Mỗi người dân sẽ có mã số căn cước công dân riêng, tuy nhiên trong trường hợp người dân chưa làm căn cước công dân thì mã số này sẽ được gọi là mã định danh cá nhân. Vậy mua bán nhà đất có thể sử dụng mã số định danh không?
Mục lục bài viết
1. Mua bán nhà đất có thể sử dụng mã số định danh không?
Mỗi người dân sẽ có mã số căn cước công dân riêng, tuy nhiên trong trường hợp người dân chưa làm căn cước công dân thì mã số này sẽ được gọi là mã định danh cá nhân. Mã định danh cá nhân đã được cấp cho công dân Việt Nam sẽ do Bộ Công an thống nhất quản lý. Mỗi một công dân sẽ chỉ có một mã số định danh cá nhân riêng biệt và duy nhất. Hiện nay, mã số định danh cá nhân đang đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối, liên thông giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với những cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành, trong đó hệ thống quản lý dữ liệu dân cư chính là kênh thông tin chủ đạo kết nối với hệ thống thông tin chuyên ngành khác của những Bộ, ngành liên thông qua mã định danh cá nhân.
Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 30/2021/NĐ-CP quy định trường hợp công dân Việt Nam mà đã được cấp số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về đăng ký đầu tư, về đăng ký doanh nghiệp được kết nối, vận hành thì sẽ được sử dụng số định danh cá nhân thay thế cho những giấy tờ liên quan đến nhân thân sau khi thực hiện thủ tục liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản theo các quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản:
– Bản sao Giấy chứng minh nhân dân;
– Bản sao thẻ Căn cước công dân;
– Bản sao Hộ chiếu;
– Bản sao các giấy tờ chứng thực cá nhân khác.
Như vậy, khi thực hiện giao dịch mua bán nhà ở (Luật Nhà ở điều chỉnh) và mua bán nhà đất (Luật Kinh doanh bất động sản điều chỉnh) các bên giao dịch hoàn toàn có thể sử dụng số định danh cá nhân thay thế cho các giấy tờ liên quan đến nhân thân (như bản sao Giấy chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, Hộ chiếu và những giấy tờ chứng thực cá nhân khác) với điều kiện các bên giao dịch đã được cấp số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về đăng ký đầu tư, về đăng ký doanh nghiệp được kết nối, vận hành.
Tuy nhiên, hiện nay pháp luật mới chỉ quy định rõ người dân được sử dụng mã số định danh khi thực hiện thủ tục liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản (thủ tục mua bán nhà đất) theo Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, còn đối với pháp luật về đất đai thì hiện nay chưa có điều luật nào quy định rõ về vấn đề người dân được sử dụng mã số định danh khi thực hiện thủ tục liên quan đến đất đai như Luật Nhà ở, kinh doanh bất động sản quy định, mà mới đây khi Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai bắt đầu có hiệu lực thì mới chỉ quy định thay thế cụm từ “Chứng minh nhân dân” bằng cụm từ là “Chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/số định danh cá nhân” tại mẫu số 01 (Văn bản đề nghị chấp thuận việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp) và mẫu số 02 (Đơn đề nghị giao đất/thuê đất tại cảng hàng không, sân bay) tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
2. Cách đăng ký tài khoản định danh điện tử để thực hiện thủ tục mua bán nhà đất:
Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), việc thực hiện đăng ký tài khoản định danh điện tử chưa bắt buộc nhưng Nhà nước khuyến khích công dân nên đăng ký sử dụng. Vì các dịch vụ công hiện nay và sau này đều sẽ thực hiện thông qua tài khoản định danh điện tử, nếu như công dân có tài khoản định danh điện tử sẽ thuận tiện hơn khi thực hiện các dịch vụ công, tiết kiệm được thời gian, chi phí và giảm các thủ tục hành chính rườm rà.
Tài khoản định danh điện tử được Bộ Công an xác thực thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo được tính chính xác, duy nhất và không thể giả mạo.
Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1:
– Đối với công dân đã có thẻ CCCD gắn chíp, đăng ký qua ứng dụng VnelD:
Bước 1: người dân sử dụng thiết bị di động tải và cài đặt ứng dụng VNelD.
Bước 2: Sau đó truy cập ứng dụng VNelD để nhập thông tin về số định danh cá nhân và nhập số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử; cung cấp những thông tin theo đúng hướng dẫn trên ứng dụng VNelD; thu nhận ảnh chân dung bằng thiết bị di động và nhấn gửi yêu cầu đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử tới cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng VNelD.
Bước 3: Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc quan tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
Thời hạn cấp: Không quá 01 ngày làm việc
– Đối với trường hợp công dân Việt Nam chưa có thẻ CCCD gắn chíp thì thời hạn cấp không quá 07 ngày làm việc.
Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2
– Đối với trường hợp công dân đã được cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử:
+ Bước 1: Công dân đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đến nơi làm thủ tục cấp thẻ CCCD để làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử.
Khi đến, công dân xuất trình thẻ CCCD gắn chíp điện tử, cung cấp các thông tin về số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử và đề nghị bổ sung các thông tin được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.
+ Bước 2: Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và thực hiện xác thực điện tử; chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay của công dân đang đến làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và thực hiện đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử.
+ Bước 3: Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc qua tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
Thời hạn cấp là không quá 03 ngày làm việc
– Đối với công dân chưa được cấp CCCD gắn chíp thì Cơ quan Công an tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với cấp thẻ Căn cước công dân.
Thời hạn cấp là không quá 07 ngày làm việc.
3. Người nước ngoài có được sử dụng mã số định danh để mua bán nhà:
Số định danh của người nước ngoài là dãy số tự nhiên duy nhất do hệ thống định danh và xác thực điện tử xác lập nhằm để quản lý danh tính điện tử của cá nhân là người nước ngoài. Đối tượng mà được cấp tài khoản định danh điện tử cho người nước ngoài chính là người nước ngoài từ 14 tuổi trở lên được nhập cảnh vào Việt Nam; đối với người nước ngoài mà chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ thì sẽ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc của người giám hộ. Tài khoản định danh cho người nước ngoài có 2 mức độ, đó là:
– Tài khoản định danh điện tử mức độ 1 có giá trị chứng minh những thông tin cá nhân trong các hoạt động, giao dịch có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.
– Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có giá trị tương đương hộ chiếu hoặc các giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế trong việc thực hiện những giao dịch có yêu cầu xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
Căn cứ theo khoản Điều 4 Nghị định 30/2021/NĐ-CP thì chỉ có công dân Việt Nam mà đã được cấp số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về đăng ký đầu tư, về đăng ký doanh nghiệp được kết nối, vận hành mới được sử dụng số định danh cá nhân thay thế cho những giấy tờ liên quan đến nhân thân trong thủ tục mua bán nhà, còn đối với người nước ngoài thì không được sử dụng số định danh để làm thủ tục mua bán nhà.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 30/2021/NĐ-CP sửa
– Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai.