Nhà nước đầu tư, phát triển hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập trong những lĩnh vực có nhu cầu giám định lớn, thường xuyên để đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng. Vậy các cơ quan quản lý Nhà nước về giám định tư pháp được pháp luật quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Các cơ quan quản lý Nhà nước về giám định tư pháp:
Cơ quan quản lý Nhà nước về giám định tư pháp bao gồm có:
– Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động giám định tư pháp.
– Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động giám định tư pháp.
– Các cơ quan sau thực hiện quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tổ chức, các hoạt động giám định tư pháp ở lĩnh vực do chính mình quản lý; phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc thống nhất quản lý nhà nước về giám định tư pháp:
+ Bộ Y tế;
+ Bộ Công an;
+ Bộ Quốc phòng;
+ Bộ Tài chính;
+ Bộ Xây dựng;
+ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
+ Bộ Tài nguyên và Môi trường;
+ Bộ Giao thông vận tải;
+ Bộ Khoa học và Công nghệ;
+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
+ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
+ Bộ, cơ quan ngang bộ khác.
– Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước về giám định tư pháp ở địa phương.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý Nhà nước về giám định tư pháp:
2.1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp:
Căn cứ Điều 40 Luật Giám định tư pháp 2012 sửa đổi bổ sung 2020 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp bao gồm:
– Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động giám định tư pháp và hướng dẫn thi hành các văn bản đó.
– Chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ chiến lược, kế hoạch phát triển chung về giám định tư pháp;
– Phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển theo từng lĩnh vực giám định tư pháp.
– Có ý kiến bằng văn bản về việc thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập thuộc về thẩm quyền quyết định của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
– Trong trường hợp cần thiết, đề nghị bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét và thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập để đáp ứng yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng.
– Xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giám định viên tư pháp;
– Phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ trong việc tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho giám định viên tư pháp.
– Tập hợp, lập và đăng tải danh sách chung về cá nhân, tổ chức giám định tư pháp ở trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
– Đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giám định tư pháp của bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
– Yêu cầu bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo về tổ chức, về hoạt động giám định tư pháp; báo cáo Chính phủ về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp trong phạm vi toàn quốc.
– Chủ trì hoặc đề nghị bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan tổ chức việc kiểm tra, thanh tra về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp.
– Thực hiện quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về hoạt động giám định tư pháp.
2.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:
Căn cứ Điều 41 Luật Giám định tư pháp 2012 sửa đổi bổ sung 2020 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bao gồm:
– Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
+ Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động giám định tư pháp ở lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý và hướng dẫn thi hành các văn bản đó;
+ Ban hành quy trình giám định; ban hành hoặc hướng dẫn áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho các hoạt động giám định tư pháp; căn cứ yêu cầu và tính chất đặc thù của lĩnh vực thuộc về thẩm quyền quản lý quy định cụ thể về thời hạn đối với từng loại việc giám định;
+ Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc quyết định thành lập, củng cố và kiện toàn tổ chức giám định tư pháp công lập thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của Luật Giám định tư pháp; phân công đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp;
+ Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp thẻ, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp theo thẩm quyền;
+ Công nhận danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc;
+ Đăng tải và cập nhật danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trên cổng thông tin điện tử của bộ, ngành mình, đồng thời phải gửi danh sách đó cho Bộ Tư pháp;
+ Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm số lượng, chất lượng về hoạt động của người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp;
+ Bảo đảm kinh phí, trang thiết bị, phương tiện giám định và điều kiện vật chất cần thiết khác cho những cá nhân, tổ chức giám định thuộc bộ, ngành mình quản lý;
+ Hằng năm, đánh giá chất lượng hoạt động của cá nhân, tổ chức về giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý;
+ Kịp thời tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tổ chức giám định tư pháp có thành tích xuất sắc ở trong hoạt động giám định tư pháp;
+ Quy định điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định của Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý;
+ Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp, kiến thức pháp luật cho những người giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý;
+ Kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý; phối hợp với Bộ Tư pháp trong công tác kiểm tra, thanh tra về tổ chức, các hoạt động giám định tư pháp theo quy định tại khoản 6 Điều 40 của Luật Giám định tư pháp;
+ Thực hiện hợp tác quốc tế về giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc về thẩm quyền quản lý;
+ Trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, tổng kết về tổ chức, các hoạt động giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp để thực hiện tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
– Cơ quan thuộc Chính phủ có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
+ Xây dựng quy trình giám định đề nghị bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp được ban hành theo thẩm quyền;
+ Công nhận danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc;
+ Đăng tải và cập nhật danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp ở trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình, đồng thời gửi danh sách đó cho Bộ Tư pháp;
+ Hằng năm, tổng kết, gửi Bộ Tư pháp báo cáo về hoạt động giám định tư pháp của chính cơ quan mình.
2.3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng:
Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ngoài nhiệm vụ, quyền hạn vừa nêu trên thì còn có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
– Bộ Y tế có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
+ Quản lý nhà nước trong lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần;
+ Ban hành quy chuẩn chuyên môn về lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần;
+ Quy định cụ thể về tiêu chuẩn giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần;
+ Đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật.
– Bộ Công an có các nhiệm vụ, quyền hạn:
+ Quản lý nhà nước trong lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự;
+ Ban hành quy chuẩn chuyên môn về lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự;
+ Quy định cụ thể về tiêu chuẩn giám định viên kỹ thuật hình sự;
+ Đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ giám định kỹ thuật hình sự theo quy định của pháp luật;
+ Ban hành chỉ tiêu thống kê, thực hiện thống kê hằng năm về trưng cầu, yêu cầu về giám định tư pháp, đánh giá việc thực hiện việc giám định tư pháp và sử dụng kết luận giám định tư pháp, nhu cầu giám định trong hệ thống cơ quan điều tra thuộc về thẩm quyền quản lý;
+ Hướng dẫn cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý áp dụng những quy định của pháp luật về trưng cầu giám định và đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp;
+ Bảo đảm kinh phí, hướng dẫn chi trả chi phí giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan điều tra thuộc về thẩm quyền quản lý;
+ Hằng năm, tổng kết và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp, đồng thời phải gửi bộ, ngành có liên quan về tình hình trưng cầu giám định tư pháp, đánh giá việc thực hiện việc giám định tư pháp và sử dụng kết luận giám định tư pháp, nhu cầu giám định ở trong hệ thống cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý; chỉ đạo Công an cấp tỉnh thực hiện gửi báo cáo về Sở Tư pháp, đồng thời phải gửi sở, ngành có liên quan về tình hình trưng cầu giám định tư pháp, đánh giá việc thực hiện việc giám định tư pháp và sử dụng kết luận giám định tư pháp, nhu cầu giám định ở địa phương;
+ Lập dự toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp kinh phí bảo đảm chi trả chi phí giám định tư pháp; trong trường hợp kinh phí được cấp không đủ thì phải lập dự toán để cấp bổ sung bảo đảm chi trả kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
– Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ, quyền hạn trên thì hằng năm phải tổng kết và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp, đồng thời phải gửi bộ, ngành có liên quan về tình hình trưng cầu giám định tư pháp, đánh giá về việc thực hiện giám định tư pháp và sử dụng kết luận giám định tư pháp, nhu cầu giám định ở trong hệ thống cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Luật Giám định tư pháp 2012 sửa đổi bổ sung 2020.