Hành vi ép buộc người khác ly hôn là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy trong trường hợp cha mẹ ép con ly hôn để cưới người khác bị xử lý thế nào?
Mục lục bài viết
1. Cha mẹ có quyền yêu cầu ly hôn khi nào?
Căn cứ khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định ly hôn chính là việc chấm dứt mối quan hệ vợ chồng trên cơ sở bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Căn cứ Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn sẽ thuộc về:
– Vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng đều có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn.
– Nếu như một bên vợ hoặc chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình và là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần thì khi đó người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn là cha, mẹ, người thân thích của họ.
Như vậy theo quy định trên không phải trường hợp nào cũng có thể nộp đơn, mà chỉ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
+ Tình trạng của người bệnh phải đến mức không còn khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Việc này sẽ phải có tài liệu, giấy tờ do cơ sở y tế cấp trong đó có kết luận về tình trạng bệnh lý của người đó.
Trường hợp đối tượng bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì sẽ căn cứ dựa vào quyết định của Tòa án.
+ Người con bị bệnh tâm thần đó phải là nạn nhân của bạo lực gia đình do vợ, chồng của họ gây ra dẫn đến hậu quả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, tinh thần của chính người đó. Cụ thể những hành vi bạo lực gia đình có thể kể đến như sau:
- Hành vi đánh đập, ngược đãi, hành hạ hoặc những hành vi cố ý khác xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của đối phương.
- Hành vi lăng mạ; hoặc hành vi cố ý khác nhằm mục đích làm nhục đối phương, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của họ.
- Hành vi xua đuổi, cô lập, gây áp lực thường xuyên đến tinh thần của họ.
- Hành vi cưỡng ép để quan hệ tình dục.
- Hành vi cưỡng ép tảo hôn.
- Hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc cưỡng ép ly hôn trái phép.
- Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền cũng như nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông bà và cháu; giữa cha mẹ và con cái; giữa vợ chồng; anh chị em với nhau.
- Hành vi hủy hoại, chiếm đoạt, đập phá hoặc những hành vi khác với mục đích cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của các thành viên trong gia đình.
- Hành vi cưỡng ép vợ hoặc chồng lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ.
- Hành vi buộc thành viên của gia đình ra khỏi chỗ ở một cách trái pháp luật.
Luật Hôn nhân và gia đình đã mở rộng các đối tượng có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, thay vì chỉ có vợ, chồng là người trong cuộc thì cha, mẹ cũng như người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình. Đồng thời họ là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Quy định này trên thực tế đã góp phần tháo gỡ tình trạng nhiều trường hợp cuộc sống quá khổ và bị hành hạ những do hạn chế về tinh thần, mất năng lực hành vi mà không thể làm thủ tục ly hôn được.
Như vậy, thực chất việc ly hôn cũng dựa trên sự tự nguyện của 2 bên vợ chồng; người thân thích chỉ được phép yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một trong hai bên vợ chồng bị mất khả năng nhân thức; đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình.Do đó, nếu cha mẹ có hành vi ép con ly hôn để cưới người khác thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.
2. Cha mẹ ép con ly hôn để cưới người khác bị xử lý thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định một trong những hành vi cấm trong hôn nhân gia đình đó là cưỡng ép ly hôn, cưỡng ép kết hôn. Bản chất của chế độ hôn nhân gia đình là trên tinh thần tự nguyện, do đó việc kết hôn giữa nam với nữ hay việc quyết định đi đến ly hôn thì cũng phải đảm bảo được trên tinh thần tự nguyện, đồng thuận giữa nam và nữ, tuyệt đối không có yếu tố cưỡng ép, lừa dối.
Do vậy, việc cha mẹ ép con cái ly hôn và kết hôn với người khác là hành vi bị cấm. Tùy thuộc vào hành vi và mức độ mà chịu chế tài xử lý khác nhau, cụ thể:
* Xử phạt vi phạm hành chính:
– Cha mẹ có hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn: bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
(căn cứ điểm c khoản 2 Điều 59
* Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Nếu như đáp ứng đủ các dấu hiệu về hành vi vi phạm và hậu quả, cha mẹ có hành vi cưỡng ép con ly hôn để lấy người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cảnh trở ly hôn tự nguyện theo Điều 181 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:
– Phạt cảnh cáo, phạt ải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm:Cha mẹ có hành vi cưỡng ép con kết hôn trái với sự tự nguyện của con, cản trở con kết hôn hoặc quy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện; cha mẹ cưỡng ép con ly hôn hoặc cản trở con ly hôn bằng các thủ đoạn như: Hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần; Yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác mà trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cảnh trở ly hôn tự nguyện mà con vi phạm.
3. Hành vi cha mẹ ép con ly hôn để cưới người khác biểu hiện ra sao?
Cưỡng ép con ly hôn để kết hôn với người khác là hành vi sử dụng mọi thủ đoạn để nhằm mục đích ép buộc con phải ly hôn vợ hoặc chồng rồi kết hôn với người khác trái với ý chí tự nguyện của người con. Hành vi đó được biểu hiện cụ thể như sau:
– Hành vi hành hạ, ngược đãi: có hành vi đánh đập, gây đau đớn về mặt thể xác hoặc chửi bới, lăng mạ, làm nhục để gây ảnh hưởng đến tinh thần của người con (ví dụ như giam cầm, bắt nhịn ăn, nhịn uống, chửi bới, chì chiết,…)
– Hành vi uy hiếp tinh thần: là hành vi đe dọa sẽ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con để nhằm làm cho người con thấy sợ mà phải chấp nhận đồng ý với mong muốn của cha mẹ ly hôn với vợ hoặc chồng để đi kết hôn với người khác.
Ví dụ như: nếu người con không ly hôn lấy người cha mẹ mong muốn thì cha mẹ sẽ tự tử hay sẽ tiết lộ bí mật của người con,…
Hoặc các hành vi khác để nhằm ép buộc con cái phải ly hôn và kết hôn với người khác theo ý của cha mẹ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.