Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lừa dối khách hàng đều là những hình thức thực hiện hành vi lừa dối người khác để trục lợi cá nhân. Dưới đây là bảng so sánh về 02 hành vi này giúp người dân không bị nhầm lẫn.
Mục lục bài viết
1. Khái quát chung về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lừa dối khách hàng:
Thứ nhất, hành vi lừa dối khách hàng. Trong lịch sử lập pháp ở nước ta, ngay từ thời phong kiến thì các nhà nước đã quan tâm đến việc quy định một số hành vi gây nguy hiểm đáng kể cho xã hội là tội phạm, đồng thời mô tả những hành vi đó trong các văn bản pháp luật có hiệu lực thi hành cao, trong đó có ghi nhận: Người nào trong việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ mà cân đo đồng điểm tính gian hàng hóa dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thì sẽ bị trừng trị. Như vậy các quy định về tội lừa dối khách hàng đều thể hiện tội phạm được đặc trưng bởi nhóm hành vi gian dối trong việc cân đo, đong đếm, tính toán hoặc một số thủ đoạn gian dối khác do người bán trong quan hệ mua bán hàng hóa và người cung cấp trong quan hệ cung cấp dịch vụ thực hiện. Mục đích của tội phạm này là thu lợi nhuận một cách bất hợp pháp. Từ đó có thể đưa ra khái niệm về lừa dối khách hàng như sau: Tội lừa dối khách hàng là hành vi cân đo, đong đếm tính gian hoặc dùng những thủ đoạn gian dối khác của người bán trong hoạt động mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ nhằm mục đích thu lợi bất chính. Vì thế tội lừa dối khách hàng mang một số đặc điểm cơ bản sau:
– Tội lừa dối khách hàng chỉ xảy ra trong quan hệ mua bán hàng hóa, tội phạm trước tiên xâm hại đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước, cụ thể là quan hệ đúng đắn trong lưu thông hàng hóa, và là một bộ phận của lĩnh vực kinh doanh thương mại;
– Tội lừa dối khách hàng được đặc trưng bởi hành vi lừa dối, hành vi lừa dối nay làm cho khách hàng tin là sự thật mà đưa tiền. Tính lừa dối thể hiện ở thủ đoạn gian dối trong thao tác mua bán hàng hóa;
– Tội lừa dối khách hàng được thực hiện bởi chủ thể đặc biệt, ngoài việc thỏa mãn những điều kiện chung về chủ thể của tội phạm như độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự, thì tội lừa dối khách hàng đòi hỏi chủ thể của tội phạm phải có dấu hiệu là người bán trong quan hệ mua bán hàng hoá;
– Tội lừa dối khách hàng được thực hiện bởi lỗi cố ý trực tiếp, tức là người phạm tội nhận thức rõ về giá cả và số lượng hàng hóa của mình nhưng bằng thủ đoạn gian dối làm cho khách hàng không biết mà mua hàng hóa kém chất lượng hoặc không đủ chất lượng, giá cao hơn so với mức tiêu chuẩn.
Thứ hai, có thể hiểu: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội được Bộ luật hình sự năm 2015 quy định và do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối, xâm hại đến quyền sở hữu tài sản của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Vì thế tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mang một số đặc điểm sau:
– Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất hại đến quyền sở hữu của nhà nước, tổ chức xã hội hoặc cá nhân. Đối tượng tác động của tội này là tài sản đang thuộc quyền sở hữu của người khác;
– Hành vi chiếm đoạt tài sản trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện bằng thủ đoạn gian dối, người phạm tội đã đưa ra những thông tin không đúng sự thật để người khác tin là thật và giao tài sản đó cho người phạm tội;
– Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp, tức là người phạm tội biết tài sản mà mình chiếm đoạt đang thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người khác nhưng vẫn mong muốn chuyển tài sản đó thành tài sản của mình một cách trái pháp luật.
