Trong quan hệ về công cụ chuyển nhượng, tranh chấp là điều không tránh khỏi. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn giải quyết tranh chấp liên quan đến công cụ chuyển nhượng:
Mục lục bài viết
1. Hiểu thế nào là công cụ chuyển nhượng?
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật công cụ chuyển nhượng 2005 quy định công cụ chuyển nhượng gồm các giấy tờ có giá trị ghi nhận lệnh thanh toán hoặc cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định vào một thời điểm nhất định.
Và theo quy định, công cụ chuyển nhượng được phát hành dựa trên các cơ sở giao dịch mua bán hàng hóa, cho vay giữa các cá nhân, tổ chức hoặc cung ứng dịch vụ hay các giao dịch thanh toán và giao dịch tặng cho; các giao dịch cho vay của tổ chức tín dụng với cá nhân, tổ chức.
Quan hệ công cụ chuyển nhượng sẽ là độc lập, không phụ thuộc vào giao dịch cơ sở phát hành công cụ chuyển nhượng.
2. Giải quyết tranh chấp liên quan đến công cụ chuyển nhượng:
Căn cứ khoản 1 Điều 79 quy định tranh chấp về công cụ chuyển nhượng sẽ được giải quyết trên cơ sở theo thủ tục tố tụng tại Tòa án hoặc theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại. Cụ thể:
Thứ nhất, giải quyết bằng Trọng tài thương mại:
Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại. Tại trọng tài Việt Nam sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Về trình tự, thủ tục giải quyết bằng Trọng tài thương mại như sau:
– Nguyên đơn chuẩn bị đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo.
– Bị đơn sẽ nộp bản tự bảo vệ hoặc kiện lại gửi đến Trung tâm trọng tài thương mại sau khi nguyên đơn nộp đơn khởi kiện đến Trọng tài.
– Trung tâm trọng tài thương mại tiến hành thành lập Hội đồng trọng tài để mở phiên họp giải quyết tranh chấp.
– Hội đồng trọng tài sẽ đưa ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số sau khi kết thúc phiên họp giải quyết tranh chấp.
Khi giải quyết theo hình thức này, các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
Điều kiện để giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại gồm:
+ Nếu các bên có thỏa thuận trọng tài thì tranh chấp sẽ được giải quyết trên cơ sở Trọng tài (lưu ý thỏa thuận trọng tài sẽ được lập trước hoặc lập sau khi có tranh chấp xảy ra).
+ Nếu như một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi thì thỏa thuận trọng tài vẫn sẽ có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật.
+ Nếu một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là ổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó (ngoại trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác).
(căn cứ Điều 5 Luật trọng tài thương mại 2010).
Thứ hai, giải quyết bằng Tòa án:
Giải quyết tranh chấp bằng tòa án được coi là có thủ tục chặt chẽ, mang tính quyền lực nhà nước, có giá trị thi hành cao. Thường sẽ là thủ tục được lựa chọn cuối cùng khi các bên không thể tiến hành hòa giải thương lượng hay lựa chọn các phương thức hòa giải trên.
Trình tự, thủ tục tiến hành khởi kiện tranh chấp thương mại tại Tòa án như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện:
Hồ sơ khởi kiện vụ án tranh chấp công cụ chuyển nhượng bao gồm:
– Đơn khởi kiện đảm bảo có đầy đủ các nội dung cơ bản sau:
+ Thời gian làm đơn khởi kiện: ngày, tháng, năm.
+ Thông tin nơi Tòa án tiếp nhận đơn khởi kiện.
+ Thông tin của người làm đơn: gồm họ và tên; ngày tháng năm sinh; địa chỉ liên lạc;…
+ Thông tin của tổ chức doanh nghiệp bị kiện gồm: tên công ty, trụ sở công ty, mã số thuế/mã số doanh nghiệp,…
Trường hợp người bị kiện là cá nhân thì thông tin gồm: họ và tên; ngày tháng năm sinh; địa chỉ liên lạc;…
+ Trình bày tóm gọn sự việc tranh chấp xảy ra.
+ Trình bày yêu cầu của mình.
+ Đính kèm đơn là giấy tờ, tài liệu có giá trị chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình.
– Giấy tờ tùy thân (gồm chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân) của người khởi kiện.
– Công cụ chuyển nhượng bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán.
– Thông báo về việc công cụ chuyển nhượng bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán.
– Biên bản hòa giải không thành (nếu có).
Bước 2: Nộp đơn khởi kiện:
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 79 Luật công cụ chuyển nhượng 2005, Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền.
Hình thức nộp đơn khởi kiện: nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện.
Bước 3: Tòa án thụ lý vụ án:
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Trình tự giải quyết tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Thời hiệu khởi kiện tranh chấp công cụ chuyển nhượng:
Theo quy định tại Điều 78 Luật công cụ chuyển nhượng 2005, thời hiệu khởi kiện tranh chấp công cụ chuyển nhượng sẽ phân theo trường hợp sau:
(i) Trường hợp người thụ hưởng sẽ có quyền khởi kiện người ký, người bảo lãnh, người phát hành, người chuyển nhượng, người chấp nhận yêu cầu thanh toán: thời hiệu khởi kiện là 03 năm tính từ ngày công cụ chuyển nhượng bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán.
(ii) Trường hợp người có liên quan bị khởi kiện sẽ có quyền khởi kiện đối tượng là người ký phát, người phát hành, người chuyển nhượng trước mình, người bảo lãnh, người chấp nhận: thời hiệu khởi kiện là 02 năm tính từ ngày người có liên quan này hoàn thành nghĩa vụ thanh toán công cụ chuyển nhượng.
(iii) Trường hợp người thụ hưởng không xuất trình được công cụ chuyển nhượng để thanh toán theo đúng thời hạn hoặc không gửi thông báo về việc công cụ chuyển nhượng bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán trong thời hạn quy định: thời hiệu khởi kiện trong vòng 02 năm tính từ ngày ký phát công cụ chuyển nhượng.
Lưu ý: khoảng thời gian sau sẽ không được tính vào thời hiệu khởi kiện:
– Thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng.
– Thời gian xảy ra trở ngại khách quan ảnh hưởng tới việc thực hiện quyền khởi kiện của người thụ hưởng và người có liên quan.
4. Các hành vi bị cấm trong việc sử dụng các công cụ chuyển nhượng:
Theo Điều 15 Luật công cụ chuyển nhượng 2005 quy định các hành vi bị cấm như sau:
– Hành vi làm giả công cụ chuyển nhượng, tẩy xóa hoặc sửa chữa các thông tin, yếu tố trên công cụ chuyển nhượng.
– Có hành vi cố ý chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng hay xuất trình để thanh toán những công cụ chuyển nhượng bị sửa chữa, tẩy xóa hoặc làm giải.
– Thực hiện ký công cụ chuyển nhượng không đúng thẩm quyền.
– Có hành vi giả mạo chữ ký trên công cụ chuyển nhượng.
– Biết công cụ chuyển nhượng này quá hạn thanh toán hoặc đã bị từ chối chấp nhận, bị từ chối thanh toán hoặc đã được thông báo bị mất mà thực hiện chuyển nhượng công cụ chuyển nhượng đó.
– Sau khi bị đình chỉ quyền phát hành séc có hành vi cố ý phát hành séc.
– Khi không có đủ khả năng thanh toán, cố ý thực hiện phát hành công cụ chuyển nhượng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005.
Luật Trọng tài thương mại 2010 số