Xóa án tích là một trong những chế định thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam. Nhiều người đặt ra câu hỏi, nếu như đã được xóa án tích mà phạm tội mới thì có bị coi là tái phạm không?
Mục lục bài viết
1. Khi nào một hành vi sẽ bị xem là tái phạm?
Pháp luật hiện nay đã có quy định cụ thể về tái phạm. Căn cứ theo quy định tại Điều 53 của Bộ luật hình sự năm 2015, một hành vi sẽ được xem là tái phạm khi thỏa mãn các yêu cầu sau:
– Tái phạm được xem là trường hợp đã bị kết án, tuy nhiên chưa tiến hành thủ tục xóa án tích tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người thực hiện lại tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội xuất phát từ lỗi cố ý, hoặc;
– Các đối tượng đó tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội về những loại tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng xuất phát từ lỗi vô ý.
Theo đó thì có thể nói, thời điểm xác định hành vi tái phạm là thời điểm các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, chứ không phải là thời điểm có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, theo quy định nêu trên, nếu như hành vi phạm tội suất phát từ lỗi vô ý, nhưng đó là hành vi thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Bộ luật hình sự năm 2015 thì cũng sẽ được coi là hành vi tái phạm.
2. Đã xóa án tích mà phạm tội mới có bị coi là tái phạm không?
Theo khoản 2 Điều 69 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về việc, người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích. Bên cạnh đó, căn cứ cứ theo Điều 107 của Bộ luật hình sự năm có quy định về việc, người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi;
– Người tủ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý.
Như vậy Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định rõ một số trường hợp không bị coi là có án tích.
Về đương nhiên xóa án tích, theo khoản 2 Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định, người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
– 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, bị phạt phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng cho hưởng;
– 02 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
– 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
– 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình được giảm án.
Như vậy, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định có lợi hơn Bộ luật hình sự trước đây, theo hướng rút ngắn thời gian đương nhiên xóa án tích và thời gian để tính đương nhiên xóa án tích từ khi chấp hành xong hình phạt chính đến ngày phạm tội mới, riêng đối với hình phạt bổ sung, các quyết định khác chỉ cần người phạm tội thi hành trước thời điểm phạm tội mới.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 53 của Bộ luật hình sự năm 2015, có quy định về tái phạm phạm và tái phạm nguy hiểm, cụ thể như sau:
– Tái phạm được coi là những đối tượng và những trường hợp đã bị kết án bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng chưa được xóa án tích theo quy định của pháp luật mà lại tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội mới do lỗi cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về các tội rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xuất phát từ lỗi vô ý;
– Tái phạm nguy hiểm là trường hợp những đối tượng đã bị kết án bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xuất phát từ lỗi cố ý theo quy định của pháp luật, tuy nhiên chưa được xóa án tích tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà lại tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội về các loại tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng xuất phát từ lỗi cố ý, hoặc đã tái phạm theo quy định của pháp luật, tuy nhiên, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
Như vậy, với những phân tích trên đây thì trường hợp phạm tội đã được xóa án tích và phạm tội mới theo quy định của pháp luật hình sự thì không thuộc vào trường hợp tái phạm. Vì chế định tái phạm theo quy định của pháp luật được coi là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý chính vì vậy trong trường hợp đã được xóa án tích mà phạm tội mới thì không được xem là tái phạm.
3. Quy định về thủ tục xóa án tích theo quyết định của tòa án:
Thủ tục xóa án tích theo quyết định của Tòa án được quy định cụ thể như sau:
Bước 1: Người muốn xin xoá án tích phải làm đơn gửi cho Toà án đã xử sơ thẩm tội phạm cũ của mình và kèm theo đơn, phải có những giấy tờ chứng minh họ có đủ những điều kiện xoá án tích (bao gồm bản sao bản án, biên lai nộp tiền án phí và các khoản về dân sự trong vụ án bồi thường thiệt hại, xung công quỹ …), giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt tù, xác nhận của cơ quan công an cấp huyện với nội dung từ khi chấp hành xong bản án đến nay chưa phạm tội mới. Đồng thời cũng phải có giấy chứng nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi họ thường trú về thái độ chấp hành chính sách, pháp luật và thái độ lao động của họ ở địa phương.
Bước 2: Sau khi nhận đơn, Tòa án kiểm tra những điều kiện được xoá án tích và nếu cần thì tiến hành những biện pháp xác minh. Nếu hồ sơ đầy đủ thì Tòa án chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát cùng cấp để Viện Kiểm sát phát biểu ý kiến về người bị kết án có đủ điểu kiện được xoá án tích hay không. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện trưởng Viện Kiểm sát phải phát biểu ý kiến và gửi trả hồ sơ cho Toà án. Tòa án cấp sơ thẩm sẽ lập một Hội đồng xét duyệt do Chánh án chủ trì để quyết định xem có đủ điều kiện để xóa án tích hay không. Chánh án có quyền ra Quyết định xoá án tích hoặc bác đơn xin xoá án. Quyết định xoá án tích phải gửi cho người bị kết án, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi người được xoá án thường trú. Trường hợp bác đơn xin xoá án tích thì phải nói rõ lý do.
Bước 3: Viện Kiểm sát nhân dân có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, đốimvới quyết định xoá án tích. Nếu quyết định của Chánh án đã có hiệu lực pháp luậtmmà phát hiện có sai lầm thì có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu phải chờ 01 năm sau mới được xin xóa án tích. Nếu bị bác đơn lần thứ hai thì phải sau hai năm mới lại được xin xóa án tích. Những lần sau xin xóa án tích thì người đã bị kết án chỉ cần nộp thêm những giấy tờ chứng minh đã khắc phục những thiếu sót trước đây đã là nguyên nhân làm cho họ chưa được xóa án tích.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).