Khi nhập khẩu, tạm nhập, tái nhập lô vật thể, chuyển cửa khẩu và chuyển vào kho ngoại quan thì phải thực hiện thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu. Vậy hồ sơ và thủ tục đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu được thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu:
Căn cứ Điều 6 Thông tư
– Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật (mẫu giấy đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 34/2018/TT-BNNPTNT sửa đổi về trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu);
– Bản sao chụp hoặc bản điện tử hoặc bản chính của Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền của nước xuất khẩu thực hiện cấp. Lưu ý rằng, trong trường hợp chủ vật thể nộp bản sao chụp hoặc bản điện tử thì phải nộp bản chính trước khi mà được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa cho lô vật thể;
– Bản chính hoặc bản điện tử hoặc bản sao chứng thực của Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu (trường hợp quy định buộc phải có Giấy phép).
2. Thủ tục đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu:
Căn cứ Điều 7 Thông tư
2.1. Nộp hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu:
Chủ vật thể nộp (gửi) 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu đã nêu ở mục trên đến cơ quan kiểm dịch thực vật bằng một trong các phương thức nộp hồ sơ sau:
– Nộp hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu trực tiếp tại cơ quan kiểm dịch thực vật.
– Nộp hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu qua bưu chính.
– Nộp hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu qua Cơ chế một cửa Quốc gia (trực tuyến).
2.2. Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu:
Cơ quan kiểm dịch thực vật phải có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra ngay tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu theo quy định. Trường hợp hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu không hợp lệ thì yêu cầu chủ vật thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu.
2.3. Kiểm tra vật thể:
– Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu, cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định địa điểm và thực hiện bố trí công chức kiểm tra ngay lô vật thể theo trình tự sau đây:
+ Kiểm tra sơ bộ: Kiểm tra bên ngoài của lô vật thể, bao bì đóng gói, phương tiện chuyên chở; khe, kẽ và những nơi mà sinh vật gây hại có thể ẩn nấp; thu thập các côn trùng bay, bò hoặc bám bên ngoài lô vật thể;
+ Kiểm tra chi tiết: Kiểm tra ở bên trong và lấy mẫu lô hàng theo đúng quy định tại QCVN 01-141:2013/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương pháp lấy mẫu kiểm dịch thực vật; thực hiện thu thập các vật thể mang triệu chứng gây hại và sinh vật gây hại.
– Giám định sinh vật gây hại: Cơ quan kiểm dịch thực vật phải gửi mẫu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, vật thể có mang triệu chứng gây hại và sinh vật gây hại thu được đến cho Tổ chức giám định sinh vật gây hại. Tổ chức giám định sinh vật gây hại phải thực hiện giám định sinh vật gây hại và trả kết quả cho cơ quan kiểm dịch thực vật.
2.4. Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật:
– Cơ quan kiểm dịch thực vật thực hiện cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa (mẫu giấy chứng nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục IIA ban hành kèm theo Thông tư 34/2018/TT-BNNPTNT sửa đổi về trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu) trong vòng 24 giờ kể từ khi mà bắt đầu kiểm dịch đối với lô vật thể không bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc là đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ.
Lưu ý rằng, nếu trong trường hợp kéo dài hơn 24 giờ do có yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật hoặc trong trường hợp không cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật thì cơ quan kiểm dịch thực vật sẽ phải thông báo hoặc trả lời bằng văn bản và phải nêu rõ lý do cho chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch biết.
– Trường hợp phát hiện lô vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải thực hiện kiểm soát của Việt Nam hoặc là sinh vật gây hại lạ, cơ quan kiểm dịch thực vật sẽ quyết định áp dụng các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật phù hợp theo quy định.
– Trường hợp lô vật thể được vận chuyển bằng tàu biển mà có chiều cao khoang chứa hàng từ 3m trở lên, phải chia thành nhiều lớp để thực hiện kiểm tra thì sau khi kiểm tra mỗi lớp, căn cứ vào các kết quả kiểm tra, cơ quan kiểm dịch thực vật sẽ cấp Giấy tạm cấp kết quả kiểm dịch thực vật cho khối lượng vật thể đã thực hiện kiểm tra (mẫu giấy tạm cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục III kèm theo Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT).
Sau khi có Giấy tạm cấp kết quả, lô hàng sẽ được phép vận chuyển về kho bảo quản và sẽ chỉ được đưa ra sản xuất, kinh doanh sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa. Căn cứ theo kết quả kiểm tra toàn bộ lô vật thể thì cơ quan kiểm dịch thực vật thực hiện cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa cho lô vật thể.
3. Thông báo kiểm dịch thực vật nhập khẩu:
– Thông báo cho nước xuất khẩu: Cục Bảo vệ thực vật phải thông báo cho cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền của nước xuất khẩu trong các trường hợp sau:
+ Vật thể nhập khẩu đã bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc là sinh vật gây hại lạ và biện pháp kiểm dịch thực vật được áp dụng để xử lý;
+ Vật thể nhập khẩu chưa được phép tiến hành nhập khẩu vào Việt Nam;
+ Vật thể nhập khẩu không có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu tiến hành cấp;
+ Vật thể nhập khẩu vi phạm những quy định khác về kiểm dịch thực vật nhập khẩu của Việt Nam.
– Thông báo cho chủ vật thể và các cơ quan khác có liên quan: Cơ quan kiểm dịch thực vật thông báo cho chủ vật thể hoặc cho cơ quan khác có liên quan trong những trường hợp sau:
+ Vật thể nhập khẩu bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải thực hiện kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ và biện pháp kiểm dịch thực vật được áp dụng để xử lý;
+ Lô vật thể là giống cây trồng hoặc là sinh vật có ích.
4. Yêu cầu về kiểm dịch thực vật nhập khẩu:
Căn cứ Điều 4 Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT về vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 15/2021/TT-BNNPTNT quy định về yêu cầu chung về kiểm dịch thực vật, theo Điều này thì yêu cầu về kiểm dịch thực vật nhập khẩu bao gồm:
– Kiểm tra nhanh chóng, phát hiện chính xác các đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam và sinh vật gây hại lạ ở trên vật thể nhập khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu.
– Quyết định biện pháp xử lý phù hợp và kịp thời đối với các vật thể nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam và sinh vật gây hại lạ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT về vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 15/2021/TT-BNNPTNT.
– Thông tư 34/2018/TT-BNNPTNT sửa đổi về trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu.