọi nhà nước.
Trong hoạt động xử lý vật chứng nói riêng, để thực hiện chức năng của tư pháp hình sự đòi hỏi mọi hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan, người tiến hành tố tụng phải tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật. Khi xử lý vật chứng trong vụ án hình sự, người có thẩm quyền phải căn cứ vào những quy định của pháp luật về thẩm quyền xử lý, trình tự, thủ tục xử lý vật chứng và phải chịu trách nhiệm về quyết định xử lý vật chứng đó. Mọi quyết định xử lý vật chứng do chủ thể không có thẩm quyền thực hiện hoặc xử lý không đúng hình thức, trình tự, thủ tục do pháp luật quy định đều vi phạm nguyên tắc pháp chế và có thể bị khiếu nại, bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.
Trong hoạt động xử lý vật chứng yêu cầu tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu của công dân. Quyền sở hữu là một trong những quyền cơ bản của công dân, được Hiến pháp, pháp luật nước ta ghi nhận và bảo hộ. Quá trình xử lý vật chứng vụ án hình sự liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến những tài sản được xác định là vật chứng và bị thu giữ để phục vụ việc chứng minh vụ án hình sự. Đối với những vật chứng cùng loại, cùng tính chất thì cần phải được xử lý giống nhau theo đúng một cách thức thống nhất do pháp luật quy định.
1.4. Căn cứ vào việc đảm bảo cân bằng giữa việc xử lý vật chứng với phát triển kinh tế xã hội:
Thực tế, có những trường hợp, vật chứng là các tài sản có giá trị lớn, việc tạm giữ vật chứng quá lâu, cũng như việc xử lý vật chứng không đúng trình tự, thủ tục, cách thức do pháp luật quy định rất dễ gây ra những thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức là chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Hoặc đối với vật chứng là tài sản có thời hạn sử dụng, thời gian lưu hành ngắn, mau hỏng … mà chủ thể có thẩm quyền xử lý không xử lý sớm, dẫn đến tài sản đó hư hại, hỏng hóc, giảm hoặc mất giá trị sử dụng cũng gây ra những thiệt hại cho người tham gia tố tụng. Đòi hỏi các cơ quan, người có thẩm quyền phải tiến hành rà soát chặt chẽ những vật chứng được thu giữ để xử lý kịp thời, nhanh chóng ra quyết định xử lý để bảo vệ quyền lợi cho người tham gia tố tụng và cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Người có thẩm quyền xử lý vật chứng cần tuyệt đối tuân thủ pháp luật trong khi xử lý vật chứng, nêu cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, coi tài sản của dân cũng là tài sản của mình, tránh tình trạng thờ ơ, bỏ mặc, ảnh hưởng lợi ích của người dân. Những vật chứng có giá trị lớn hoặc liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh nếu không thuộc trường hợp có thể bị tịch thu sung quỹ, thì trả lại cho họ sau khi đã lấy đủ thông tin của vật chứng để phục vụ cho việc chứng minh, tránh gây lãng phí, thiệt hại cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, việc thu thập vật chứng phải có tính sàng lọc, cẩn trọng, tránh việc thu giữ tràn lan gây ra áp lực và sự quá tải trong công tác bảo quản vật chứng.
2. Ý nghĩa xây dựng các quy định về xử lý vật chứng trong luật TTHS:
2.1. Góp phần thực hiện cải cách tư pháp:
Nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động TTHS là một trong những mục tiêu của chiến lược Cải cách tư pháp được được Đảng chỉ rõ trong
Trong những năm gần đây, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm được Đảng và Nhà nước chú trọng và quan tâm. Việc xử lý vật chứng đúng đắn là một công cụ hữu hiệu để để hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả, pháp luật tạo ra một hành lang pháp lý cần thiết và cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng được sử dụng các biện pháp phù hợp giúp cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời, toàn diện, sớm tìm ra và truy cứu trách nhiệm người phạm tội, duy trì và bảo đảm công lý, công bằng xã hội … Sau khi vật chứng của vụ án được khai thác, sử dụng vào quá trình chứng minh, nó sẽ được xử lý theo những hình thức nhất định, trong đó có các hình thức tịch thu sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu hủy.
Việc xử lý như vậy là hết sức cần thiết, đối với bản thân người phạm tội, biện pháp xử lý đó sẽ góp phần làm tăng mức độ trách nhiệm pháp lý mà người phạm tội phải gánh chịu, qua đó răn đe một cách nghiêm khắc, hiệu quả đối với người phạm tội, không cho họ có điều kiện sử dụng lại vật chứng đó để tiếp tục phạm tội, hoặc được lợi từ những tài sản do phạm tội mà có, việc này cũng có ý nghĩa giáo dục, phòng ngừa chung trong xã hội. Đối với những người có lỗi trong việc để người phạm tội sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của mình vào mục đích phạm tội, thông qua việc tịch thu các tài sản này, pháp luật buộc họ phải nâng cao ý thức pháp luật và tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm, biết điều chỉnh hành vi của mình ở những vụ việc tương tự sau này, không tạo điều kiện thuận lợi để người khác phạm tội.
2.2. Góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế, xã hội:
Hoạt động xử lý vật chứng được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định của pháp luật đáp ứng nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người tham gia tố tụng. Củng cố lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đồng thời, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm công lý và công bằng trong xã hội.
Quá trình xử lý vật chứng, một hình thức thường được sử dụng là trả lại vật chứng cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp. Vật chứng được cơ quan tiến hành tố tụng thu giữ có thể là tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền quản lý hợp pháp của người khác bị người phạm tội chiếm đoạt, chiếm giữ, cố ý làm hư hỏng… hoặc tài sản của người khác nhưng người này lại không có lỗi trong việc để người phạm tội sử dụng tài sản đó vào mục đích phạm tội, thì những vật chứng này cần phải được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp. Một số vật chứng thuộc sở hữu của người phạm tội, nhưng không phải trong mọi trường hợp đều bị tịch thu, mà phải căn cứ vào quy định của pháp luật để xử lý, có trường hợp phải trả lại cho họ. Thông qua hình thức trả lại vật chứng cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp, hoạt động xử lý vật chứng đáp ứng nguyện vọng của những người tham gia tố tụng, kịp thời bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
2.3. Tạo ra cơ sở pháp lý cho hoạt động thực tiễn giải quyết vụ án:
Quyết định xử lý vật chứng có hiệu lực thi hành, mang tính bắt buộc đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan. Là căn cứ pháp lý để làm phát sinh các hệ quả pháp lý như sau:
(i) Khôi phục lại quyền sở hữu cho chủ sở hữu, quyền chiếm hữu cho người quản lý hợp pháp vật chứng đối với những vật chứng được trả lại.
(ii) Thay đổi chủ sở hữu đối với những vật chứng bị tịch thu nộp ngân sách nhà nước, bán theo quy định của pháp luật hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý.
(ii) Tước quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với những tài sản bị tịch thu tiêu hủy.
Quyết định về xử lý vật chứng của các chủ thể có thẩm quyền có hiệu lực thi hành, là căn cứ để các chủ thể liên quan đến vật chứng nghiêm chỉnh chấp hành, chấm dứt việc khiếu kiện, tranh chấp đối với vật chứng. Một số trường hợp, đây cũng là căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm thực hiện thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho công dân… theo đúng quy định của pháp luật.