Hiện nay pháp luật không chỉ bảo vệ an toàn sức khỏe và an toàn thân thể của con người, mà còn có những quy định cấm hành vi xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm, ảnh hưởng đến tinh thần của cá nhân. Vậy thì, hành vi đe dọa tinh thần của người khác hiện nay được ghi nhận mức xử phạt như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hành vi đe dọa tinh thần người khác bị xử phạt như thế nào?
1.1. Hành vi đe dọa tinh thần người khác được hiểu như thế nào?
Hiện nay pháp luật đã có những quy định xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi đe dọa tinh thần người khác. Hành vi đe dọa tinh thần người khác gây ra những hậu quả vô cùng quan trọng. Đe dọa khủng bố tinh thần người khác được xem là hành vi tác động xấu đến hình ảnh và nhân phẩm, tác động xấu đến uy tín của một cá nhân nào đó nhằm mục đích trấn áp hoặc kích động đến tinh thần của họ.
Hành vi đe dọa tinh thần của người khác được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau ví dụ như gọi điện thoại đe dọa hoặc nhắn tin đe dọa, gửi thư nặc danh đe dọa khiến cho nhiều người sợ hãi, xúc phạm danh dự nhân phẩm và uy tín của người khác, có hành vi đe dọa sẽ đăng công khai những hình ảnh nhạy cảm và thông tin mật … nhằm mục đích ép buộc người khác phải thực hiện theo yêu cầu của người đe dọa. Trong đời sống hiện nay thì thực trạng đe dọa tinh thần diễn ra ở khắp mọi nơi, hiện tượng đe dọa tinh thần hướng đến mọi đối tượng trong xã hội và được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Mặc dù các cơ quan chức năng đã cố gắng xử lý những hành vi này tuy nhiên với chiêu trò ngày càng tinh vi thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng không thể kiểm soát và giải quyết một cách triệt để.
Đối tượng bị đe dọa tinh thần không chỉ là những học sinh và sinh viên, mà thậm chí còn là giáo viên hoặc giảng viên, công chức … vẫn có thể rơi vào những chiêu trò này. Nhiều hành động đe dọa đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Có những hành động đe dọa mặc dù chưa tác động đến tài sản và vật chất của người khác nhưng cũng đủ làm cho họ rơi vào tình trạng sợ hãi và lo lắng, rối loạn tâm lý và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống.
Chính vì vậy Nhà nước cần đề cao và xử lý nghiêm minh các hành vi đe dọa đến tinh thần của người khác để chấm dứt triệt để tình trạng trên. Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, tùy vào từng mức độ họ và hậu quả trên thực tế mà hành vi đe dọa tinh thần của người khác có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ theo quy định tại Điều 34 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định, danh dự và nhân phẩm, uy tín của người khác là bất khả xâm phạm và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ. Vì vậy, bất cứ ai có hành vi đe dọa đến tinh thần của người khác nhằm mục đích khủng bố tinh thần thì sẽ bị truy cứu và xử lý theo các tội danh tương ứng.
1.2. Mức xử phạt hành vi đe dọa tinh thần người khác:
Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, mức xử phạt đối với hành vi đe dọa tinh thần người khác được ghi nhận như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các chủ thể thực hiện một trong những hành vi sau đây:
– Truy nhập, sử dụng, tiết lộ, làm gián đoạn, sửa đổi, phá hoại trái phép thông tin, hệ thống thông tin;
– Không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi truyền đưa hoặc cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số;
– Không thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định danh sách chủ sở hữu thuê chỗ lưu trữ thông tin số;
– Không bảo đảm bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân thuê chỗ lưu trữ thông tin số trừ các trường hợp cung cấp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Không thực hiện các biện pháp quản lý, kỹ thuật cần thiết để bảo đảm thông tin cá nhân không bị mất, đánh cắp, tiết lộ, thay đổi hoặc phá hủy khi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng;
– Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;
– Cung cấp, có hành vi trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ dưới bất kì hình thức nào, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;
– Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bị cấm;
– Ngăn chặn trái pháp luật việc truyền tải thông tin trên mạng, can thiệp, truy nhập, gây nguy hại, xóa, thay đổi, sao chép và làm sai lệch thông tin trên mạng;
– Không tiến hành theo dõi, giám sát thông tin số của tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền … và những hành vi khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy theo phân tích ở trên thì có thể nói, hành vi đe dọa tinh thần của người khác có thể sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh tương ứng được ghi nhận tại Bộ luật hình sự năm 2015.
