Hộ cận nghèo được xem là đối tượng được ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn để có thể phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh. Vậy, mức vay tối đa cho hộ cận nghèo để sản xuất và kinh doanh được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mức vay tối đa cho hộ cận nghèo để sản xuất, kinh doanh:
Hiện nay có thể nói, vấn đề cho vay đối với hộ cận nghèo để sản xuất và kinh doanh là một trong những vấn đề quan trọng cải thiện đời sống của các hộ gia đình khó khăn. Pháp luật cũng quy định cụ thể về mức vay tối đa cho các đối tượng được xác định là hộ cận nghèo để họ có vốn trong quá trình sản xuất kinh doanh phục vụ cho nhu cầu và đời sống cá nhân. Căn cứ tại Điều 2 của Quyết định 15/2013/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ cận nghèo do Thủ tướng Chính phủ ban hành, có quy định về mức cho vay đối với những đối tượng được xác định là hộ cận nghèo, theo đó thì mức vay đối với hộ cận nghèo sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là ngân hàng chính sách xã hội và các đối tượng được xác định là hộ cận nghèo thỏa thuận với nhau, tuy nhiên, mức thỏa thuận này sẽ không được vượt quá mức vay tối đa trong quá trình phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh áp dụng đối với hộ cận nghèo trong từng thời kỳ nhất định.
Theo Mục 1 của Công văn 866/NHCS-TDNN năm 2019 về nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa do ngân hàng chính sách xã hội ban hành, có quy định về mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo. Theo đó thì pháp luật đang dần phát triển theo hướng nhân đạo hóa, nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay hộ nghèo từ 50.000.000 đồng/hộ lên 100.000.000 đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay. Cụ thể, các chương trình tín dụng được chủ thể có thẩm quyền đó là thủ tướng Chính phủ quy định mức cho vay tối đa không vượt quá mức cho vay tối đa áp dụng đối với những chủ thể được xác định là hộ nghèo trong từng thời kỳ được nâng mức cho vay tối đa lên 100.000.000 đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay, cụ thể:
– Chương trình cho vay hộ cận nghèo theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo;
– Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo;
– Chương trình cho vay phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy có thể nói, mức cho vay đối với những chủ thể được xác định là hộ cận nghèo nhằm phục vụ sản xuất, kinh doanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là ngân hàng chính sách xã hội và hộ cận nghèo thỏa thuận nhưng không vượt quá 100.000.000 đồng/hộ vay. Cụ thể:
– Không được vượt quá mức cho vay tối đa theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ;
– Mức cho vay tối đa đối với những chủ thể được xác định là hộ nghèo hiện nay là 100.000.000 đồng/hộ vay.
2. Điều kiện vay vốn của hộ cận nghèo để sản xuất, kinh doanh:
Căn cứ tại khoản 1 Điều 5 của Quyết định 15/2013/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ cận nghèo do Thủ tướng Chính phủ ban hành, có quy định về điều kiện cho vay như sau:
– Điều kiện, thành phần hồ sơ, thủ tục và trình tự tiến hành hoạt động cho vay đối với hộ cận nghèo được thực hiện như đối với cho vay hộ nghèo, tức là phải có địa chỉ cư trú hợp pháp và phải có trong danh sách hộ nghèo được ủy ban nhân dân cấp xã quyết định theo chuẩn nghèo do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố, được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, lập thành danh sách có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân cấp xã;
– Rủi ro đối với các khoản nợ của hộ cận nghèo theo quy định hiện nay phải được thực hiện theo cơ chế xử lý nợ bị rủi ro của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Như vậy, điều kiện để các chủ thể được xác định là hộ cận nghèo được vay vốn sản xuất kinh doanh là:
– Hộ cận nghèo phải có địa chỉ cư trú hợp pháp;
– Phải có trong danh sách hộ nghèo được cơ quan có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định theo chuẩn do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố;
– Được chủ thể có thẩm quyền là tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, lập thành danh sách có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Bên cạnh đó, trình tự và thủ tục để vay vốn đối với các hộ cận nghèo nhằm mục đích sản xuất kinh doanh sẽ phải trải qua một số giai đoạn sau:
Bước 1: Chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ để nộp về cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các đối tượng được xác định là hộ cận nghèo có mong muốn vay vốn sản xuất kinh doanh có thể tự nguyện gia nhập tổ tiết kiệm hoặc vay vốn tại nơi mà mình đang sinh sống. Người có nhu cầu vay vốn sẽ viết đơn đề nghị vay vốn và kèm theo các phương án sử dụng vốn để nộp tới tổ trưởng của tổ tiết kiệm và vay vốn theo quy định của pháp luật.
Bước 2: Sau khi nhận được hồ sơ và giấy tờ hợp lệ thì chủ thể có thẩm quyền sẽ tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo quy định của pháp luật. Tổ tiết kiệm và vay vốn kết hợp cùng với các tổ chức đoàn thể xem xét công khai những hộ cận nghèo đủ điều kiện để vay vốn theo quy định của pháp luật. Sau đó sẽ tiến hành hoạt động lập danh sách đối với các hộ gia đình đủ điều kiện vay vốn nộp lên ngân hàng chính sách, sau đó trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp xã để xác nhận đối tượng được vay và cư trú hợp pháp tại địa phương đó.
Bước 3: Tổ tiết kiệm và vay vốn sẽ gửi hồ sơ đề nghị vay vốn tại ngân hàng chính sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Sau đó ngân hàng sẽ phê duyệt cho vay và thông báo về cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp xã để thông báo đến người nộp hồ sơ.
Bước 4: Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ thông báo cho các tổ chức và đoàn thể cấp xã theo quy định của pháp luật. Sau đó các tổ chức và đoàn thể cấp xã sẽ thông báo cho tổ tiết kiệm và vay vốn. Sau khi nhận được thông báo thì tổ tiết kiệm và vay vốn cần phải thông báo cho các hộ gia đình vay vốn biết về danh sách hộ được vay và địa điểm giải ngân, thời điểm vay vốn theo quy định của pháp luật.
Bước 5: Ngân hàng chính sách nhà nước sẽ tiến hành hoạt động giải ngân trực tiếp cho người vay tại địa điểm đã được công bố của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi hộ vay cư trú hoặc tại trụ sở của ngân hàng chính sách nơi trực tiếp tiến hành hoạt động cho vay.
3. Quy định về thời hạn cho vay đối với hộ cận nghèo hiện nay:
Điều 4 của Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo, có quy định thời hạn vay vốn hộ cận nghèo do Ngân hàng chính sách xã hội và hộ cận nghèo vay vốn thỏa thuận phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền đó là ngân hàng chính sách xã hội có 03 gói cho vay đối với hộ cận nghèo, cụ thể như sau:
– Cho vay ngắn hạn: Cho vay đến 12 tháng (tức là cho vay đến 01 năm);
– Cho vay trung hạn: Cho vay từ trên 12 tháng đến 60 tháng (tức là cho vay đến 05 năm);
– Cho vay dài hạn: Cho vay trên 60 tháng (tức là cho vay trên 5 năm).
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo;
– Công văn số 866/NHCS-TDNN ngày 22/02/2019 của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa;
– Quyết định số 1826/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội.