Nếu đánh ghen gây thương tích thì những người có liên quan sẽ bị xử lý như thế nào theo pháp luật hiện hành? Bài viết sau đây sẽ phân tích các quy định pháp luật có liên quan đối với hành vi đánh ghen gây thương tích.
Mục lục bài viết
1. Xử phạt vi phạm hành chính về an ninh, trật tự, an toàn xã hội:
Tuỳ vào tính chất và mức độ của hành vi đánh ghen, người phạm tội sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với các mức phạt khác nhau.
Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021, người tham gia đánh ghen gây thương tích bị áp dụng hình phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi có hành vi tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng chưa đủ cấu thành tội phạm để bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021, người tham gia đánh ghen gây thương tích bị áp dụng hình phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng khi có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác nhưng chưa cấu thành tội phạm nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả khi đánh ghen gây thương tích:
Theo quy định tại điểm đ khoản 14 Điều 7 Nghị định 144/2021, bên cạnh hình thức xử phạt tiền được quy định trên, người tham gia đánh ghen gây thương tích còn buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tổn hại về sức khoẻ.
3. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đánh ghen gây thương tích:
3.1. Truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích:
Người tham gia đánh ghen có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác được quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự nếu thoả mãn các dấu hiệu sau:
Khách thể: xâm phạm sức khoẻ của người khác, đối tượng tác động là cơ thể của nạn nhân.
Mặt khách quan: có hành vi thuộc một trong các trường hợp sau:
– Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại về sức khoẻ cho người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% theo kết quả giám định;
– Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại về sức khoẻ cho người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% theo kết quả giám định nhưng có một trong các hành vi từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Những trường hợp đó bao gồm:
+ Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có thể gây nguy hại cho nhiều người;
+ Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất khác có tính nguy hiểm;
+ Thực hiện hành vi đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
+ Phạm tội có tổ chức, theo đó, việc phạm tội được coi là có tổ chức khi có đồng phạm cùng thực hiện hành vi phạm tội và giữa các đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ, ví dụ: những người phạm tội là một đảng phái, hội,…có chỉ huy và người cầm đầu; giữa những người phạm tội không có người cầm đầu nhưng những người phạm tội chuyên phạm tội, hoạt động dựa trên kế hoạch được tính toán kỹ càng, chu đáo,…
+ Là người có chức vụ quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
+ Phạm tội trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Thuê người khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
+ Phạm tội có tính chất côn đồ, theo đó, một người được xem là phạm tội có tính chất côn đồ khi hành vi của họ thể hiện sự hung hãn, manh động, bất chấp lý do, coi thường tính mạng, sức khoẻ của người khác;
+ Phạm tội đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Mặt chủ quan: người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý, theo đó, người phạm tội phải nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, nhận thức được hậu quả có thể xảy ra và mong muốn hậu quả xảy ra.
Mặt chủ thể: người từ đủ 16 tuổi trở lên không rơi vào tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015.
Nếu thoả mãn các dấu hiệu trên, theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Ngoài ra, theo các khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người khác với tình tiết tăng nặng như sau:
Bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% theo kết quả giám định;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà theo kết quả giám định thì mỗi người có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% theo kết quả giám định;
– Phạm tội 02 lần trở lên;
– Tái phạm nguy hiểm, theo đó, trường hợp được xem là tái phạm nguy hiểm là khi người phạm tội:
+ Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do lỗi cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc;
+ Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% theo kết quả giám định, đồng thời thuộc một trong các trường hợp được quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
Bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên theo kết quả giám định mà không làm biến dạng vùng mặt của người khác;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà theo kết quả giám định thì mỗi người có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% theo kết quả giám định, đồng thời thuộc một trong các trường hợp được quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà theo kết quả giám định thì mỗi người có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%, đồng thời thuộc một trong các trường hợp được quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
Bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
– Làm chết người;
– Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên theo kết quả giám định;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà kết quả giám định của mỗi người có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên theo kết quả giám định, đồng thời thuộc một trong các trường hợp được quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà kết quả giám định của mỗi người có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% đồng thời thuộc một trong các trường hợp được quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
Bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
– Làm chết 02 người trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà theo kết quả giám định thì mỗi người có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên, đồng thời thuộc một trong các trường hợp được quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
3.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý gây thương tích:
Người tham gia đánh ghen gây thương tích còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý gây thương tích theo Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015 nếu thoả mãn các dấu hiệu sau:
Khách thể: xâm phạm sức khoẻ của người khác, đối tượng tác động là cơ thể của nạn nhân.
Mặt khách quan: có hành vi vô ý gây thương tích cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% theo kết quả giám định.
Mặt chủ quan: người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi vô ý khi thuộc một trong hai trường hợp:
– Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, nhận thức được hậu quả nhưng không nghĩ rằng hậu quả sẽ xảy ra;
– Người phạm tội không nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, không nhận thức được hậu quả và không mong muốn hậu quả xảy ra.
Mặt chủ thể: người phạm tội từ đủ 16 tuổi trở lên và không rơi vào tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015.
Nếu thoả mãn các dấu hiệu trên, người phạm tội sẽ bị áp dụng hình phạt cảnh cáo kết hợp với hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc bị áp dụng phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017;
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.