Di chúc là sự thể hiện ý chí, mong muốn của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho một người khác sau khi họ chết đi. Vậy liệu rằng có được lập di chúc cho con riêng nhiều tài sản hơn hay không?
Mục lục bài viết
1. Con riêng của chồng hoặc vợ có được hưởng thừa kế không?
Hiện nay trong các văn bản quy phạm pháp luật thì khái niệm về con riêng (hay còn gọi là con ngoài giá thú) không được quy định một cách cụ thể và rõ ràng. Tuy nhiên có thể hiểu theo nghĩa đơn thuần, thì con riêng là con được sinh ra không trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp của các chủ thể. Như vậy trong trường hợp những người con sinh ra trước thời kỳ hôn nhân, cha mẹ không thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc cha mẹ đang tồn tại mối quan hệ hôn nhân với một người khác thì sẽ được coi là con riêng. Tuy nhiên pháp luật hiện nay theo hướng nhân đạo, mặc dù mối quan hệ tình cảm giữa những người đó không được quay là vợ chồng hợp pháp theo quy định của pháp luật và không được công nhận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng để bảo vệ quyền lợi cho trẻ em thì pháp luật vẫn tạo điều kiện nhất định cho những người con riêng, tạo điều kiện cho con riêng được học tập và phát triển, có những quyền lợi hợp pháp như những đứa trẻ bình thường khác. Như vậy thì con chung hay con riêng đều có những quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ.
Nhiều người hiện nay đặt ra câu hỏi: Con riêng có được hưởng di sản thừa kế hay không? Tùy vào từng trường hợp cụ thể khác nhau thì mới có thể xác định được quyền thừa kế của con riêng, vì vấn đề này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ví dụ như sự chứng minh mối quan hệ cha mẹ con hay sự tồn tại hợp pháp của di chúc … Ngoài ra căn cứ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ luật dân sự năm 2015 thì không có sự phân biệt cụ thể về việc hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ giữa con chung và con riêng. Bởi lẽ dù là con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp hay không thì chúng ta cũng không thể phủ nhận mối quan hệ giữa cha mẹ đẻ và con đẻ, nhất là khi có đủ căn cứ chứng minh mối quan hệ cha mẹ con. Đồng thời căn cứ theo quy định tại Điều 68 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có ghi nhận, con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau theo quy định của pháp luật đối với cha mẹ của mình phù hợp với Luật hôn nhân gia đình năm 2014, Bộ luật dân sự năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Theo đó thì dù con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hay không trong thời kỳ hôn nhân thì vẫn có những quyền và nghĩa vụ không thay đổi. Pháp luật hiện nay không đặt ra vấn đề phân biệt giữa con chung và con riêng, con chung và con riêng đều có sự bình đẳng. Vì vậy khi có đủ căn cứ chứng minh quan hệ cha mẹ con thì những người con riêng vẫn sẽ được hưởng di sản thừa kế theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015. Đồng thời căn cứ theo quy định tại Điều 651 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì hàng thừa kế thứ nhất không phân biệt con riêng hay còn trong thời kỳ hôn nhân đều được hưởng di sản thừa kế, khi những người con này chứng minh được quan hệ huyết thống với người để lại di sản thừa kế. Như vậy con riêng của vợ hoặc của chồng vẫn sẽ được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật.
2. Có được lập di chúc cho con riêng nhiều tài sản hơn không?
Hiện nay căn cứ theo quy định tại Điều 651 của Bộ luật dân sự năm 2015, pháp luật không có sự phân biệt giữa con riêng và con chung, những người con đẻ đều được coi là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người để lại di sản thừa kế. Ngoài ra căn cứ theo quy định tại Điều 625 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về người lập di chúc, theo đó thì, người thanh niên có đủ điều kiện căn cứ theo quy định tại Điều 630 của Bộ luật dân sự năm 2015 sẽ có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản theo ý chí và nguyện vọng của mình, còn những đối tượng được xác định là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi theo quy định của pháp luật hiện nay sẽ được lập di chúc nếu như cha mẹ hoặc người giám hộ của họ đồng ý về việc lập di chúc đó. Như vậy có thể nói, người thanh niên minh mẫn và sáng suốt trong quá trình lập di chúc và không bị lừa dối hoặc đe dọa dưới bất kỳ hình thức nào thì có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản theo ý chí và nguyện vọng của chính mình. Ngoài ra căn cứ theo quy định tại Điều 626 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về một số quyền của người lập di chúc, như sau:
– Chỉ định người thừa kế theo nguyện vọng của mình, quyền vợ di sản của người thừa kế;
– Phân định phần di sản của từng người thừa kế;
– Dành một phần tài sản trong khối di sản của mình để ghi tặng và thờ cúng;
– Giao nghĩa vụ cho những người thừa kế theo nguyện vọng;
– Chỉ định người giữ di chúc và chỉ định người quản lý di sản, chỉ định người phân chia di sản.
Như vậy theo như phân tích ở trên thì khi một người có đầy đủ minh mẫn và sáng suốt trong quá trình lập di chúc, không bị lừa dối hoặc cưỡng ép thì sẽ có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của chính mình, vì vậy cho nên người lập di chúc hoàn toàn có quyền để lại tài sản nhiều hơn cho con riêng. Điều này sẽ không bị coi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Người để lại di chúc có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản cho bất cứ ai, miễn rằng di chúc đó đáp ứng được đầy đủ điều kiện của một di chúc hợp pháp. Hay nói cách khác, việc người để lại di chúc lập di chúc định đoạt tài sản cho con riêng nhiều hơn con chung, thậm chí là để lại toàn bộ di sản cho con riêng vẫn không bị coi là hành vi vi phạm quy định pháp luật.
Tuy nhiên căn cứ theo quy định tại Điều 644 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định, những đối tượng sau đây vẫn sẽ được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản, hoặc chỉ được một phần di sản ít hơn 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật bao gồm:
– Con chưa thành niên, cha mẹ hoặc vợ chồng của người lập di chúc;
– Con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động trên thực tế.
Như vậy nếu như người để lại di chúc dành nhiều tài sản hơn cho con riêng, con chưa thành niên hoặc cha mẹ hoặc vợ chồng, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động của người để lại di chúc được hưởng một suất thừa kế ít hơn 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật thì cần phải gửi đơn lên tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền để phân chia lại di sản mà người chết để lại, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình. Và sau khi chia thừa kế xong thì phần di sản còn lại sẽ đương nhiên thuộc về những người con riêng.
3. Con riêng là người thuộc hàng thừa kế nào?
Con riêng được xác định là con của một bên vợ hoặc chồng được hình thành ngoài thời kỳ hôn nhân. Có thể hiểu đây là tên gọi nhầm chị quan hệ giữa con riêng của chồng với mẹ kế và con riêng của vợ với bố dượng. Vì vậy cho nên việc xét quan hệ thừa kế ở đây là quan hệ giữa con riêng với mẹ kế hoặc với bố dượng theo quy định của pháp luật. Và để xác định xem con riêng là người thuộc hàng thừa kế nào thì cần phải căn cứ theo quy định tại Điều 651 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về hàng thừa kế theo pháp luật, con riêng vẫn sẽ được xem là một trong những đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ nhất, ngang hàng với con chung, cụ thể như sau:
– Hàng thừa kế thứ nhất theo quy định của pháp luật hiện nay bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người đã qua đời;
– Hàng thừa kế thứ hai theo quy định của pháp luật hiện nay sẽ bao gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người đã qua đời; cháu ruột của người đã qua đời mà người đã qua đời là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba theo quy định của pháp luật hiện nay bao gồm: cụ nội, cụ ngoại của người đã qua đời; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người đã qua đời; cháu ruột của người đã qua đời mà người đã qua đời là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người đã qua đời mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Như vậy theo như phân tích và theo như điều luật nêu trên thì con riêng được xác định là đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ nhất.
4. Những trường hợp nào con riêng không được hưởng thừa kế:
Con riêng sẽ không được hưởng di sản thừa kế trong một số trường hợp sau đây:
– Thừa kế theo di chúc tuy nhiên di chúc không hợp pháp theo quy định của pháp luật;
– Con riêng với cha dượng hoặc mẹ kế không có quan hệ chăm sóc và nuôi dưỡng như cha mẹ con, không có quan hệ chăm sóc trên thực tế;
– Con riêng thuộc trường hợp không được hưởng di sản thừa kế căn cứ theo quy định tại Điều 621 của Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể như sau:
+ Những đối tượng bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm đến tính mạng và sức khỏe hoặc bị kết án về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản và xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của người để lại di sản;
+ Người có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản và vi phạm nghiêm trọng về mặt đạo đức;
+ Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm đến tính mạng của những người thừa kế khác nhầm hưởng một phần hoặc hưởng toàn bộ di sản mà người thừa kế đó có quyền được hưởng;
+ Người có hành vi lừa dối hoặc cưỡng ép dưới bất kỳ hình thức nào hoặc có hành vi ngăn cản người để lại di sản trong quá trình lập di chúc theo nguyện vọng của họ, có hành vi giả tạo di chúc hoặc sửa chữa di chúc trái với ý muốn của người lập di chúc, hủy bỏ di chúc hoặc che giấu di chúc nhầm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản của người để lại di sản, chưa trường hợp người để lại di chúc biết nhưng vẫn đồng ý cho họ hưởng di sản.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015.