Xóa án tích là thủ tục mà bất cứ người phạm tội nào cũng muốn thực hiện sau khi chấp hành xong hình phạt. Vậy pháp luật quy định như thế nào về xóa án tích trong các trường hợp đặc biệt?
Mục lục bài viết
1. Quy định pháp luật về xóa án tích:
1.1. Xóa án tích được hiểu là gì?
– Án tích là đặc điểm xấu về nhân thân chứng tỏ người có án tích đã từng bị kết án vì đã phạm tội. Đó là hậu quả pháp lý bất lợi của người bị kết án, bị buộc tội bằng một bản án của Tòa án. Án tích tồn tại trong một thời gian nhất định và được xóa khi đáp ứng đủ các điều kiện của luật định. Mỗi người phạm tội ngoài việc phải chịu những hậu quả pháp lý bất lợi được tuyên trong bản án thì còn phải gánh chịu dấu vết chứng tỏ mình đã bị kết án bằng bản án có hiệu lực của Tòa án.
– Án tích chỉ xuất hiện khi:
Thứ nhất, có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án;
Thứ hai, người bị kết án bị áp dụng hình phạt.
– Xóa án tích là việc xóa bỏ hậu quả pháp lý, xóa bỏ trách nhiệm hình sự đối với người bị kết án và phải chịu hình phạt theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khi có đủ các điều kiện của pháp luật quy định và người đó được coi như chưa bị kết án.
1.2. Điều kiện để được xóa án tích:
Thứ nhất, người bị kết án phải chấp hành xong bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, bao gồm cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung (phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí…)
Thứ hai, hết thời hiệu thi hành án;
Thứ ba, người bị kết án theo bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án, đã chấp hành xong bản án hoặc đã hết thời hiệu thi hành bản án không phạm tội mới trong thời hạn theo quy định của pháp luật. Thời hạn đó có thể là một năm, ba năm, năm năm hoặc bảy năm tùy thuộc vào loại hình phạt mà Tòa án tuyên đối với người phạm tội.
1.3. Các trường hợp xóa án tích:
Theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, có 03 trường hợp được xóa án tích gồm:
– Đương nhiên được xóa án tích;
– Xóa án tích theo quyết định của Tòa án;
– Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt.
2. Quy định về xóa án tích trong các trường hợp đặc biệt:
Bên cạnh hai trường hợp xóa án tích là đương nhiên được xóa án tích và xóa án tích the quyết định của tòa án, pháp luật hình sự còn đặt ra vấn đề xóa án tích trong trường hợp đặc biệt. Quy định về xóa án tích trong các trường hợp đặc biệt được quy định cụ thể tại Điều 72 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Đây là những trường hợp pháp luật cho rằng người phạm tội đã thể hiện sự ăn năn hối lỗi rõ ràng, có nhiều tiến bộ, đối đáp lại sự tiến bộ đó, Nhà nước dành sự khoan hồng đặc biệt cho họ.
Pháp luật quy định trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn xóa án tích pháp luật quy định.
Theo quy định pháp luật có thể thấy để được xóa án tích trong trường hợp đặc biệt, người có án tích phải đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất, có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công.
“Biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công” là những biểu hiện và hành động sau khi thực hiện tội phạm cho đến trước khi bị xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm), người phạm tội không những ăn năn hối cải, tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm do họ thực hiện, mà họ còn có những hành động giúp đỡ các cơ quan có thẩm quyền phát hiện, ngăn chặn các tội phạm khác, tham gia phát hiện tội phạm, bắt kẻ phạm tội. Có hành động thể hiện sự quên mình vì lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích chính đáng của người khác, được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc chứng nhận.
Thứ hai, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú đề nghị Tòa án xem xét việc xóa án tích.
Cơ quan, tổ chức có quyền đề nghị là cơ quan nơi mà người đó công tác trước khi trở thành tội phạm. Chính quyền địa phương nơi cư trú, có thể là nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú, chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống của người có án tích là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống.
Thứ ba, không thực hiện hành vi phạm tội mới trong ít nhất một phần ba thời hạn xóa án tích theo quy định.
Pháp luật quy định cụ thể về thời hạn xóa án tích đối với từng loại tội phạm và từng trường hợp xóa án tích.
Người phạm tội được xóa án tích trong trường hợp đặc biệt nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong ít nhất một phần ba thời hạn xóa án tích theo quy định, cụ thể như sau:
– Đối với trường hợp đương nhiên xóa án tích.
Người phạm tội phải đảm bảo đã thực hiện được ít nhất một phần ba thời hạn sau:
+ 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
+ 02 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
+ 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
+ 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
– Đối với trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án.
Người phạm tội phải đảm bảo đã thực hiện được ít nhất một phần ba thời hạn sau:
+ 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
+ 03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
+ 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
+ 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Như vậy, xóa án tích trong trường hợp đặc biệt, là trường hợp người phạm tội đáp ứng đồng thời cả ba điều kiện trên theo quy định pháp luật.
3. Trường hợp người bị kết án không bị coi là có án tích:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 69 và Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, trường hợp người bị kết án không bị coi là có án tích bao gồm:
– Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng;
– Người được miễn hình phạt;
– Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi bị kết án với bất kể tội phạm gì;
– Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý;
– Người dưới 18 tuổi phạm tội, bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.
4. Quy định về xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, mà kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn theo quy định sau, thì đương nhiên được xóa án tích:
– 06 tháng trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;
– 01 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
– 02 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
– 03 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017