2. So sánh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lừa dối khách hàng:
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015. Giữa tội lừa dối khách hàng và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều nét tương đồng đặc biệt là đều thực hiện hành vi phạm tội với thủ đoạn gian dối, tuy nhiên cũng có những điểm khác nhau cơ bản sau:
Tiêu chí | Lừa đảo chiếm đoạt tài sản | Lừa dối khách hàng |
Giống nhau | – Chủ thể đều được xác định là người từ đủ 16 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự; – Đều xâm hại đến khách thể mà luật hình sự bảo vệ; – Đều được thực hiện bởi lỗi cố ý trực tiếp; – Đều sử dụng thủ đoạn gian dối để lấy lòng tin của bị hại. | |
Cơ sở pháp lý | Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 | Điều 198 Bộ luật hình sự 2015 |
Hành vi khách quan | Theo quy định thi hành vi của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm hai hành vi khác nhau là hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt, trong đó hành vi lừa dối được thực hiện nhằm mục đích thực hiện hành vi chiếm đoạt. Những hành vi lừa dối nhằm mục đích khác dù mục đích này có tính tư lợi cũng không phải là hành vi phạm tội của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. | Đối với tội lừa dối khách hàng, hành vi phạm tội này cũng bao gồm hai hành vi, tuy nhiên người phạm tội thực hiện hành vi lừa dối không nhằm mục đích thực hiện việc chiếm đoạt tài sản mà nhằm mục đích thực hiện việc thu lợi bất chính. |
Về chủ thể | Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể là bất cứ chủ thể nào đáp ứng yêu cầu về tuổi và năng lực chịu trách nhiệm hình sự. | Khác với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể là bất cứ chủ thể nào đáp ứng yêu cầu về tuổi và năng lực chịu trách nhiệm hình sự, tội lừa dối khách hàng ngoài những yêu cầu cơ bản còn đòi hỏi những dấu hiệu đặc biệt về chủ thể, đó phải là người bán hàng trong quan hệ mua bán hàng hóa. Như vậy, phạm vi chủ thể của tội lừa dối khách hàng hẹp hơn so với phạm vi chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. |
Khách thể | Xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của con người. | Xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, mà cụ thể là trật tự trong việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. |
Như vậy, để phân biệt tội lừa dối khách hàng và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chúng ta không thể dựa trên một yếu tố nhất định thuộc cấu thành tội phạm mà cần phải có sự nhìn nhận, đánh giá một cách tổng quát tất cả các yếu tố, nhất là phải làm rõ được mục đích phạm tội, nếu hành vì cân, đo, đồng, đêm, tính gian hoặc thủ đoạn gian dối khác mà thể hiện rõ ràng mục địch chiếm đoạt tài sản, xâm phạm quyền sở hữu của khách hàng thì người thực hiện hành vi đỏ phải bị xử lý về tội lửa dao chiếm đoạt tài sản.
Ví dụ: Đinh Văn D là chủ kinh doanh tiệm vàng bạc, đá quý. Tiệm của D thường xuyên mua bán, trao đổi mặt hàng kim cương. Do nảy sinh lòng tham, D đã thuê người điều chỉnh thiết bị cân tiểu ly chuyên dụng của tiệm nhằm cân thiếu kim cương cho khách. Trong một lần giao dịch, anh T có nhu cầu mua một viên kim cương nặng 01 carat với giá niêm yết là 130.000.000 đồng, bằng việc sử dụng cân tiểu ly đã bị điều chỉnh D đã bán cho khách hàng là anh T một viên kim cương nặng 01 carat với giá 130.000.000 đồng, thực tế viên kim cương này chỉ nặng 0,8 carat với giá trị thực tế là 100.000.000 đồng. Sau đó hành vi của D đã bị phát hiện. Từ đó, có thể thấy, D là người bản trong quan hệ mua bán, hàng hóa ở đây là kim cương thật. D đã có hành vi gian dối đối với khách hàng bằng việc điều chỉnh thiết bị cân tiểu ly để bán hàng hóa không đủ trọng lượng. Động cơ thực hiện hành vi là vụ lợi. Đây là các dấu hiệu của tội lừa dối khách hàng. Tuy nhiên, xem xét loại hàng hóa ở đây là kim cương, một mặt hàng có giá trị rất lớn, một chênh lệch nhỏ về trọng lượng đối với mặt hàng này cũng mang về lợi nhuận rất lớn cho người bán. Do vậy, hành vi gian dối đối với khách hàng của D trong trường hợp này là biểu hiện của mục đích chiếm đoạt tài sản, hành vi của D phải bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
3. Hình phạt đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lừa dối khách hàng:
Về chế tài hành chính, hành vi lừa dối khách hàng có thể bị xử phạt được quy định tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP, về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng với mức phạt cao nhất 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, theo Điều 15 của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, các chủ thể có hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả, có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Về hình sự, tội lừa dối khách hàng theo Điều 198 của Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định 02 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung. Khung hình phạt cơ bản có mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Khung hình phạt tăng nặng có mức phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khung hình phạt bổ sung được quy định (có thể được áp dụng) là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản Điều 174 của Bộ luật hình sự năm 2015, có quy định 4 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung. khung hình phạt cơ bản hiện nay có mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. khung hình phạt tăng nặng có mức phạt cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra thì khung hình phạt bổ sung được quy định là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ cấm hành nghề, hoặc cấm làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần / toàn bộ tài sản.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình;
– Nghị định số 17/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và vảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.