Bát đũa còn có lúc xô nhau, huống gì vợ chồng chung sống cả đời sao tránh được những cự cãi, giận hờn. Vậy phải làm gì để cứu vãn một cuộc hôn nhân, hạnh phúc gia đình?
Mục lục bài viết
1. Làm gì để cứu vãn một cuộc hôn nhân, hạnh phúc gia đình?
Sai lầm phổ biến nhất mà nhiều những cặp vợ chồng mắc phải là họ chỉ bắt đầu giải quyết vấn đề khi mọi thứ đã đến mức quá tệ và ngoài tầm kiểm soát của họ. Thế nên, điều đầu tiên các cặp vợ chồng cần chú ý chính là phải hành động càng sớm càng tốt, đừng đợi để cho đến khi tình trạng cuộc sống hôn nhân đã trở nên vô vọng. Hãy làm những điều gì đó ngay bây giờ, trong khi cả hai đang đều có niềm tin rằng mối quan hệ hôn nhân, hạnh phúc của mình còn có thể được cứu vãn. Mặc dù đây đôi khi là một điều khá khó khăn, nhưng một mối quan hệ hạnh phúc và viên mãn sẽ đòi hỏi sự giao tiếp hiệu quả, sau đó chính là những hành động quan tâm thực tế đến đối phương. Nếu như vợ chồng hành động đủ sớm, sẽ là không quá khó để xoay chuyển được mối quan hệ của vợ chồng. Một số cách để cứu vãn một cuộc hôn nhân, hạnh phúc gia đình mà vợ chồng nên áp dụng:
– Tìm ra gốc rễ của xung đột : Hầu hết những cặp vợ chồng chia tay là vì họ đang có vấn đề hoặc cảm thấy họ không thể sống cùng nhau được nữa nhưng chưa bao giờ họ thừa nhận đâu là vấn đề thực sự đã khiến họ chia tay. Điều quan trọng là vợ chồng cần biết được gốc rễ của sự xung đột giữa hai vợ chồng để cả hai có cái nhìn rõ ràng hơn về những gì đã và đang xảy ra trong cuộc hôn nhân của mình, chúng bắt nguồn từ đâu và tại sao. Cố gắng tìm kiếm giải pháp thay vì đổ lỗi cho đối phương.
– Thiết lập kỹ năng giao tiếp lành mạnh: Cuộc sống nhiều vấn đề không đáng sợ nhưng đáng sợ nhất chính là không nói với nhau câu nào khiến cho các mâu thuẫn và hiểu lầm càng ngày càng trầm trọng. Nếu cứ như vậy thì cuộc hôn nhân của vợ chồng sẽ đi đến cuối đường một cách rất nhanh chóng. Điều đầu tiên và quan trọng nhất, nếu như mối liên kết tình cảm vợ chồng không đủ mạnh, một trong hai hoặc cả hai thường cảm thấy xa cách và mất kết nối với đối phương, để cải thiện được nó, vợ chồng hãy nhớ cẩn thận trong việc lựa chọn từ ngữ, hành động và đặc biệt là giọng nói của mình, vì chính âm sắc trong giọng nói cũng sẽ khiến cho đối phương phản ứng tiêu cực. Tiếp theo là khen ngợi và đánh giá cao những nỗ lực của đối phương và tập trung sự chú ý của mình vào việc tạo ra các điều tốt nhất cho cả hai. Hãy suy nghĩ về phía trước thay vì cứ liên tục hồi tưởng lại những trải nghiệm của cả hai trong quá khứ mà cả hai đều không muốn nhắc lại. Vợ chồng cũng có thể chia sẻ nhiều hơn với đối phương, chẳng hạn như gia đình đi chơi xa vào cuối tuần hoặc đi nghỉ cùng nhau hoặc có những buổi tối hẹn hò thường xuyên.
– Học cách lắng nghe: Khi trao đổi với nhau, vợ chồng cần phải tôn trọng ý kiến của đối phương. Một trong những chiến lược tốt nhất để cứu vãn hôn nhân đó chính là dành một ít thời gian mỗi ngày chỉ đơn giản để lắng nghe đối phương. Đừng nên coi thường ý kiến, chế nhạo hay phỉ báng đối phương và luôn cho mình là đúng nhất…Mỗi người đều có quyền cảm nhận những gì đang xảy ra xung quanh mối quan hệ.
– Thể hiện sự quan tâm mang tính chất xây dựng: một cách đơn giản để vợ chồng làm điều đó trong cuộc nói chuyện nhạy cảm đó là mở đầu câu bằng một trong những cụm từ như: “Em/anh cảm thấy (một tính từ nào đó, ví dụ buồn, lo lắng, vui) khi…/ Mối quan tâm của em là…/Em hy vọng…”.
