Rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác. Vậy biện pháp bảo vệ rừng sản xuất ở nước ta như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Biện pháp bảo vệ rừng sản xuất ở nước ta như thế nào?
Căn cứ Điều 26 Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp quy định về bảo vệ rừng sản xuất, căn cứ theo Điều này thì biện pháp bảo vệ rừng sản xuất ở nước ta như sau:
– Bảo vệ hệ sinh thái rừng:
+ Cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động mà ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái rừng, sinh trưởng và phát triển của các loài sinh vật rừng buộc phải tuân thủ quy định của Luật Lâm nghiệp, pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
+ Khi tiến hành các hoạt động làm ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái rừng, Cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư phải thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và sẽ chỉ được thực hiện các hoạt động đó sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
– Bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng:
+ Loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải được lập danh mục để quản lý, bảo vệ.
+ Chính phủ quy định Danh mục và chế độ quản lý, bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; quy định về trình tự, thủ tục khai thác các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và những loài thực vật rừng hoang dã, động vật rừng hoang dã mà thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
+ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trình tự, thủ tục khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ và động vật rừng.
+ Tất cả các loài động vật rừng trong khu rừng sản xuất phải được bảo vệ, phải được bảo đảm sinh cảnh sống tự nhiên và nguồn thức ăn của động vật rừng.
– Thực hiện các quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định.
– Thực hiện các quy định về phòng, trừ sinh vật gây hại rừng sản xuất:
+ Việc phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; nuôi hoặc chăn, thả động vật vào rừng phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp, pháp luật về đa dạng sinh học, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y.
+ Chủ rừng phải thực hiện những biện pháp phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; khi mà phát hiện có sinh vật gây hại rừng ở trên diện tích rừng được giao, được thuê thì chủ rừng phải báo ngay cho cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật, các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y gần nhất để được hướng dẫn và được hỗ trợ biện pháp phòng, trừ; tăng cường áp dụng các biện pháp lâm sinh, sinh học trong phòng, trừ sinh vật gây hại rừng.
+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có trách nhiệm tổ chức dự báo tình hình dịch bệnh; chỉ đạo biện pháp phòng, trừ sinh vật gây hại rừng.
+ Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức, chỉ đạo việc phòng, trừ sinh vật gây hại rừng tại địa phương, không được để sinh vật gây hại rừng lây lan sang địa phương khác.
2. Quy định về phát triển rừng sản xuất:
Căn cứ Điều 48 Luật Lâm nghiệp 2017 và Điều 27 Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp quy định về phát triển rừng sản xuất, các điều này quy định về phát triển rừng sản xuất như sau:
– Nội dung phát triển rừng sản xuất:
+ Duy trì diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên hiện có; phục hồi rừng tự nhiên ở những diện tích trước đây mà đã khai thác nhưng chưa đạt tiêu chí thành rừng; chỉ được cải tạo rừng tự nhiên ở những diện tích mà không có khả năng tự phục hồi.
+ Hình thành vùng rừng trồng tập trung, áp dụng công nghệ sinh học hiện đại và áp dụng kỹ thuật thâm canh rừng để nâng cao về năng suất rừng trồng, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản.
+ Khuyến khích trồng rừng hỗn loài, lâm sản ngoài gỗ; kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và các cây gỗ lớn dài ngày; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn ở các nơi nó điều kiện thích hợp.
– Tổ chức phát triển rừng sản xuất:
+ Chủ rừng thực hiện phát triển rừng sản xuất theo phương án quản lý rừng bền vững;
+ Chủ rừng tự đầu tư hoặc liên doanh, liên kết để thực hiện những dự án phát triển rừng và tổ chức sản xuất trên diện tích rừng, đất trồng rừng sản xuất đã được Nhà nước giao hoặc cho thuê theo quy định của pháp luật.
– Các biện pháp lâm sinh áp dụng để phát triển rừng, bao gồm:
+ Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung.
+ Nuôi dưỡng rừng, làm giàu rừng và cải tạo rừng tự nhiên.
+ Trồng mới rừng, trồng lại rừng, chăm sóc và nuôi dưỡng rừng trồng.
3. Quy định về tiêu chí rừng sản xuất:
Căn cứ Điều 8 Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp quy định về Tiêu chí rừng sản xuất, theo đó Tiêu chí rừng sản xuất là rừng đạt tiêu chí về rừng tự nhiên, rừng trồng nhưng không được thuộc tiêu chí rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Tiêu chí về các loại rừng như sau:
Tiêu chí rừng tự nhiên:
Rừng tự nhiên bao gồm rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh khi đạt các tiêu chí sau đây:
– Độ tàn che của những loài cây thân gỗ, tre nứa, cây họ cau (sau đây gọi tắt là cây rừng) là thành phần chính của rừng tự nhiên từ 0,1 trở lên.
– Diện tích liền vùng từ 0,3 ha trở lên.
– Chiều cao trung bình của cây rừng là thành phần chính của rừng tự nhiên được phân chia theo các điều kiện lập địa như sau:
+ Rừng tự nhiên trên đồi, núi đất và đồng bằng: chiều cao trung bình của cây rừng từ 5,0 m trở lên;
+ Rừng tự nhiên trên đất ngập nước ngọt: chiều cao trung bình của cây rừng từ 2,0 m trở lên;
+ Rừng tự nhiên trên đất ngập phèn: chiều cao trung bình của cây rừng từ 1,5 m trở lên;
+ Rừng tự nhiên trên núi đá, đất cát, đất ngập mặn và những kiểu rừng ở điều kiện sinh thái đặc biệt khác: chiều cao trung bình của cây rừng từ 1,0 m trở lên.