2. Hành vi đe dọa tinh thần người khác có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Hành vi đe dọa tinh thần của người khác hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn cấu thành tội phạm căn cứ theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật hình sự năm 2015 về tội đe dọa giết người. Cụ thể như sau:
– Hành vi khách quan của tội đe dọa giết người được quy định là hành vi thể hiện sẽ tước đoạt tính mạng của người khác. Hành vi này có thể là lời đe dọa với những hình thức khác nhau (trực tiếp, qua điện thoại, qua thư từ …) hoặc có thể là những cử chi, việc làm cụ thể gián tiếp thể hiện sự đe dọa (như đi tìm công cụ, phương tiện …);
– Hành vi đe dọa phải gây ra cho người bị đe dọa tâm lí lo sợ một cách có căn cứ là hành vi giết người sẽ xảy ra.
Như vậy, không phải tất cả các hành vi đe dọa giết người đều cấu thành tội đe dọa giết người. Hành vi đe dọa giết người chỉ cấu thành tội đe dọa giết người khi hành vi đe dọa làm cho người bị đe dọa thực sự lo sợ một cách có căn cứ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện. Theo đó, điều luật này quy định 02 khung hình phạt chính. Khung hình phạt cơ bản có mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Khung hình phạt tăng nặng có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm được quy định cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, hành vi đe dọa và khủng bố tinh thần của người khác còn có thể phạm vào tội làm nhục người khác nếu đối tượng có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm và danh dự của người bị hại căn cứ theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật hình sự năm 2015.
3. Cần phải làm gì khi bị người khác đe dọa tinh thần?
Hiện tượng bị người khác đe dọa tinh thần theo như phân tích ở trên hiện nay đã không còn quá xa lạ trong đời sống. Xã hội ngày càng phát triển thì hiện tượng bị người khác đe dọa về mặt tinh thần ngày càng diễn ra phổ biến hơn. Trước thực trạng này thì cần phải có một số biện pháp để bảo vệ quyền lợi của bị hại, có thể kể đến như sau:
– Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình cũng như những người thân xung quanh, khi bị người khác đe dọa và khủng bố về mặt tinh thần thì chúng ta cần phải lưu lại những thông tin thể hiện sự vu khống và bôi nhọ về mặt danh dự và nhân phẩm, lưu lại những thông tin đe dọa của đối tượng và các yêu cầu, thách thức của đối tượng về việc nạn nhân cần phải đáp ứng một nhu cầu nào đó của họ. Việc lưu lại những thông tin này sẽ được sử dụng để làm bằng chứng và chứng cớ tố cáo hành vi vi phạm của các đối tượng tới cơ quan điều tra. Để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và điều tra cũng như xử lý kịp thời. Nếu không được thông báo nhanh chóng với các cơ quan chức năng có thẩm quyền thì hành vi này sẽ tiếp tục được tiếp diễn không chỉ với bạn mà còn với nhiều trường hợp khác trong đời sống, từ đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần và gây mất an ninh trật tự cũng như an toàn xã hội;
– Khi bị các đối tượng đe dọa tinh thần thì cần phải theo dõi và kiểm tra, xác minh và yêu cầu chủ thuê bao ngừng ngay hoạt động đe dọa tinh thần. Nếu như họ vẫn cố tình đe dọa bà vẫn cố tình vi phạm thì cần báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật;
– Bảo mật tối đa thông tin để tránh trường hợp lộ thông tin cá nhân khiến cho các đối tượng xấu lợi dụng đe dọa và khủng bố về mặt tinh thần.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Nghị định số 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.