– Tạo không gian cho mối quan hệ: Vợ chồng đang có các bất đồng khó hóa giải vì vậy mà việc phải đối mặt với nhau để giải quyết vấn đề lúc này khiến cả hai đều càng cảm thấy khó chịu. Tốt nhất là vợ chồng cũng nên tạm xa nhau một thời gian để cả hai có thời gian suy nghĩ và đưa ra những quyết định thấu đáo.
– Thiết lập mục tiêu cho cặp vợ chồng: vợ chồng giao tiếp thường xuyên chứ không phải là tranh cãi, cố gắng thực hiện mọi thứ làm cho cuộc sống vơ chồng hạnh phúc hơn, cả hai có thể ghi lại cảm xúc của mình và cho đối phương đọc chúng.
– Cùng nhau nỗ lực: Cứu vãn một cuộc hôn nhân và duy trì nó phải đòi hỏi sự nỗ lực từ hai phía bởi “một bàn tay không thể làm nên tiếng vỗ”. Điều đó sẽ khiến hai vợ chồng nhận ra được tầm quan trọng của việc chia sẻ cuộc sống với đối phương, sẵn sàng cùng nhau chèo lái con thuyền gia đình vượt qua sóng gió.
2. Phải làm gì để cứu vãn một cuộc hôn nhân, hạnh phúc gia đình khi vợ hoặc chồng muốn ly hôn?
Những cách để cứu vãn một cuộc hôn nhân, hạnh phúc gia đình đã nêu rõ ở mục trên, nhưng nếu trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng cảm thấy không thể cứu vãn cuộc hôn nhân này nữa mà muốn đưa đơn ly hôn yêu cầu tòa án giải quyết, bên chồng hoặc vợ (người không muốn ly hôn) vẫn muốn duy trì mối quan hệ hôn nhân hạnh phúc gia đình thì người không muốn ly hôn có thể yêu cầu hòa giải ở sơ sở (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác), bởi pháp luật về hôn nhân và gia đình có quy định Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Các bước thực hiện yêu cầu hòa giải ly hôn ở cơ sở (thôn, tổ dân phố) được thực hiện như sau:
2.1. Liên hệ tới thôn, tổ dân phố nơi hai vợ chồng đang sinh sống:
– Người không muốn ly hôn trực tiếp liên hệ tới tổ hòa giải thuộc thôn, tổ dân phố vợ chồng đang sinh sống hoặc viết đơn yêu cầu tổ hòa giải thực hiện việc hòa giữa hai vợ chồng.
– Sau khi nhận được yêu cầu hòa giải, các bên trong hòa giải thực hiện lựa chọn, đề xuất hòa giải viên, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải hai vợ chồng hoặc Tổ trưởng tổ hòa giải phân công hòa giải viên tiến hành hòa giải trong trường hợp các bên không lựa chọn hòa giải viên.
– Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày được phân công thì hòa giải viên bắt đầu tiến hành hòa giải hai vợ chồng, trừ trường hợp cần thiết phải hòa giải ngay khi chứng kiến được vụ, việc hoặc các bên có thỏa thuận khác về thời gian hòa giải.
2.2. Tiến hành hòa giải:
Tiến hành hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn được thực hiện như sau:
– Hòa giải được tiến hành trực tiếp, bằng lời nói với sự có mặt của cả hai bên vợ chồng. Trong trường hợp một trong hai bên vợ chồng hoặc là cả hai vợ chồng có người khuyết tật thì có sự hỗ trợ phù hợp để có thể tham gia hòa giải.
– Hòa giải vợ chồng được tiến hành công khai hoặc không công khai theo ý kiến thống nhất của hai bên vợ chồng.
– Tùy thuộc vào vụ, việc cụ thể, dựa trên cơ sở quy định của pháp luật, dựa trên đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân, các hòa giải viên sẽ áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm để giúp cho hai bên vợ chồng hiểu rõ được về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên để cho vợ chồng thỏa thuận việc giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện các thỏa thuận đó. Nếu như trong trường hợp hai vợ chồng không đạt được thỏa thuận thì hòa giải viên hướng dẫn hai bên vợ chồng thực hiện các thủ tục ly hôn tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
– Hòa giải viên có trách nhiệm ghi nội dung của vụ, việc hòa giải vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở. Nếu trong rrường hợp các bên đồng ý thì sẽ lập văn bản hòa giải thành theo quy định của pháp luật.