Hành vi làm nhục hoặc hành hung người chỉ huy cấp trên là một trong những hành vi có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi đó. Vậy hình thức xử lý hành vi này được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Xử lý hành vi làm nhục, hành hung người chỉ huy, cấp trên:
Căn cứ quy định tại điều 16 Thông tư 16/2020/TT-BQP về việc áp dụng các hình thức kỷ luật và trình tự thủ tục áp dụng các hình thức kỷ luật thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý trong Bộ quốc phòng thì tội làm nhục người chỉ huy cấp trên sẽ bị xử lý như sau:
– Người có hành vi dùng lời nói hoặc các hành động nhằm xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín hoặc thân thể của người chỉ huy, cấp trên của mình thì người đó sẽ bị xử lý kỷ luật từ mức độ nhẹ nhất là khiển trách, cảnh cáo đến mức cao hơn là hạ bậc lương, giáng cấp quân hàm;
– Nếu người hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên là sĩ quan hoặc gây thương tích, tổn hại sức khỏe cho chỉ huy hoặc cấp trên nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định; lôi kéo người khác tham gia vào việc làm nhục hoặc hành hung cấp trên hoặc chỉ huy thì sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật mức nhẹ nhất là giáng chức, cách chức, tước quân hàm sĩ quan đến mức cao nhất là tước danh hiệu quân nhân và buộc thôi việc.
Như vậy có thể thấy, trong trường hợp một người có hành vi cố ý xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người chỉ huy hoặc cấp trên làm họ bị mất uy tín trước mặt người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hoặc nơi công cộng. Hành vi này có thể được thể hiện thông qua hành động như vu khống, sử dụng những hình ảnh cá nhân để đăng lên các trang mạng xã hội, chửi rủa, sỉ nhục người đó ở nơi công cộng hoặc có những hành vi mang tính chất bị ổi khác. Hành vi này cũng có thể được thực hiện trước mặt người chỉ huy hoặc cấp trên hoặc khi không có mặt người này. Mặc dù người phạm tội biết hành vi của mình là hành vi gây xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi đó đến cùng và mong muốn hậu quả xảy ra. Trong trường hợp này người có hành vi làm nhục hoặc hành hung chỉ huy, cấp trên chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý kỉ luật tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi và đối tượng tác động của hành vi đó.
2. Làm nhục, hành hung chỉ huy, cấp trên có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Ngoài bị xử lý kỷ luật trong trường hợp người có hành vi làm nhục hoặc hành hung chỉ huy, cấp trên cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 397, 398 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:
2.1. Hành vi làm nhục chỉ huy, cấp trên:
Hành vi làm nhục chỉ huy, cấp trên có thể bị xử lý hình sự dưới tội danh làm nhục đồng đội theo quy định tại Điều 397 BLHS trong đó:
– Nếu một người trong quan hệ công tác với các đồng đội khác mà có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người đó thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt nhẹ nhất là cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
– Nếu người phạm tội có hành vi làm nhục người khác thuộc trong các trường hợp dưới đây thì sẽ chịu mức hình phạt từ 2 đến 5 năm tù:
+ Người thực hiện hành vi này là chỉ huy hoặc sĩ quan quân đội.
+ Thực hiện hành vi làm nhục đối với chỉ huy hoặc cấp trên của người đó.
+ Làm nhục đồng đội vì lý do công vụ của họ. Lý do công vụ có thể là trong trường hợp người bị làm nhục đang là người thi hành công vụ (là những nhiệm vụ được nhà nước giao vì lợi ích chung của xã hội và cộng đồng). Do đó, trường hợp này hành vi phạm tội không chỉ xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người bị hại mà còn xâm phạm đến trật tự công cộng gây cản trở hoạt động chung của xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự, trị an vì trong khi thi hành công vụ, người bị hại đang thay mặt nhà nước chứ không phải là nhân danh cá nhân của họ.
