Nếu người để lại di sản có để lại di chúc thì di sản sẽ được chia theo di chúc, nếu không thì di sản sẽ được chia theo pháp luật. Vậy quyền thừa kế của con khi giấy khai sinh không ghi tên bố như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quyền thừa kế của con khi giấy khai sinh không ghi tên bố:
Theo quy định của pháp luật, thừa kế bao gồm có thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Nếu người để lại di sản có để lại di chúc thì di sản sẽ được chia theo di chúc, nếu không thì di sản sẽ được chia theo pháp luật. Ngoài trường hợp không có di chúc, những trường hợp sau cũng sẽ chia di sản theo pháp luật:
– Di chúc không hợp pháp;
– Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người lập di chúc;
– Cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại tại thời điểm mở thừa kế;
– Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền được hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Thừa kế theo pháp luật là cá nhân được hưởng di sản mà người mất để lại do pháp luật xác định trên mối quan hệ về hôn nhân hoặc quan hệ về huyết thống hay quan hệ nuôi dưỡng giữa họ với người để lại di sản. Pháp luật quy định hàng thừa kế thứ nhất (nếu như di sản được chia theo pháp luật) của người để lại di sản bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người mất (những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu như không còn ai ở hàng thừa kế trước). Theo đó, con của người để lại di sản (bao gồm cả con đẻ, con nuôi) là một trong những đối tượng được hưởng di sản thừa kế khi di sản thừa kế được chia theo pháp luật.
Để xác định người được hưởng di sản là con đẻ của người để lại di sản thì phải xác định qua giấy khai sinh của người con. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp giấy khai sinh của người con không có tên của người cha, thế nên sẽ có khá nhiều ảnh hưởng tới các quyền lợi của người con, trong đó có quyền được hưởng di sản từ người cha.
Trong trường hợp không có tên cha trong giấy khai sinh nhưng đã xác định được cha con thì trong trường hợp này, một trong hai bên hoặc cả hai bên làm thủ tục xác định cha con (có thể thực hiện xác định cha con thông qua thủ tục hành chính hoặc yêu cầu tòa án xác định cha con). Còn nếu như trong trường hợp người cha đã chết nhưng trước đó chưa thực hiện thủ tục xác định cha con thì người con (đủ 18 tuổi trở lên) hoặc người đại diện hợp pháp của người con (nếu con chưa đủ 18 tuổi, con bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự) phải làm thủ tục yêu cầu tòa án xác định cha con thì sau khi có quyết định của tòa án có hiệu lực tuyên người đã mất là cha đẻ của người có yêu cầu xác định cha con, khi đó người con mới được quyền hưởng di sản của người cha.
2. Thủ tục yêu cầu tòa án xác định cha con khi người cha đã mất:
Như đã phân tích ở mục trên, nếu trong giấy khai sinh không có tên của người cha, nếu đã xác định được người cha nhưng người cha đã mất thì người con hoặc người đại diện hợp pháp của người con phải làm thủ tục yêu cầu tòa án xác định cha con. Thủ tục yêu cầu tòa án xác định cha con được thực hiện như sau:
Bước 1: chuẩn bị hồ sơ yêu cầu tòa án xác định cha con
Người con (đủ 18 tuổi trở lên) hoặc người đại diện hợp pháp của người con (nếu con chưa đủ 18 tuổi, con bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự) chuẩn bị bộ hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau để thực hiện thủ tục yêu cầu tòa án xác định cha con
– Đơn yêu cầu (theo mẫu pháp luật quy định).
– Giấy khai sinh của người con.
– CCCD/CMND/Hộ chiếu của người yêu cầu (của người con).
– Giấy tờ chứng minh người cha đã chết.
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh người yêu cầu xác định cha con (người con) và người được yêu cầu (người cha) là mối quan hệ cha con đẻ. Ví dụ, giấy xét nghiệm huyết thống với những người con đẻ của người được yêu cầu xác định cha con,…
Bước 2: nộp hồ sơ yêu cầu tòa án xác định cha con
Người yêu cầu tòa án xác định cha con nộp hồ sơ yêu cầu đến tòa án nhân dân có thẩm quyền bằng một trong các phương thức sau đây:
– Nộp trực tiếp tại Tòa án;
– Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
– Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Căn cứ điểm t khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định Tòa án nơi cư trú, làm việc của người yêu cầu có thẩm quyền giải quyết yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Chính vì thế, tòa án nhân dân có thẩm quyền tiếp nhận đơn và giải quyết yêu cầu xác định cha con khi người cha đã mất là tòa án nhân dân cấp huyện nơi người con đang cư trú, làm việc.
Bước 3: tòa án nhận đơn và xử lý đơn yêu cầu xác định cha con khi người cha đã mất
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu xác định cha con khi người cha đã mất và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu xác định cha con khi người cha đã mất.
– Nếu đơn yêu cầu xác định cha con khi người cha đã mất và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý thì Thẩm phán thông báo cho người yêu cầu xác định cha con khi người cha đã mất về việc nộp lệ phí.
– Sau khi người yêu cầu xác định cha con nộp xong lệ phí thì nộp lại biên lai thu tiền lệ phí yêu cầu xác định cha con cho tòa án và tòa án phải thụ lý đơn yêu cầu xác định cha con khi người cha đã mất sau khi nhận được biên lai của người yêu cầu. Trong trường hợp người yêu cầu xác định cha con khi người cha đã mất được miễn tiền lệ phí theo quy định của pháp luật thì Thẩm phán phải thụ lý đơn yêu cầu xác định cha con khi người cha đã mất kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hợp lệ.
Bước 4: chuẩn bị xét đơn yêu cầu xác định cha con và quyết định giải quyết yêu cầu
Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu xác định cha con là 01 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu xác định cha con. Trong thời hạn này, tòa án phải quyết định mở phiên họp giải quyết đơn yêu cầu xác định cha con và phải mở phiên họp để giải quyết yêu cầu xác định cha con khi người cha đã chết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp.
3. Người con được chia di sản như thế nào khi đã xác định cha con:
Sau khi đã hoàn tất việc yêu cầu tòa án xác định cha con, khi đó người con là một trong những người được quyền hưởng thừa kế di sản của người cha để lại. Lúc này, tùy từng trường hợp mà người con được chia di sản mà người cha để lại như sau:
– Thừa kế theo pháp luật:
Trường hợp 1: Hàng thừa kế thứ nhất có từ 02 người trở lên
Căn cứ khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau, vì thế người con sẽ được chia di sản đồng đều với những đồng thừa kế còn lại ở hàng thừa kế thứ nhất.
Trường hợp 2: hàng thừa kế thứ nhất chỉ còn người con
Ở trường hợp này, người con sẽ được hưởng toàn bộ di sản thừa kế mà người cha để lại.
– Thừa kế theo di chúc: người con không được hưởng di sản thừa kế theo di chúc, nhưng nếu trong trường hợp người con đó chưa đủ 18 tuổi hoặc đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng không có khả năng lao động thì vẫn được hưởng một phần di sản của người cha để lại bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.