Hiện nay, tiền ảo, ngoại hối, forex là những hoạt động diễn ra hết sức phổ biến, nếu người đầu tư không có kinh nghiệm hiểu biết rất dễ bị các đối tượng mồi chài, lừa đảo tiền. Vậy khi bị lừa đảo đầu tư tiền ảo, ngoại hối, Forex phải làm thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là tiền ảo, ngoại hối, forex?
Trong thị trường đầu tư thì ngoại hối không còn là một khái niệm xa lạ, đây là tài sản và quyền tài sản được định giá, được chuyển đổi thành tiền nước ngoài và tiền này được một nước sử dụng làm phương thức thanh toán trong giao dịch với các nước khác và được cộng đồng quốc tế chấp nhận.
Đầu tư ngoại hối là một hoạt động kinh doanh, người tham gia đầu tư sẽ thực hiện giao dịch trên thị trường ngoại hối để đạt được lợi nhuận, dựa trên những phân tích và dự đoán biến động tỷ giá của các loại tiền tệ. Sau khi phân tích thì thực hiện mua bán để tận dụng chênh lệch giá trị của các đồng tiền đó và thu về lợi nhuận. Hoạt động đầu tư ngoại hối có thể dễ dàng kiếm tiền nhanh chóng nhưng rủi ro mất trắng cũng rất cao.
Hiện nay, có rất nhiều sàn ngoại hối trái phép và thường còn có tên gọi khác là Forex. Forex có tên tiếng anh là Foreign Exchange, được tạo ra với mục đích là trao đổi tiền tệ quốc tế, thị trường Forex cũng chính là thị trường ngoại hối, nơi diễn ra các giao dịch tiền tệ của các quốc gia thông qua hệ thống các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Theo thời gian, thì không chỉ dừng lại ở việc trao đổi tiền tệ mà nhà đầu tư đã bắt đầu kiếm tiền dựa trên sự chênh lệch của tỷ giá đối hoái và số tiền thu được là không hề nhỏ.
Tiền ảo là một loại tài sản ảo có giá trị điện tử, nó được giao dịch và quản lý thông qua các ứng dụng hoặc phần mềm chuyên dụng như trên mạng internet hoặc thông qua các mạng an toàn, chuyên biệt. Tiền ảo sẽ tự hoạt động trên các sàn giao dịch điện tử mà không cần bên thứ ba như ngân hàng, chính phủ quản lý.
Nhà nước ta vẫn chưa công nhận bất cứ loại tiền ảo nào là đơn vị thanh toán tại Việt Nam và việc kinh doanh, trao đổi tiền ảo cũng chưa có quy định trong hệ thống pháp luật. Vậy nên Nhà nước chỉ cho phép các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam, mọi hành vi kinh doanh ngoại hối của các tổ chức khác các tổ chức nêu trên đều xem là hành vi vi phạm pháp luật.
2. Bị lừa đảo đầu tư tiền ảo, ngoại hối, Forex phải làm thế nào?
Đầu tư tiền ảo, ngoại hối sẽ gặp rất nhiều rủi ro về mặt pháp lý, thậm chí có thể bị lừa đảo, bởi đây là hình thức chưa được pháp luật cho phép đầu tư kinh doanh. Các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo lừa đảo tại Việt Nam thường giải mạo là các sàn có xuất xứ nước ngoài, nhưng thực là chất do các đối tượng trong nước tạo nên nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người trong nước.
Có rất nhiều đối tượng đã bị khởi tố về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Khi bị lừa đảo khi tham gia các hoạt động đầu tư ngoại hối, tiền ảo, forex, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng, để bảo vệ quyền lợi của bạn và ngăn chặn các hành vi lừa đảo tiếp diễn trên mạng.
Căn cứ vào Luật Tố cáo năm 2018 quy trình thủ tục thực hiện việc trình báo, tố cáo sẽ được thực hiện như sau:
– Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
+ Người tố cáo cần chuẩn bị những loại giấy tờ sau: Đơn tố cáo, (phải bảo đảm những yêu cầu theo quy định), những giấy tờ, tài liệu bằng chứng, chứng minh về việc bị lừa đảo đầu tư ngoại hối, tiền ảo, forex, giấy tờ tùy thân, thông tin về bên lừa đảo (nếu có thể xác định được)….Những thông tin này sẽ giúp cơ quan công an có nhiều manh mối để truy tìm tội phạm.
+ Việc tố cáo có thể được thực hiện thông qua các hình thức như: nộp đơn tố cáo hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền.
+ Mục đích của việc tố cáo nhằm cung cấp và đưa ra thông tin về vi phạm pháp luật hoặc hành vi sai trái, để tham gia vào quá trình xử lý và giúp bảo vệ, đòi lại quyền lợi, cũng như giúp cung cấp thêm thông tin cho cơ quan có thẩm quyền để có những biện pháp ngăn chặn, hoặc tuyên truyền, phổ biến về hành vi vi phạm pháp luật.
– Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tố cáo:
+ Các cơ quan, tổ chức, và cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo đều có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận tố cáo.
+ Việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo cũng phụ thuộc rất nhiều vào việc người tố cáo cần gửi tố cáo đến đúng địa chỉ tiếp nhận mà cơ quan, tổ chức, hoặc cá nhân có thẩm quyền đã công bố.
+ Việc nộp đúng đơn tại cơ quan có thẩm quyền giúp việc tiếp nhận được xử lý nhanh chóng, hiệu quả, việc giải quyết tố cáo cũng diễn ra nhanh hơn, kịp thời bảo vệ quyền lợi cho người bị hại.