+ Có hành vi làm nhục đồng đội trong khu vực có chiến sự.
+ Thực hiện hành vi phạm tội này từ 2 lần trở lên, tức là người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm đối với một hoặc nhiều người từ 2 lần trở lên và mỗi lần phạm tội đều có thể thỏa mãn các cấu thành của tội làm nhục đồng đội.Tuy nhiên, trong số các lần phạm tội đó, chưa có lần nào đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Do có sự lặp đi lặp lại hành vi phạm tội làm nhục đồng đội đã được thực hiện trước đó nên mức độ nguy hiểm cao hơn với trường hợp phạm tội thông thường.
+ Hành vi làm nhục đồng đội đối với 2 người trở lên. Để áp dụng tình tiết này cần xác định được việc người phạm tội đã có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của 2 người trở lên và có thể trong cùng một khoảng thời gian hoặc trong những khoảng thời gian khác nhau.
+ Sau khi thực hiện hành vi đã để lại hậu quả cho người đó khiến cho họ bị rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 46% trở lên. Quy định này là quy định mới được bổ sung trong bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Bởi thực tiễn đã cho thấy nhiều trường hợp người do bị làm nhục mà dẫn đến việc trầm cảm hoặc bị suy sụp về tinh thần, gây ra chứng rối loạn về hành vi có thể thấy hậu quả gây ra rất nghiêm trọng và ảnh hưởng đến người đó lâu dài. Vì vậy đây được xem là một tình tiết định khung tăng nặng của tội làm nhục đồng đội.
+ Hoặc hậu quả nguy hiểm hơn của hành vi làm nhục đồng đội, đó là việc nạn nhân tự sát. Đây là một trong những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi làm nhục đồng đội gây ra. Nguyên nhân của trường hợp này là do hành vi phạm tội đã khiến cho người bị hại tuyệt vọng, cảm thấy nhục nhã đến mức muốn tự kết liễu cuộc đời mình. Nạn nhân không muốn tiếp tục cuộc sống để phải đối mặt với những tác động do hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm đã gây ra. Cần lưu ý, đối với tình tiết làm nạn nhân tự sát chỉ cần nạn nhân có hạnh vi tự sát thì người phạm tội sẽ bị áp dụng tình tiết này mà không đòi hỏi về hậu quả của việc tự sát có xảy ra hay không?
2.2. Hành vi hành hung chỉ huy, cấp trên:
Hành vi hành hung chỉ huy, cấp trên có thể bị xử lý hình sự dưới tội danh hành hung đồng đội theo quy định tại Điều 398 Bộ luật hình sự như sau:
– Nếu một người trong quan hệ công tác với các đồng đội khác mà có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người đó đồng thời không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 BLHS thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt nhẹ nhất là cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
– Nếu người phạm tội có hành vi hành hung người khác thuộc trong các trường hợp dưới đây thì sẽ chịu mức hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Người thực hiện hành vi này là chỉ huy hoặc sĩ quan quân đội.
+ Thực hiện hành vi hành hung đối với chỉ huy hoặc cấp trên của người đó.
+ Hành hung đồng đội vì lý do công vụ của họ. Lý do công vụ có thể là trong trường hợp người bị làm nhục đang là người thi hành công vụ (là những nhiệm vụ được nhà nước giao vì lợi ích chung của xã hội và cộng đồng). Do đó, trường hợp này hành vi phạm tội không chỉ xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người bị hại mà còn xâm phạm đến trật tự công cộng gây cản trở hoạt động chung của xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự, trị an vì trong khi thi hành công vụ, người bị hại đang thay mặt nhà nước chứ không phải là nhân danh cá nhân của họ.
+ Có hành vi hành hung đồng đội trong khu vực có chiến sự.
+ Hậu quả của hành vi hành hung đồng đội là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 16/2020/TT-BQP áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý trong Bộ quốc phòng
– Bộ luật Hình sự năm 2015 sử đổi, bổ sung năm 2017