Hiện nay, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được đẩy mạnh. Vậy pháp luật quy định như thế nào về hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Mục lục bài viết
1. Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động doanh nghiệp nhỏ và vừa:
Hiện nay, Bộ lao động Thương binh – xã hội đang dự thảo thông tư hướng dẫn đào tạo nghề cho lao động doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dự thảo nêu rõ, người lao động có đủ các điều kiện quy định được doanh nghiệp cử tham gia các khóa đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 03 tháng và được hỗ trợ chi phí đào tạo. Các chi phí còn lại do doanh nghiệp nhỏ và vừa và người lao động thỏa thuận. Điều kiện của người lao động để được hỗ trợ đó là: người lao động đã làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu 06 tháng liên tục trước khi tham gia khoá đào tạo.
Trong số các đối tượng này thì đối với người lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động ở các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các doanh nghiệp do nữ làm chủ thì được ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề.
Doanh nghiệp tự lựa chọn ngành nghề hỗ trợ đào tạo lao động trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động, xác định trên cơ sở ngành, nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và có trong danh mục ngành nghề được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo quy định phù hợp từng vùng, địa phương. Đối với các ngành, nghề chưa có trong danh mục được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt thì doanh nghiệp đề xuất Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp, xem xét trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt để có căn cứ thực hiện.
Doanh nghiệp được lựa chọn cơ sở đào tạo nghề nghiệp trong địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp hoạt động, có ngành nghề đào tạo theo quy định trên để cử người lao động tham gia các khóa đào tạo nghề.
2. Quy trình, hình thức đào tạo nghề cho lao động doanh nghiệp nhỏ và vừa:
Bước 1: Trước hết doanh nghiệp ban hành văn bản cử người lao động (một hoặc nhiều người lao động) của doanh nghiệp tham gia các khóa đào tạo nghề, trong đó văn bản ghi rõ các thông tin bao gồm:
+ Họ tên, ngày tháng năm sinh, thời gian làm việc tại doanh nghiệp
+ Số sổ bảo hiểm xã hội
+ Ngành, nghề cần đào tạo, hình thức đào tạo
+ Dự kiến thời gian tham gia khóa đào tạo đối với từng người lao động, gửi cơ sở đào tạo nghề nghiệp và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp hoạt động.
Bước 2: Tiếp đến, cơ sở đào tạo nghề nghiệp tiếp nhận văn bản của doanh nghiệp, thực hiện công tác tuyển sinh, nhập học đối với lao động của doanh nghiệp như đối với người học của cơ sở đào tạo nghề nghiệp vào học trình độ sơ cấp theo quy định tại Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH về đào tọa trình độ sơ cấp hoặc vào học chương trình đào tạo dưới 3 tháng theo quy định tại Thông tư số
Bước 3: Tổ chức học theo lớp riêng hoặc học cùng với người học của cơ sở đào tạo nghề nghiệp cho người lao động của doanh nghiệp cử tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng được. Việc tổ chức do người đứng đầu cơ sở đào tạo nghề nghiệp quyết định và thông báo cho doanh nghiệp, người lao động tham gia học trước khi khai giảng khóa học ít nhất 05 ngày làm việc.
Cơ sở đào tạo nghề nghiệp tổ chức đào tạo theo đúng ngành nghề, nội dung đào tạo do doanh nghiệp lựa chọn cho người lao động của doanh nghiệp được cử tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp theo quy định tại Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng theo quy định tại Thông tư số
Lưu ý: dự thảo đã có những quy định mở khi cho phép doanh nghiệp được lựa chọn cơ sở đào tạo nghề trong địa bàn tỉnh, TP trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp hoạt động, có ngành nghề đào tạo theo quy định để cử lao động tham gia đào tạo nghề. Nếu doanh nghiệp vừa và nhỏ tự tổ chức đào tạo cho người lao động thì phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, đồng thời phải báo cáo và phải được sự đồng ý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Bên cạnh đó, việc quyết toán chi phí hỗ trợ đào tạo thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, mỗi người một lần, mức chi theo thông báo của cơ sở đào tạo nghề nghiệp nhưng tối đa không quá mức quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng đó là tối đa 02 triệu đồng/người/khóa học.
3. Trách nhiệm của doanh nghiệp nhỏ và vừa và người lao động trong doanh nghiệp:
Trách nhiệm của doanh nghiệp nhỏ và vừa:
– Doanh nghiệp có trách nhiệm thông tin, phổ biến chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp theo quy định.
– Có kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động đang làm việc trong doanh nghiệp hằng năm theo quy định, kế hoạch dự kiến rõ số lượng lao động cần đào tạo, ngành nghề đào tạo, hình thức đào tạo và các nội dung khác có liên quan.
– Lựa chọn và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn ngành nghề đào tạo, cơ sở đào tạo nghề nghiệp và đề xuất, cử người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tham gia khóa đào tạo nghề theo quy định.
– Chi trả tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học và các chi phí khác theo quy định.
– Giám sát việc tổ chức đào tạo nghề với các cơ sở đào tạo nghề nghiệp đối với người lao động của doanh nghiệp được cử đi học, đồng thời báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trong báo cáo lao động hàng năm gửi tới sở Lao động thương binh xã hội.
Trách nhiệm của người học là lao động đang làm việc trong doanh nghiệp:
Dự thảo cũng có nội dung quy định người học là lao động đang làm việc trong doanh nghiệp được cử đi đào tạo nghề có những trách nhiệm sau đây:
– Có quyền yêu cầu doanh nghiệp phổ biến, hướng dẫn để nắm được các chính sách, quy định về hỗ trợ đào tạo nghề và có quyền yêu cầu được đào tạo, phát triển nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
– Có quyền đưa ra lựa chọn, đề xuất với doanh nghiệp về ngành nghề đào tạo, cơ sở đào tạo nghề nghiệp, địa điểm đào tạo, hình thức đào tạo, thời gian tham gia khóa đào tạo và các hỗ trợ cần thiết khác khi tham gia khóa đào tạo nghề phù hợp với quy định của pháp luật.
– Có trách nhiệm cung cấp đúng, đầy đủ thông tin về bản thân và chịu trách nhiệm về những nội dung đã kê khai trong hồ sơ nhập học.
– Tham gia đầy đủ các buổi học theo chương trình đào tạo của khóa học và chấp hành đúng các quy định của lớp học, của cơ sở đào tạo nghề nghiệp.
– Có trách nhiệm làm báo cáo kết quả trong quá trình tham gia học tại cơ sở đào tạo nghề và chấp hành sự phân công của doanh nghiệp sau khi kết thúc khóa đào tạo nghề.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017
Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.