Tiêu chí rừng trồng:
Rừng trồng bao gồm rừng trồng mới trên đất chưa có rừng, rừng trồng lại sau khai thác hoặc do những nguyên nhân khác, rừng trồng cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt và rừng trồng tái sinh sau khai thác khi mà đạt các tiêu chí sau đây:
– Độ tàn che của cây rừng trồng từ 0,1 trở lên.
– Diện tích liền vùng từ 0,3 ha trở lên.
– Chiều cao trung bình của cây rừng được phân chia theo các điều kiện lập địa như sau:
+ Rừng trồng trên đồi, núi đất và đồng bằng, trên đất ngập phèn: chiều cao trung bình của cây rừng từ 5,0 m trở lên;
+ Rừng trồng trên núi đá có đất xen kẽ, trên đất ngập nước ngọt: chiều cao trung bình của cây rừng từ 2,0 m trở lên;
+ Rừng trồng trên đất cát, đất ngập mặn: chiều cao trung bình của cây rừng từ 1,0 m trở lên.
Tiêu chí rừng đặc dụng:
– Vườn quốc gia đáp ứng các tiêu chí sau đây:
+ Có ít nhất 01 hệ sinh thái tự nhiên đặc trưng của một vùng hoặc của quốc gia, quốc tế hoặc là có ít nhất 01 loài sinh vật đặc hữu của Việt Nam hoặc có trên 05 loài mà thuộc Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;
+ Có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục; có cảnh quan môi trường, có nét đẹp độc đáo của tự nhiên, có giá trị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí;
+ Có diện tích liền vùng tối thiểu 7.000 ha, trong đó ít nhất 70% diện tích là các hệ sinh thái rừng.
– Khu dự trữ thiên nhiên đáp ứng các tiêu chí sau đây:
+ Có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đối với quốc gia, quốc tế, đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên;
+ Là sinh cảnh tự nhiên của ít nhất 05 loài thuộc Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;
+ Có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục hoặc du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí;
+ Diện tích liền vùng tối thiểu 5.000 ha, trong đó ít nhất 90% diện tích là các hệ sinh thái rừng.
– Khu bảo tồn loài – sinh cảnh đáp ứng các tiêu chí sau đây:
+ Là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất 01 loài sinh vật đặc hữu hoặc loài ,à thuộc Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;
+ Phải bảo đảm các điều kiện sinh sống, thức ăn, sinh sản để bảo tồn bền vững những loài sinh vật đặc hữu hoặc loài thuộc Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;
+ Có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục;
+ Có diện tích liền vùng đáp ứng về yêu cầu bảo tồn bền vững của loài thuộc Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Tiêu chí rừng phòng hộ:
– Rừng phòng hộ đầu nguồn là rừng thuộc lưu vực của sông, hồ, đáp ứng các tiêu chí sau đây:
+ Về địa hình: có địa hình đồi, núi và độ dốc từ 15 độ trở lên;
+ Về lượng mưa: có lượng mưa bình quân hằng năm từ 2.000 mm trở lên hoặc là từ 1.000 mm trở lên nhưng tập trung trong 2 – 3 tháng;
+ Về thành phần cơ giới và độ dày tầng đất: loại đất cát hoặc cát pha trung bình hay mỏng, có độ dày tầng đất dưới là 70 cm; nếu là đất thịt nhẹ hoặc trung bình, độ dày tầng đất dưới 30 cm.
– Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay đáp ứng các tiêu chí sau đây:
+ Đai rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay giáp bờ biển: đối với vùng bờ biển mà bị xói lở, chiều rộng của đai rừng tối thiểu là 300 m bắt đầu tính từ đường mực nước ứng với thủy triều cao nhất hằng năm vào trong đất liền; đối với vùng bờ biển mà không bị xói lở, chiều rộng của đai rừng tối thiểu là 200 m bắt đầu tính từ đường mực nước ứng với thủy triều cao nhất hằng năm vào trong đất liền;
+ Đai rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay phía sau đai rừng quy định trên: chiều rộng của đai rừng tối thiểu là 40 m trong trường hợp vùng cát mà có diện tích từ 100 ha trở lên hoặc vùng cát di động hoặc là vùng cát có độ dốc từ 25 độ trở lên. Chiều rộng của đai rừng tối thiểu là 30 m trong trường hợp là vùng cát có diện tích dưới 100 ha hoặc vùng cát ổn định hoặc vùng cát có độ dốc dưới 25 độ.
– Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển đáp ứng các tiêu chí sau đây:
+ Đối với vùng bờ biển bồi tụ hoặc ổn định, chiều rộng của đai rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 300 m cho đến 1.000 m tùy theo từng vùng sinh thái;
+ Đối với vùng bờ biển bị xói lở, chiều rộng tối thiểu của đai rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển là 150 m;
+ Đối với vùng cửa sông, chiều rộng của đai rừng phòng hộ chắn sóng lấn biển tối thiểu là 20 m bắt đầu tính từ chân đê và có ít nhất từ 3 hàng cây trở lên;
+ Đối với vùng đầm phá ven biển, chiều rộng tối thiểu của đai rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển ở nơi có đê là 100 m, còn ở nơi không có đê là 250 m.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
– Luật Lâm nghiệp 2017.