Để đảm bảo chắc chắn rằng người mua sẽ sở hữu một chiếc xe ô tô với giá hợp lý, các bên sẽ cần phải ký kết hợp đồng đặt cọc. Vậy, có lấy lại được tiền sau khi đã đặt cọc mua xe ô tô hay không?
Mục lục bài viết
1. Có lấy lại được tiền sau khi đã đặt cọc mua xe ô tô không?
Vấn đề đặt cọc là một trong những phương thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được pháp luật quy định một cách cụ thể và rõ ràng. Đặt cọc được áp dụng trong nhiều giao dịch khác nhau, đặc biệt là trong giao dịch liên quan đến bất động sản và động sản có đăng ký quyền sở hữu (trong đó có ô tô và xe máy). Nhiều người đặt ra câu hỏi: Có lấy lại được tiền sau khi đã đặt cọc mua bán xe ô tô hay không? Để trả lời được câu hỏi này thì cần phải tìm hiểu quy định của pháp luật trong hoạt động đặt cọc.
Căn cứ theo quy định tại Điều 328 của Bộ luật dân sự năm 2015, thì có thể hiểu, đặt cọc là việc bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc các tài sản có giá trị khác theo quy định của pháp luật trong một khoảng thời gian nhất định để đảm bảo việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng theo như sự thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp hợp đồng được giao kết và thực hiện trên thực tế đúng theo thỏa thuận của các bên thì tài sản đặt cọc sẽ được trả lại cho bên đặt cọc theo quy định của pháp luật hoặc được trừ vào nghĩa vụ trả tiền của bên đặt cọc, nếu như bên đặt cọc từ chối việc giao kết hợp đồng hoặc từ chối thực hiện hợp đồng theo thỏa thuận ban đầu thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc. Nếu như bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng thì sẽ phải trả lại cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc đó và một khoản tiền tương ứng với giá trị đặt cọc (tức là 02 lần khoản tiền đặt cọc ban đầu), trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Như vậy thì có thể nói, căn cứ theo quy định tại Điều 328 của Bộ luật dân sự năm 2015 nêu trên thì hiện nay, trong quy định của pháp luật Việt Nam về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì không yêu cầu hợp đồng đặt cọc phải được lập thành văn bản. Do vậy việc hai bên thực hiện quá trình đặt cọc và thể hiện bằng văn bản về việc đã giao cho người bán một số tiền nhầm mục đích bảo đảm việc giao kết hợp đồng mua bán xe ô tô trong một khoảng thời gian nhất định, mặc dù không lập thành hợp đồng đặt cọc hoặc
Và theo điều luật nêu trên thì cũng có thể thấy, khi hai bên có thực hiện việc giao kết thỏa thuận đặt cọc, bên đặt cọc mua xe ô tô sẽ chỉ có thể được quyền lấy lại số tiền đặt cọc trong những trường hợp sau:
– Bên bán xe ô tô không tiến hành hoạt động giao kết và thực hiện hợp đồng theo thỏa thuận ban đầu của các bên thì bên bán sẽ phải trả lại cho bên mua khoản tiền đặt cọc ban đầu và một số tiền tương ứng với số tiền đặt cọc đó;
– Trong trường hợp bên mua không muốn mua tài sản đó, từ chối việc giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán, thì có thể thỏa thuận với bên bán để lấy lại được tiền đặt cọc nếu bên bán đồng ý;
– Nếu như bên mua ô tô không muốn thực hiện hợp đồng theo thỏa thuận của các bên, yêu cầu trả lại khoản tiền đặt cọc nhưng không được bên bán đồng ý, từ chối việc giao kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng mua bán thì số tiền đặt cọc đó sẽ thuộc về bên bán xe ô tô.
2. Khi phát sinh tranh chấp đặt cọc mua xe ô tô, có những phương thức giải quyết nào?
Hợp đồng nói chung và hợp đồng đặt cọc nói riêng là sự thỏa thuận của các bên nhằm thỏa mãn một hoặc một số lợi ích nào đó của các bên chủ thể. Khi phát sinh tranh chấp tức là có ít nhất một trong các bên cho rằng quyền lợi của mình đang bị xâm phạm, thì có một số hình thức giải quyết như sau:
Thứ nhất, giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc thông qua phương thức thương lượng. Thương lượng được xem là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tranh chấp ngồi lại với nhau để bàn bạc và thống nhất tháo gỡ các mâu thuẫn. Tháo gỡ vướng mắc để có thể loại bỏ tranh chấp. Việc thương lượng sẽ dựa trên sự thiện chí của các bên mà không có sự xuất hiện của bên thứ ba. Có thể đánh giá phương thức thương lượng được xem là biện pháp giải quyết tranh chấp không chính thức. Thông thường thì phương thức thương lượng sẽ được áp dụng khi tranh chấp mới phát sinh và các bên sẽ tiến hành hoạt động trao đổi với nhau để giải quyết tranh chấp.
