Thuật ngữ tống đạt không còn quá xa lạ đối với tất cả người dân hiện nay. Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về tống đạt giấy tờ khi giải quyết thủ tục ly hôn?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là tống đạt?
Căn cứ theo Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại định nghĩa khái niệm tống đạt như sau: Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Nghị định về Thừa phát lại, tổ chức hành nghề của Thừa phát lại và pháp luật có liên quan.
Theo định nghĩa trên thì tống đạt là việc giao văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng như Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án để thông báo văn bản tố tụng cho đương sự, những người có liên quan, những người tham gia tố tụng khác và cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật. Việc tống đạt được tiến hành theo thủ tục luật định, đảm bảo cho những người có liên quan nhận được tài liệu đúng thời hạn quy định.
Ví dụ như Ông Nguyễn Chí Hải là bị đơn trong một vụ án liên quan đến hành vi gây rối trật tự công cộng. Tòa án phân công cho thư ký tòa là bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ chậm nhất là ngày 15-10-2023 phải tống đạt giao cho ông Nguyễn Chí Hải giấy triệu tập tham dự phiên tòa xét xử vào ngày 25-10-2023. Trong trường hợp này, ông Nguyễn Chí Hải bắt buộc phải có nghĩa vụ tham gia phiên tòa.
2. Quy định tống đạt giấy tờ khi giải quyết ly hôn như thế nào?
2.1. Các văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt, thông báo:
Căn cứ theo Điều 171 Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015 có quy định về các văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt, thông báo như sau:
– Một là, các văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt bằng các hình thức như là: thông báo, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời trong tố tụng dân sự.
– Hai là, Bản án, quyết định của Tòa án.
– Ba là, Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát; các văn bản của cơ quan thi hành án dân sự.
– Bốn là, Các văn bản tố tụng khác mà pháp luật có quy định.
2.2. Hình thức và nội dung, quy định tống đạt giấy tờ khởi kiện:
Căn cứ theo quy định tại Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 cũng quy định cụ thể như sau:
– Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện thì phải làm đơn khởi kiện. Đối với cá nhân, việc làm đơn khởi kiện phải được thực hiện như sau:
+ Đối với cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Đồng thời, tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
+ Đối với trường hợp cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Đồng thời, tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
+ Đối với cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành là người không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện.
– Trong trường hợp cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Đồng thời, tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ, tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của
Theo đó, Tòa án sẽ tống đạt giấy tờ về địa chỉ của các đương sự, địa chỉ là nơi người đó đang cư trú. Nếu không xác định được nơi cư trú hoặc chuyển nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 175 bộ luật tố tụng dân sự 2015 cụ thể như sau:
– Người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng phải trực tiếp chuyển giao cho người được cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng có liên quan. Người được cấp, tống đạt, thông báo phải ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận văn bản tố tụng. Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày họ được cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng.
– Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng qua dịch vụ bưu chính phải bằng thư bảo đảm và có xác nhận của người nhận văn bản tố tụng. Đồng thời, văn bản có xác nhận phải được chuyển lại cho Tòa án. Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày họ xác nhận đã nhận được văn bản tố tụng do tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển đến.
Như vậy, thủ tục tống đạt giấy tờ khi giải quyết ly hôn đó là các văn bản sẽ được gửi về địa chỉ của đương sự, địa chỉ đó phải là nơi người đó cư trú. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú hoặc họ chuyển nơi cư trú thì người thực hiện việc tống đạt phải trực tiếp chuyển giao văn bản cho người có liên quan và lấy chữ ký xác nhận từ những người có liên quan đó. Ngoài ra còn có việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ này phải bằng thư bảo đảm và có xác nhận của người nhận văn bản tố tụng.
3. Người thực hiện tống đạt bao gồm những ai?
Căn cứ theo quy định tại Điều 172 Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015 về người thực hiện tống đạt. Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng do những người sau đây thực hiện:
– Thứ nhất là người tiến hành tố tụng, người của cơ quan ban hành văn bản tố tụng được giao nhiệm vụ thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng.
– Thứ hai là, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người tham gia tố tụng dân sự cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người tham gia tố tụng dân sự làm việc khi Tòa án có yêu cầu.
– Thứ ba là, đương sự, người đại diện của đương sự hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong những trường hợp do Bộ luật này quy định.
– Thứ tư là, nhân viên tổ chức dịch vụ bưu chính.
– Thứ năm là, người có chức năng tống đạt.
– Thứ sáu là, những người khác mà pháp luật có quy định.
Như vậy, những người có thể thực hiện việc tống đạt văn bản sẽ bao gồm người tiến hành tố tụng, nhân viên tổ chức dịch vụ bưu chính, đương sự, người đại diện của đương sự,……..
4. Ý nghĩa của việc tống đạt:
Hoạt động tống đạt văn bản tố tụng, văn bản thi hành án dân sự, văn bản tương trợ tư pháp nhằm công khai và minh bạch hóa các hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự. Thông qua hoạt động tống đạt, người dân có điều kiện thực hiện quyền theo dõi, giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung và của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan khác nói riêng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
– Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.