Hứa thưởng có lẽ một khái niệm đã quá quen thuộc đối với đời sống của chúng ta, có thể là lời hứa miệng nhưng trong nhiều trường hợp được lập thành hợp đồng hứa thưởng. Vậy khi phát sịnh tranh chấp về hợp đồng hứa thưởng thì sẽ giải quyết như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là tranh chấp về hợp đồng hứa thưởng ?
Căn cứ theo Điều 570 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hứa thưởng như sau: Người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng, với điều kiện công việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Như vậy, hứa thưởng là một giao dịch dân sự được thể hiện dưới dạng hành vi pháp lý đơn phương của một chủ thể, bên hứa thưởng sẽ đưa ra một công việc, một điều kiện để bên được hứa thưởng thực hiện và theo đó cam kết trả một phần thưởng khi thực hiện xong công việc này hoặc có thể trong việc đạt kết quả kinh doanh cao. Để đảm bảo bên hứa thưởng thực hiện đúng nghĩa vụ trả thưởng, đảm bảo quyền lợi giữa các bên, các bên có thể ký kết với nhau một
Tuy nhiên, hứa thưởng và hợp đồng hứa thưởng là hoàn toàn khác nhau bởi một bên là hành vi pháp lý đơn phương còn một bên là quan hệ hợp đồng. Khi trong hợp đồng hứa thưởng có ghi nhận các điều khoản thể hiện quyền, nghĩa vụ phải trả thưởng của bên hứa thưởng cũng như các chế tài được áp dụng trong trường hợp bên này không trả thưởng, từ đó phát sinh tranh chấp thì bên được hứa thưởng hoàn toàn có quyền khởi kiện tại Tòa án về việc vi phạm hợp đồng.
Hợp đồng hứa thưởng là một văn bản ghi lại sự thỏa thuận của các bên về việc bên hứa thưởng sẽ trả thưởng, tặng cho bên thực hiện được công việc một tài sản hoặc lợi ích nhất định nào đó khi bên nhận thưởng hoàn thành công việc theo thỏa thuận. Những nội dung phải có trong hợp đồng hứa thưởng đó là: thông tin của hai bên ký hợp đồng như tên doanh nghiệp hoặc cá nhân, địa chỉ, mã số thuế, hoặc số CMND, số điện thoại liên hệ. Trong hợp đồng hứa thưởng một trong hai bên có quyền chấm dứt hợp đồng nếu bên kia thực hiện không đúng theo yêu cầu.
Có thể hiểu tranh chấp hợp đồng hứa thưởng là những tranh chấp về việc vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, một bên trong hợp đồng không thực hiện hoặc thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, chẳng hạn như không trả thưởng khi bên còn lại đã hoàn thành xong công việc, hoặc một bên không thực hiện công việc đã hứa dẫn đến thiệt hại cho bên còn lại….
2. Thủ tục giải quyết tranh chấp về hợp đồng hứa thưởng:
Tương tự đối với việc giải quyết tranh chấp hợp đồng, tranh chấp hợp đồng hứa thưởng sẽ được giải quyết qua 4 phương thức tùy thuộc vào sự lựa chọn giữa các bên như: thương lượng, hòa giải, Tòa án, Trọng tài.
Trước khi lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp khác, thì phương thức thương lượng, hòa giải là phương thức được khuyến khích lựa chọn. Với phương thức thượng lượng các bên tranh chấp sẽ tự tổ chức, lựa chọn thời gian, địa điểm, quy trình để tiến hành thỏa thuận với nhau để tìm ra phương hướng giải quyết chung. Việc thương lượng xuất phát từ thiện chí từ hai bên, mà không có bất kỳ sự ràng buộc pháp lý nào.
Đến với phương thức hòa giải thì các bên được tự do thỏa thuận và chọn hòa giải viên làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp. Phương thức hòa giải có thủ tục nhanh gọn, chi phí thấp, các bên có quyền định đoạt, không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác giữa các bên, uy tín, bí mật kinh doanh được giữ kín.
Trong trường hợp các bên không tìm được tiếng nói chung qua hai phương thức giải quyết tranh chấp nêu trên thì các bên có thể lựa chọn Trọng tài thương mại hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Việc giải quyết tranh chấp phát sinh theo phương thức này sẽ được thực hiện theo một trình tự, thủ tục nhất định do quy phạm pháp luật quy định.