Thứ hai, giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hoà giải. Hòa giải được xem là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba đứng ra làm trung gian hòa giải nhằm mục đích hỗ trợ cho các bên tranh chấp để đi đến loại bỏ mâu thuẫn một cách tốt nhất và đảm bảo quyền lợi nhất. Thông thường thì sau khi biện pháp thỏa thuận không thành công thì các bên sẽ tiếp tục giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa giải theo quy định của pháp luật. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể khác nhau mà pháp luật có yêu cầu riêng cho biện pháp hòa giải. Bên thứ ba sẽ đứng ra làm hòa giải cho các bên và đó có thể là cá nhân hoặc tổ chức được các bên tin tưởng hoặc cũng có thể là cơ quan hành chính nhà nước và các cơ quan tư pháp theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, giải quyết tranh chấp thông qua hình thức trọng tài thương mại. Trọng tài thương mại là hình thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận trong hợp đồng và được tiến hành theo quy định của Luật trọng tài thương mại năm 2010. Tuy nhiên trên thực tế thì không phải bất cứ lúc nào thỏa thuận trọng tài cũng có hiệu lực, thỏa thuận trọng tài phải đắp ứng được đầy đủ điều kiện có hiệu lực theo quy định của pháp luật thì mới được giải quyết tại trọng tài và việc giải quyết tại trọng tài phải do cả hai bên tranh chấp đồng ý.
Thứ tư, giải quyết tranh chấp tại tòa án nhân dân có thẩm quyền. Khi phát sinh tranh chấp về hợp đồng thì nếu như các bên không thể thương lượng hoặc hòa giải được thì một trong các bên nhận thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp căn cứ theo quy định tại Điều 186 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Tùy vào từng tình huống cụ thể mà tranh chấp hợp đồng đặt cọc có thể được xác định là tranh chấp dân sự căn cứ theo quy định tại Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 hoặc tranh chấp kinh doanh thương mại căn cứ theo quy định tại Điều 30 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Và việc giải quyết tranh chấp tại tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền sẽ cần phải tuân thủ theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định. Các bên hoàn toàn có thể xem xét những phương án nêu trên để giải quyết tranh chấp một cách tốt nhất và đảm bảo quyền lợi tối đa nhất cho các bên.
3. Thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua xe ô tô:
Trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp trong vấn đề đặt cọc sẽ được thực hiện theo các giai đoạn cơ bản sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện để nộp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thành phần hồ sơ khởi kiện trong trường hợp này sẽ bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu cơ bản sau đây:
– Đơn khởi kiện theo mẫu do pháp luật quy định;
– Tài liệu chứng cứ liên quan đến hợp đồng đặt cọc như hợp đồng hoặc giấy biên nhận …;
– Các giấy tờ pháp lý cá nhân đối với người khởi kiện được xác định là cá nhân, các giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với người khỏi chuyện được xác định là cơ quan tổ chức;
– Các giấy tờ pháp lý của cá nhân trong trường hợp người bị kiện được xác định là cá nhân, các giấy tờ pháp lý của tổ chức trong trường hợp người bị kiện được xác định là cơ quan tổ chức;
– Và các loại giấy tờ cơ bản khác khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Bước 2: Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ nêu trên thì sẽ nộp hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này sẽ thuộc về tòa án nhân dân. Có thể nộp hồ sơ tại nhiều hình thức khác nhau căn cứ theo quy định tại Điều 190 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, có thể nộp trực tiếp tại tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc nộp thông qua dịch vụ bưu chính, hoặc nộp hồ sơ thông qua hình thức trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của tòa án, trong trường hợp này thì người khởi kiện cần phải có chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật.
Bước 3: Tòa án sẽ xem xét đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 190 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì trong thời gian không quá 08 ngày làm việc thẩm phán được phân công sẽ phải thông báo nộp tiền tạm ứng án phí đối với người khởi kiện trong trường hợp người khởi kiện thuộc trường hợp phải nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật. Trong thời gian 07 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được giấy báo của tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, thì người khởi kiện sẽ phải có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nộp lại cho tòa án biên lai thu tiền nộp tiền tạm ứng án phí đó. Thẩm phán xét yêu cầu sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện trong trường hợp xét thấy đơn khởi kiện chưa đúng theo quy định của pháp luật, hoặc thẩm phán sẽ ra quyết định chuyển đơn khởi kiện cho tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu xét thấy vụ việc đó thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án khác.
Bước 4: Tòa án ra thông báo thụ lý vụ án căn cứ theo quy định tại Điều 195 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, thẩm phán tiến hành hoạt động thụ lý vụ án theo quy định của pháp luật khi người phát hiện nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Trong trường hợp người khởi kiện thuộc trường hợp được miễn phí thì thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo. Sau đó, sẽ tiến hành hoạt động chuẩn bị xét xử sơ thẩm căn cứ theo quy định tại Điều 203 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Trong quá trình chuẩn bị xét xử sơ thẩm thì tòa án sẽ tiến hành phiên họp kiểm tra chứng cứ và hòa giải. Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề giải quyết tranh chấp thì tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành. Nếu như các bên hòa giải không thành công thì tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.