Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn là Tòa án nơi bị đơn cư trú, tuy nhiên trên thực tế do nhiều nguyên nhân khách quan nên đôi khi không thể xác định được nơi cư trú của bị đơn. Vậy khi ly hôn mà vợ/chồng vắng mặt tại nơi cư trú giải quyết như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Ly hôn khi không xác minh được địa chỉ nơi bị đơn cư trú?
Câu hỏi: Anh Nghĩa ở Hà Nội có gửi câu hỏi tới Luật Dương Gia như sau: Vợ chồng tôi kết hôn được 15 năm nhưng không có con, sau đó vợ tôi đi vào miền Nam làm ăn và không còn liên lạc với gia đình. Tôi đã nộp đơn yêu cầu ly hôn ra tòa án tuy nhiên, tòa án đã từ chối đơn khởi kiện của tôi do không cung cấp được đầy đủ các tài liệu, chứng cứ như bản gốc giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và căn cước công dân của vợ tôi, và cũng không xác định được nơi cư trú của bị đơn. Tôi đã tìm về gia đình của cô ấy để lấy thông tin liên lạc nhưng gia đình vợ tôi cũng không thể liên lạc được với cô ấy. Tôi đang không biết rằng làm cách nào để có thể hoàn tất thủ tục ly hôn khi vợ vắng mặt tại nơi cư trú và không xác định được địa chỉ cư trú hiện tại của cô ấy. Mong luật sư giải đáp, tôi xin chân thành cảm ơn!
Về vấn đề của anh, chúng tôi xin giải đáp như sau:
Từ các thông tin mà bạn đã cung cấp có thể xác định được hiện tại bạn không xác định được nơi cư trú của vợ mình, đồng thời cũng không có các giấy tờ chứng minh nhân thân của vợ như căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu và cũng không có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 theo đó quy định về thẩm quyền xét xử của tòa án theo lãnh thổ được xác định là tòa án tại nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc cụ thể trong trường hợp này bạn cần gửi đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn tới tòa án nhân dân nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc.
Hoặc trường hợp hai bên có thì thỏa thuận với nhau về Tòa án có thẩm quyền giải quyết khi có tranh chấp về ly hôn xác định Tòa án nơi nguyên đơn cư trú sẽ có thẩm quyền giải quyết vụ việc.Tuy nhiên trong trường hợp này bạn và vợ không thể tự thỏa thuận với nhau việc xác định thẩm quyền nên cần xác định Tòa án có thẩm quyền là tòa án nơi cư trú cuối cùng của bị đơn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự.
Trong trường hợp này bạn nên liên lạc với người thân của vợ mình để nắm bắt thông tin về nơi cư trú hiện tại của vợ trong trường hợp người thân của vợ bạn cũng không biết về các tin tức, thông tin liên lạc thì bạn có thể làm đơn yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú tại tòa án nơi vợ anh cư trú cuối cùng. Điều kiện để yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú đó là việc người đó biệt tích từ 6 tháng trở lên. Cần lưu ý, đối với thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú cần phải được đăng trên báo hàng ngày của trung ương trong 3 số liên tiếp qua phát sóng trên đài truyền hình của trung ương hoặc phát sóng trên đài phát thanh 3 lần trong 3 ngày liên tiếp.
Nếu đã ra thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú nhưng vẫn không xác định được thông tin cư trú của vợ anh thì nếu một người biệt tích 2 năm liền trở lên sau khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp về thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định nhưng vẫn không có thông tin về việc người đó còn sống hay đã chết thì trong trường hợp này bạn có thể yêu cầu tòa án tiến hành thủ tục tuyên bố mất tích. Cần lưu ý thời gian 2 năm biệt tích sẽ được tính từ ngày cuối cùng của người mất tích hoặc nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng của người đó thì thời gian 2 năm sẽ được tính bắt đầu từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo trong tháng có tin tức cuối cùng trong trường hợp không xác định được ngày tháng có tin tức cuối cùng của người mất tích thì sẽ được xác định vào ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng của người đó.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 68 Bộ luật dân sự năm 2015 đối với trường hợp vợ hoặc chồng của người đã bị tuyên bố mất tích sẽ có quyền được đơn phương ly hôn và được tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của luật hôn nhân và gia đình.
Như vậy, sau khi bạn hoàn tất các thủ tục về thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và yêu cầu tòa án tuyên bố mất tích mà vẫn không có xác thực được thông tin của người vợ thì bạn có thể yêu cầu tòa án xét xử ly hôn đơn phương theo quy định.
2. Hồ sơ ly hôn đơn phương đối với người mất tích:
Cần lưu ý hồ sơ ly hôn đơn phương đối với người bị tòa án tuyên bố mất tích về cơ bản sẽ giống với hồ sơ ly hôn đơn phương trong trường hợp thông thường bao gồm các giấy tờ sau đây:
– Tuyên bố mất tích của tòa án có thẩm quyền nơi người đó cư trú cuối cùng;
– Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của 2 vợ chồng;
– Công dân của người có yêu cầu ly hôn đơn phương có chứng thực;
– Giấy đăng ký khai sinh của con chung (nếu có);
– Các giấy tờ chứng minh về tài sản chung của 2 vợ chồng. Ví dụ: Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ đăng ký xe,….
– Giấy tờ chứng minh về nợ chung của 2 vợ chồng. Ví dụ: Giấy vay nợ, hợp đồng vay,…
3. Trường hợp người mất tích quay trở về sau khi người vợ/chồng đã làm thủ tục ly hôn thì giải quyết như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về vấn đề hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích, cụ thể như sau:
Nếu như vợ hoặc chồng của người đã bị tòa án tuyên bố mất tích được tòa án quyết định bằng bản án ly hôn của tòa án có thẩm quyền thì cho dù việc người đã bị tuyên bố mất tích quay trở về hoặc có các thông tin về việc người đó đang còn sống trên thực tế thì bản án ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật.
Đồng thời căn cứ theo quy định tại Điều 67 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014:
Nếu trong trường hợp vợ hoặc chồng đã ly hôn khi một bên vợ hoặc chồng mất tích đã được tòa án có thẩm quyền giải quyết thì việc ly hôn vẫn sẽ có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, nếu vợ chồng có nguyện vọng quay trở lại với nhau thì vẫn được xem xét.
Tuy nhiên, đối với trường hợp vợ chồng vẫn còn tình cảm với nhau và mong muốn quay lại cuộc sống hôn nhân thì sẽ phải tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định như đối với lần đầu tiên kết hôn. Nếu trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích đã phát sinh quan hệ hôn nhân với người khác sau khi đã tiến hành thủ tục ly hôn với người bị tuyên bố mất tích thì quan hệ hôn nhân đó sẽ có hiệu lực trên thực tế.
Như vậy có thể khẳng định trường hợp đã có bản án ly hôn đối với người bị tuyên bố mất tích của tòa án có thẩm quyền thì trường hợp người vợ hoặc chồng đã mất tích quay trở về nếu bạn còn có nguyện vọng tái hợp với vợ hoặc chồng cũ thì hai người sẽ tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn lại theo quy định. Ngược lại, nếu bạn không muốn tiếp tục quan hệ hôn nhân với người này thì bản án ly hôn đã tuyên sẽ vẫn có hiệu lực pháp luật.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;
Bộ luật dân sự năm 2015;
Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.