Nếu hợp đồng hứa thưởng có yếu tố thương mại, các bên có thỏa thuận trọng tài thì sẽ áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp Trọng tài thương mại. Đây là phương thức giải quyết tranh được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010. Kết quả giải quyết bằng trọng tài được pháp luật bảo đảm theo Luật Trọng tài thương mại.
* Đối với phương thức giải quyết tranh chấp tại Tòa án:
Tranh chấp hợp đồng hứa thưởng là một loại của tranh chấp về giao dịch dân sự, theo quy định tại Điều 26 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 thì tranh chấp về giao dịch dân sự là tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Giải quyết tranh chấp tại Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp tại Tòa án là cơ quan xét xử nhân danh Nhà nước, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp rất nghiêm ngặt, chặt chẽ theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự. Hơn nữa, việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án sẽ được giải quyết bằng bản án hay quyết định của Tòa án có tính bắt buộc và các chủ thể bị cưỡng chế thi hành.
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp, Căn cứ theo Điều 35 và Điều 37 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 thì Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về giao dịch dân sự.
Hồ sơ khởi kiện giải quyết tranh chấp tại Tòa án sẽ bao gồm những loại tài liệu sau:
– Đơn khởi kiện theo mẫu
– Giấy tờ nhân thân (CMND/CCCD; Sổ hộ khẩu,…bản sao chứng thực);
– Hợp đồng hứa thưởng;
– Các giấy tờ khác có liên quan.
Trình tự giải quyết tranh chấp được thực hiện như sau:
– Người khởi kiện nộp đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền bằng hai hình thức sau: nộp trực tiếp hoặc bằng đường bưu điện.
– Tòa án xem xét đơn và thụ lý vụ án sau đó thông báo cho đương sự biết, đương sự nộp tiền tạm ứng án phí.
– Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử sơ thẩm nếu có lý do chính đáng thì được kéo dài thời hạn này là 02 tháng.
– Trong trường hợp đương sự không đồng ý với phán quyết sơ thẩm thì có quyền kháng cáo phúc thẩm.
3. Mẫu hợp đồng hứa thưởng :
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc
———–o0o————-
HỢP ĐỒNG HỨA THƯỞNG
Hôm nay, ngày …./…./……..tại ……….., Chúng tôi gồm có:
BÊN TRẢ THƯỞNG
CÔNG TY…………….
Mã số thuế:………
Địa chỉ: …………
Đại diện: …………. Chức vụ: …………
(Sau đây gọi tắt là bên A)
BÊN NHẬN THƯỞNG
CÔNG TY…………
Mã số thuế:………
Địa chỉ: …………………
Đại diện: …………. Chức vụ:………
(Sau đây gọi tắt là bên B)
Sau khi đã bàn bạc một cách kỹ lưỡng hai bên đều nhất trí đi đến thống nhất với các điều khoản trong Hợp đồng trích thưởng sau:
Điều 1: Lý do hứa thưởng
…………
Điều 2: Điều kiện trả thưởng và hình thức trả thưởng
2.1 Điều kiện trả thưởng
……………
2.2 Hình thức trả thưởng
– Số tiền trả thưởng là: …% giá trị hợp đồng đối tác do Bên B tìm kiếm ký kết Hợp đồng trích thưởng với Bên A
– Trả thưởng bằng tiền mặt (Việt Nam đồng)
– Bên A sẽ trả thưởng cho Bên B sau khi thỏa mãn như điều kiện trên (Điều 2.1).
Điều 3: Cam kết của hai bên
3.1 Cam kết của bên A
– Thực hiện đúng và đầy đủ nội dung trong hợp đồng.
– Trả thưởng cho Bên B đúng và đủ số tiền (ở điều 2)
– Việc trả thưởng là do Bên A tự nguyện.
3.2 Cam kết của bên B: Thực hiện đúng và đầy đủ nội dung trong hợp đồng.
Điều 4: Ký kết
Hai bên đã đọc lại nguyên văn bản Hợp đồng trích thưởng này, cùng nhất trí ký vào để làm bằng chứng, hợp đồng được lập thành … bản chính, mỗi bản gồm … trang, mỗi bên giữ … bản đều và đều có giá trị pháp lý như nhau.
ĐẠI DIỆN BÊN TRẢ THƯỞNG ĐẠI DIÊN BÊN ĐƯỢC TRẢ THƯỞNG
Những văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Bộ luật Dân sự 2015
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
Luật Trọng tài Thương mại 2010