– Bước 3: Giải quyết tố cáo
+ Trong thời hạn 07 ngày làm việc tính từ ngày nhận tố cáo, cơ quan, tổ chức, và cá nhân có trách nhiệm kiểm tra và xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện để thụ lý tố cáo. Thời hạn này có thể kéo dài thêm nhưng không quá 10 ngày làm việc nếu việc kiểm tra xác minh phải thực hiện tại nhiều địa điểm hoặc ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để tiến hành kiểm tra và xác minh.
+ Nếu đủ điều kiện để thụ lý tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ đưa ra quyết định thụ lý tố cáo theo quy định.
+ Nếu trong trường hợp không đủ điều kiện để thụ lý tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền sẽ không tiến hành giải quyết và sẽ thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo.
+ Nếu tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo.
+ Nếu người tố cáo đến tố cáo trực tiếp, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo sẽ hướng dẫn người tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.
+ Trong trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm cả cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, hoặc trong trường hợp đã được hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết, cơ quan, tổ chức, cá nhân đó sẽ không xử lý tố cáo đã nhận được.
+ Trong quá trình tiếp nhận và xử lý tố cáo, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm trong hành vi bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, và cá nhân có trách nhiệm chuyển ngay hồ sơ và tài liệu liên quan đến Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xử lý. Đồng thời có những biện pháp để ngăn chặn những hành vi vi phạm này.
3. Một số thủ đoạn trong lừa đảo đầu tư tiền ảo, ngoại hối, forex:
Các đối tượng lừa đảo sẽ dùng những chiêu trò, thủ đoạn cam kết người đầu tư tham gia vào sàn lừa đảo này chắc chắn sẽ có lãi, đầu tư càng nhiều lãi càng cao, có thể nhận lãi lên đến vài chục phần trăm trong một tháng. Đồng thời, người tham gia cũng không cần kiến thức về tài chính, vì bên sàn đã có sẵn đội ngũ chuyên gia hỗ trợ. Chẳng hạn như các trường hợp đối tượng lừa đảo sẽ dụ dỗ, hướng dẫn nạn nhân cách kiếm tiền bằng việc mua bán ngoại hối trên các trang web. Các nạn nhân tham gia thì những lần nạp tiền đầu tiên đều nhận được tiền lãi chuyển vào tài khoản ngân hàng. Các đối tượng lừa đảo sẽ dụ dỗ nạn nhân nạp thêm nhiều tiền để lãi suất càng cao, tuy nhiên những lần về sau nếu nạn nhân không tỉnh táo thì sẽ không nhận ra những dấu hiệu bất thường. Lúc này các đối tượng lừa đảo sẽ nói rằng chưa nhận được tiền và sẽ hướng dẫn người chơi vay tiền. Khi các nạn nhân chơi trong tài khoản đã có số tiền lớn nhất định muốn rút tiền ra thì hệ thống báo lỗi với những lý do như: do số tiền rút ra lớn nên cảnh báo tài khoản đang gặp rủi ro và đóng băng, để đảm bảo an toàn tài sản, đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền tiếp vào quỹ xác minh rủi ro để bảo mật tài khoản, số tiền này sẽ chuyển trả vào tài khoản của nạn nhân sau khi thực hiện xong. Nếu không thực hiện tiếp nội dung này thì tài khoản của nạn nhân sẽ bị đóng băng vĩnh viễn… Rồi nhiều trường hợp hệ thống thông báo là hệ thống trong thời gian nâng cấp nên không được trả lãi. Sau đó nhóm admin nói sẽ trả lãi bằng một đồng tiền ảo khác sắp lên sàn….Thế là người chơi có nguy cơ mất hết tiền.
4. Mức xử phạt đối với hành vi lừa đảo đầu tư tiền ảo, ngoại hối, forex:
Theo quy định nhà nước chỉ cho phép các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam, vậy nên mọi hình thức kinh doanh, giao dịch sàn Forex là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định. Vì giao dịch ngoại hối diễn ra trên không gian mạng, tương tác giữa nhà đầu tư và sàn giao dịch, người tham gia đối mặt với rủi ro tài chính đáng kể, một số công ty đã lợi dụng sàn giao dịch nước ngoài để thực hiện các hoạt động lừa đảo, hấp dẫn cá nhân đầu tư bằng lãi suất cao.
Theo quy định, việc vi phạm các quy định về hoạt động ngoại hối có thể chịu mức phạt tiền lên đến 30 triệu đồng, khoản 8 Điều 23 của Nghị định 88/2019/NĐ-CP, các hoạt động kinh doanh và môi giới ngoại hối mà không có giấy phép cấp từ cơ quan có thẩm quyền sẽ chịu mức phạt hành chính trong khoảng từ 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng.
Bên cạnh đó, hành vi lừa đảo có thể được thể hiện qua việc nhân viên môi giới hoặc sàn giao dịch Forex sử dụng các hành vi gian lận, gây thua lỗ và mất tiền cho nhà đầu tư, có dấu hiệu của việc chiếm đoạt tài sản có thể bị xử lý hình sự theo Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông và phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản (Điều 290 của Bộ luật Hình sự năm 2015, đã được sửa đổi và bổ sung vào năm 2017). Theo đó, có thể bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ từ 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; nếu tình nghi phạm tội có một trong các tình tiết tăng nặng tuỳ từng trường hợp và từng mức độ có thể bị xử phạt lên đến 100 triệu đồng, bị phạt tù lên đến 20 năm, đồng thời cấ đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc cụ thể từ 01 đến 05 năm và có thể tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản liên quan.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Nghị định 88/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng