Xác định nơi cư trú của bị đơn là căn cứ để xác định được Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Vậy không xác định được nơi cư trú của bị đơn, Tòa có thụ lý?n
Mục lục bài viết
1. Không xác định được nơi cư trú của bị đơn, Tòa có thụ lý?
Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ, Điều này quy định về Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
– Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc (trong trường hợp bị đơn là cá nhân) hoặc nơi bị đơn có trụ sở (trong trường hợp bị đơn là cơ quan, tổ chức) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, về kinh doanh, thương mại, lao động đã được quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành;
– Các đương sự có quyền tự thoả thuận với nhau (thỏa thuận phải được lập bằng văn bản) yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn (trong trường hợp nguyên đơn là cá nhân) hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn (trong trường hợp nguyên đơn là cơ quan, tổ chức) giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã được quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành;
– Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi mà có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
Theo đó, nếu các đương sự không thỏa thuận với nhau về yêu cầu Tòa án theo lãnh thổ giải quyết vụ án hoặc đối tượng tranh chấp không phải là bất động sản thì tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc (trong trường hợp bị đơn là cá nhân) hoặc nơi bị đơn có trụ sở (trong trường hợp bị đơn là cơ quan, tổ chức) có thẩm quyền giải quyết. Ngoài ra, Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, Điều này quy định nguyên đơn sẽ có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, tranh chấp về kinh doanh, thương mại, lao động nếu trong trường hợp nguyên đơn không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn (người bị khởi kiện) thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc là nơi mà bị đơn có tài sản giải quyết.
Đồng thời, một trong những nội dung bắt buộc phải có trong đơn khởi kiện đó chính là tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện (nếu là cá nhân) hoặc trụ sở của người bị kiện (nếu là cơ quan, tổ chức). Việc trong đơn khởi kiện phải có nội dung này nhằm mục đích để:
– Xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo lãnh thổ đã nêu ở trên;
– Thực hiện nghĩa vụ thông báo cho bị đơn (người bị khởi kiện) biết việc tòa án đã thụ lý vụ án (thông tin cho bị đơn biết mình đã bị ai đó khởi kiện vì lý do gì để mà còn chuẩn bị hầu tòa).
Thêm nữa, điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về những trường hợp trả lại đơn khởi kiện, Điều này quy định một trong những trường hợp Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện đó chính là người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo như yêu cầu của Thẩm phán theo quy định của pháp luật. Trường hợp trong đơn khởi kiện mà người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện nhưng họ lại không có nơi cư trú ổn định, họ thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không có thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú khiến cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích để che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán sẽ không trả lại đơn khởi kiện mà Tòa án sẽ xác định người bị kiện đang cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung. Trong trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện không ghi đầy đủ, cụ thể hoặc người khởi kiện ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện mà không thực hiện sửa chữa, bổ sung theo yêu cầu của Thẩm phán thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện.
Qua các quy định trên, có thể hiểu khi thực hiện khởi kiện và nộp đơn khởi kiện, người khởi kiện cần phải biết được nơi cư trú của người bị kiện và ghi rõ địa chỉ của người bị kiện trong đơn khởi kiện, nếu như người khởi kiện không rõ nơi cư trú hiện tại của người bị kiện thì người khởi kiện phải biết được nơi cư trú, làm việc cuối cùng của người bị kiện và phải ghi rõ, cụ thể địa chỉ đó trong đơn khởi kiện.
Như vậy, có thể khẳng định được rằng nguyên đơn không xác định được nơi cư trú của bị đơn (nơi cư trú hiện tại hoặc nơi cư trú cuối cùng của người bị kiện) và không ghi rõ, cụ thể địa chỉ của bị đơn trong đơn khởi kiện thì Tòa án sẽ trả lại đơn và không thụ lý vụ án.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp Tòa án vẫn tiếp tục giải quyết vụ án khi không xác định được địa chỉ cư trú của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (lưu ý rằng đây là trường hợp không xác định được nơi cư trú của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chứ không phải là bị đơn), trường hợp này được hướng dẫn tại khoản 3 Điều 6 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, Điều này quy định đối với vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản mà có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thuộc diện được thừa kế mà nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ và Tòa án cũng đã tiến hành các biện pháp để thu thập, xác minh địa chỉ theo đúng các quy định của pháp luật nhưng vẫn không xác định được về địa chỉ của người đó thì Tòa án vẫn giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
2. Xác định nơi cư trú cuối cùng của bị đơn:
2.1. Nơi cư trú cuối cùng của bị đơn được hiểu như thế nào?
Như đã phân tích ở mục trên, nếu như người khởi kiện không rõ nơi cư trú hiện tại của người bị kiện thì người khởi kiện phải biết được nơi cư trú, làm việc cuối cùng của người bị kiện và phải ghi rõ, cụ thể địa chỉ đó trong đơn khởi kiện. Địa chỉ nơi cư trú cuối cùng của bị đơn được hướng dẫn tại khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, Điều này quy định địa chỉ “nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng” của người bị kiện chính là địa chỉ người bị kiện đã từng cư trú, làm việc hoặc đã từng có trụ sở mà người khởi kiện biết được gần nhất tính đến tại thời điểm khởi kiện và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh.
2.2. Cách xác định nơi cư trú cuối cùng của bị đơn:
Căn cứ Điều 5 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP thì nơi cư trú cuối cùng của bị đơn được xác định như sau:
– Nếu người bị kiện là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng vẫn còn quốc tịch Việt Nam trở về Việt Nam sinh sống thì nơi cư trú của họ chính là địa chỉ chỗ ở hợp pháp mà người bị kiện thường trú hoặc có tạm trú hoặc đang sinh sống theo quy định của Luật cư trú;
– Nếu người bị kiện là người nước ngoài mà đang cư trú tại Việt Nam thì nơi cư trú của họ sẽ được xác định theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
– Nếu người bị kiện là người nước ngoài, người Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài thì nơi cư trú của họ sẽ được xác định căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do người khởi kiện thực hiện cung cấp hoặc theo tài liệu, chứng cứ do cơ quan có thẩm quyền cấp, xác nhận;
– Nếu người bị kiện là cơ quan, tổ chức có quốc tịch Việt Nam thì địa chỉ của cơ quan, tổ chức đó được xác định là nơi cơ quan, tổ chức đó có trụ sở chính hoặc có chi nhánh theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức mà có quốc tịch nước ngoài thì địa chỉ của cơ quan, tổ chức đó được xác định căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do người khởi kiện đã cung cấp hoặc theo tài liệu, chứng cứ do cơ quan có thẩm quyền cấp, xác nhận.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
– Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án.